TP. Quảng Ngãi:

Học sinh THCS làm bài kiểm tra 1 tiết bằng đề chung

(Dân trí) - Ngành Giáo dục TP. Quảng Ngãi đã chính thức thí điểm cho học sinh THCS làm bài kiểm tra 1 tiết bằng đề chung đối với 5 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý và Hóa. Đây là biện pháp nhằm hạn chế tiêu cực có thể phát sinh từ hoạt động dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, cách làm này vẫn còn một số khó khăn nhất định.

Sáng 25/10, trường THCS Nguyễn Nghiêm (TP. Quảng Ngãi) tổ chức kiểm tra 1 tiết môn tiếng Anh cho tất cả học sinh khối 6. Khác với nhiều năm học trước, năm nay các em làm bài kiểm tra 1 tiết bằng đề chung.

Để làm đề kiểm tra chung, ban giám hiệu (BGH) nhà trường yêu cầu tất cả giáo viên trong tổ bộ môn ra một đề riêng. Sau đó, một cán bộ sẽ được giao nhiệm vụ tổng hợp, lựa chọn câu hỏi làm đề chung và hướng dẫn chấm bài. Đề kiểm tra này sẽ được BGH thẩm định, đồng thời gửi về Phòng Giáo dục để kiểm tra sau đó được in sao phục vụ buổi kiểm tra 1 tiết.

Tại buổi kiểm tra chung đề của trường THCS Nguyễn Nghiêm, mỗi phòng được bố trí 2 giáo viên coi kiểm tra. Quá trình kiểm tra được BGH giám sát chặt chẽ.

Bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, học sinh THCS của TP. Quảng Ngãi làm bài kiểm tra 1 tiết bằng đề chung.
Bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, học sinh THCS của TP. Quảng Ngãi làm bài kiểm tra 1 tiết bằng đề chung.

Dù hình thức đổi mới, buổi kiểm tra được thực hiện khá nghiêm túc nhưng đa phần học sinh vẫn khá thoải mái sau khi hoàn thành bài kiểm tra.

Theo em Nguyễn Tuấn Tú, bài làm của em được hướng dẫn đánh số báo danh cẩn thận. Trong quá trình làm bài các thầy cô giám sát chặt chẽ nên các bạn làm bài nghiêm túc.

"Em thấy đề chung không quá khó vì những dạng câu hỏi trong đề đã được ôn tập trên lớp. Kiểm tra chung đề nhưng em thấy cũng bình thường", em Nguyễn Tuấn Tú cho biết.

Về phía giáo viên, đa phần ý kiến cho rằng hình thức kiểm tra bằng đề chung sẽ hạn chế được tiêu cực phát sinh trong hoạt động dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, việc làm này cũng bộc lộ một số khó khăn.

Theo cô Phạm Thị Kim Đồng - giáo viên môn tiếng Anh, việc kiểm tra bằng đề chung là cần thiết nhằm hạn chế tiêu cực. Tuy nhiên, hoạt động này tạo ra một khối lượng công việc khá lớn cho giáo viên.

"Nhà trường phải huy động nhiều giáo viên coi kiểm tra, rồi rọc phách, chấm bài, ráp phách, tổng hợp điểm. Hình thức này tốn khá nhiều thời gian so với cách kiểm tra trước kia cho cả giáo viên và học sinh", cô Kim Đồng chia sẻ.

Bài kiểm tra của học sinh sẽ được rọc phách trước khi chấm nhằm đảm bảo tính khách quan
Bài kiểm tra của học sinh sẽ được rọc phách trước khi chấm nhằm đảm bảo tính khách quan

Trong khi đó, ông Lê Minh Hiền - phụ trách tổ chuyên môn THCS (phòng GD-ĐT TP. Quảng Ngãi), cho rằng, có thể việc dùng chung đề kiểm tra vẫn còn một số tồn tại nhưng đây là phương pháp hiệu quả để hạn chế tiêu cực, qua đó đánh giá đúng năng lực của học sinh. Xét một cách toàn diện thì ưu điểm nhiều hơn những hạn chế có thể phát sinh.

Theo ông Hiền, hiện các trường mới thực hiện thí điểm. Vì vậy, tùy điều kiện về cơ sở vật chất và cán bộ mà tổ chức kiểm tra chung đề cả 5 môn hoặc tối thiểu là 2 môn.

"Những khó khăn được phản ánh là có nhưng có thể khắc phục được. Số giáo viên tham gia coi kiểm tra chỉ tăng thêm một số tiết, việc này nhà trường có thể xem xét giải quyết. Tuy nhiên, đây là biện pháp hữu hiệu để đánh giá đúng năng lực của học sinh", ông Hiền nói.

Cũng theo ông Hiền, phòng Giáo dục TP. Quảng Ngãi sẽ kiểm tra, khảo sát việc thực hiện của các trường trong học kỳ I năm học 2018 - 2019. Trên cơ sở đó, Phòng sẽ có hướng chỉ đạo phù hợp nhất trong công tác ra đề, tổ chức thực hiện nhằm phát huy hết ưu điểm của hình thức kiểm tra 1 tiết bằng đề chung.

Quốc Triều