Đắk Nông:

Học sinh tốt nghiệp hơn 1 năm, công trình do phụ huynh góp tiền xây dựng vẫn nằm… trên giấy

(Dân trí) - Theo kế hoạch, số tiền vận động đóng góp từ phụ huynh năm học 2018-2019 sẽ được sử dụng để xây dựng khu liên hiệp thể thao phục vụ học sinh. Tuy nhiên, dù đã hết năm học, học sinh khối 12 đã tốt nghiệp gần 1 năm nhưng công trình vẫn chỉ nằm trên giấy.

Theo đó, năm học 2018-2019, Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) xây dựng kế hoạch vận động phụ huynh tài trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ công tác giảng dạy, học tập của nhà trường.

Tại buổi họp phụ huynh đầu năm học, phụ huynh thống nhất đóng góp khoảng 400.000 đồng/học sinh để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học; Thiết bị nghiên cứu khoa học; Cải tạo, sửa chữa, xây dựng một số hạng mục công trình… Sau cuộc họp, nhà trường đã huy động được hơn 430 triệu đồng.

Học sinh tốt nghiệp hơn 1 năm, công trình do phụ huynh góp tiền xây dựng vẫn nằm… trên giấy - 1
Văn phòng Đoàn thanh niên của Trường THPT Trần Hưng Đạo

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, dù năm học 2018- 2019 đã kết thúc gần 1 năm nay, học sinh khối 12 đã tốt nghiệp nhưng công trình giáo dục thể chất vẫn chưa được xây dựng.

Ông T. một phụ huynh học sinh năm học 2018-2019 cho biết, trong buổi họp đầu năm học trước, nhà trường có kêu gọi đóng góp của phụ huynh để xây dựng văn phòng đoàn và khu giáo dục thể chất. Lãnh đạo nhà trường có hứa 2 tháng sau học sinh sẽ có khu giáo dục thể chất để học tập. Thế nhưng, đến thời điểm này, khi con ông đã tốt nghiệp, công trình này mới chỉ khởi công chứ chưa xây dựng.

“Nhà trường có cam kết sẽ sử dụng số tiền mà chúng tôi đóng góp để xây dựng văn phòng đoàn và khu giáo dục thể chất. Tuy nhiên, trong năm học nhà trường lại bất ngờ thay đổi kế hoạch, xây dựng văn phòng đoàn, phòng tiếp khách và một số hạng mục khác. Việc này nhà trường chỉ thông báo cho ban đại diện cha mẹ học sinh chứ không thông qua phụ huynh. Đến thời điểm này, khu giáo dục thể chất vẫn chưa hoàn thành, phần lớn vẫn còn nằm … trên giấy”, ông T. nói.

Học sinh tốt nghiệp hơn 1 năm, công trình do phụ huynh góp tiền xây dựng vẫn nằm… trên giấy - 2
Dùng đóng tiền đã hơn 1 năm, nhưng công trình vẫn chưa đi vào sử dụng khiến nhiều học sinh mất quyền lợi

Cũng theo ông T., năm học này, ông có một người con khác theo học tại trường. Trường THPT Trần Hưng Đạo tiếp tục vận động phụ huynh đóng góp khoảng 400.000 đồng nữa để thực hiện kế hoạch năm ngoái. Nhiều phụ huynh phản đối và yêu cầu nhà trường phải trả lại số tiền năm học trước đã đóng góp thì mới tiếp tục đóng góp năm nay.

Cùng quan điểm với ông T., bà H. (phụ huynh học sinh năm học 2019-2020) cũng khẳng định, chỉ khi nào nhà trường thực hiện xong kế hoạch vận động từ năm học trước, bà mới đóng góp cho năm học này.

“Thực sự số tiền đóng góp không quá cao nếu xây dựng cơ sở vật chất để các cháu có điều kiện học tập. Tuy nhiên chúng tôi sợ rằng, nhà trường kêu gọi rồi lại như năm học trước, xây dựng không đúng mục đích đóng góp.”, bà H. cho hy.

Nhiều khoản thu cao, vô lý?

Ngoài khoản đóng góp 400.000 đồng/học sinh, nhiều phụ huynh còn phản ánh, nhà trường thu tiền xã hội hóa cao hơn so với các trường THPT khác trên địa bàn, dù Trường THPT Trần Hưng Đạo nằm ngay trung tâm huyện Đắk Mil. Trong đó, thu mỗi học sinh 100.000 đồng tiền dọn vệ sinh, 54.000 đồng tiền nước uống và 360.000 đồng tiền giữ xe…

Học sinh tốt nghiệp hơn 1 năm, công trình do phụ huynh góp tiền xây dựng vẫn nằm… trên giấy - 3
Nhiều phụ huynh phản ánh, Trường THPT Trần Hưng Đạo huy động mức đóng góp cao cho những khoản không cần thiết

Một phụ huynh có con học lớp 12 cho biết, trước đây phụ huynh đóng góp tiền xây dựng lán để xe, bây giờ các cháu đi học phải đóng góp tiền để giữ xe. Cả trường có gần 1200 học sinh, nhưng chỉ có 2 bảo vệ, trong khi lương của mỗi bảo vệ chỉ khoảng 5 triệu đồng/ tháng thì số tiền còn lại sẽ đi về đâu ?

Ngoài ra, nhiều phụ huynh của Trường THPT Trần Hưng Đạo cũng thắc mắc về việc sử dụng tiền dọn vệ sinh, tiền nước uống… khi phụ huynh không hề biết được chi như thế nào, nhưng cuối năm học thì tất cả đều không dư một đồng.

“Cả trường có một cô lao công, được ký hợp đồng 68 (có hưởng lương) thì tại sao phải thu thêm tiền lao công ? Mỗi học sinh đóng góp 100.000 đồng thì tiền dọn dẹp vệ sinh của trường phải trên dưới 100 triệu đồng, không thể một cô lao công lĩnh hết bằng này được?”, một phụ huynh phân tích.

Trước những phản ánh này, ông Trần Công Nhị, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết, năm học 2018-2019, nhà trường có xây dựng kế hoạch kêu gọi đóng góp để xây dựng văn phòng đoàn và khu giáo dục thể chất và một số hạng mục khác.

Kế hoạch đều thực hiện đúng Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT và Hướng đẫn 1306 của Sở GD&ĐT, sau đó Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông phê duyệt. Trong quá trình thực hiện, nhà trường nhận thấy văn phòng đoàn và phòng tiếp khách là cần thiết nên đã xin ý kiến của Ban đại diện phụ huynh để xây dựng các hạng mục này. Việc thay đổi kế hoạch không đưa ra lấy ý kiến phụ huynh.

Liên quan đến tiền lao công, ông Nhị cũng cho biết, lao công được chi trả khoảng 48 triệu đồng/12 tháng còn lại được nhà trường sử dụng để mua giấy vệ sinh, nước tẩy rửa… Trong khi đó, tiền giữ xe sẽ được chi trả cho 2 bảo vệ, mỗi người 5 triệu đồng/ tháng, số tiền dư sẽ được đưa vào quỹ của nhà trường.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị này cũng nhận được đơn thư phản ánh của phụ huynh học sinh và giáo viên trong trường THPT Trần Hưng Đạo. Sở đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh thông tin. Hiện tại Thanh tra Sở đang tiến hành xác minh đơn thư và làm việc với cá nhân, đơn vị liên quan. 

Dương Phong