Thanh Hóa:

Học sinh miền núi chông chênh bè mảng đến trường

(Dân trí) - Để đến trường học, nhiều năm qua, hàng chục em học sinh ở xã Phùng Minh (huyện miền núi Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) phải bất chấp hiểm nguy đi trên những chiếc bè mảng chông chênh qua con sông Âm.

Làng Chu, xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc có 148 hộ dân với 570 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Từ làng Chu đến trung tâm xã Phùng Minh hơn 3 km, nhưng điều kiện đi lại của người dân và học sinh rất khó khăn. Trong khi đó, ngôi làng này chỉ cách trung tâm xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa chỉ khoảng 500m.

Người dân làng Chu, xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc hàng ngày thường qua sông để sang xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân giao lưu, buôn bán
Người dân làng Chu, xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc hàng ngày thường qua sông để sang xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân giao lưu, buôn bán

Do điều kiện địa lý nên những năm qua, việc buôn bán, làm ăn của người dân trong làng và việc học hành của con em chủ yếu gắn bó với xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân. Nhưng để đến được xã Ngọc Phụng, người dân làng Chu, xã Phùng Minh phải đi qua con sông Âm.

Vì chưa có cầu nên việc đi lại qua sông của người dân làng Chu chủ yếu bằng bè mảng. Đặc biệt, mỗi ngày, có 72 học sinh cấp Tiểu học và THCS của làng Chu phải qua sông đến trường. Theo ghi nhận của phóng viên, lòng sông đoạn qua địa bàn làng Chu, xã Phùng Minh rộng chừng 50m. Người dân địa phương cho biết, về mùa mưa, nước đoạn sông này chảy xiết.

Hàng chục em học sinh của làng Chu cũng phải qua sông đến trường
Hàng chục em học sinh của làng Chu cũng phải qua sông đến trường

Mỗi giờ tan trường, hàng chục em học sinh ùa ra bờ sông, các em phải xắn quần, dắt xe đạp để lên mảng qua sông. Trong khi đó, bè mảng chỉ là những cây luồng được ghép lại với nhau, không có lan can che chắn và các em học sinh thì hầu như không được trang bị áo phao.

Nhiều phụ huynh có con em ngày ngày phải chênh vênh trên bè mảng qua sông để đến trường không khỏi thấp thỏm, lo âu. Tuy nhiên, không còn cách nào khác nên các bậc phụ huynh cũng đành chấp nhận để con mình “đánh cược” sự an toàn qua sông đến trường. Đã bao năm nay, người dân nơi đây mơ ước có một cây cầu để đi lại được thuận lợi và an toàn hơn.

Học sinh miền núi chông chênh bè mảng đến trường - 3
Học sinh bất chấp hiểm nguy qua sông bằng mảng
Học sinh bất chấp hiểm nguy qua sông bằng mảng

Theo ông Ngô Trọng Túc - Chủ tịch UBND xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc, biết là nguy hiểm, mất an toàn nhưng không còn cách nào khác. Từ trước đến nay, người dân làng Chu vẫn thường qua sông sang huyện Thường Xuân để giao lưu buôn bán, còn các em nhỏ đi học. Nguyên nhân một phần do thói quen, đường về trung tâm xã khó khăn, xa hơn, trong khi người dân trong làng chỉ cần qua sông là đến xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân.

Chị Phạm Thị Lượng, người dân làng Chu nhớ lại ngày 8/11 vừa qua, do mưa lớn, nước dâng cao và chảy xiết, khi chiếc mảng đang đưa các cháu qua sông thì bị nước cuốn trôi về phía hạ lưu khoảng 100m. Lúc đó, các cháu ở trên mảng kêu khóc, còn chị cũng như nhiều phụ huynh khác đứng trên bờ phải thót tim.

Hầu hết học sinh qua sông không được trang bị áo phao
Hầu hết học sinh qua sông không được trang bị áo phao

Nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi, ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân là người lái chiếc mảng trên đoạn sông này. Theo anh Tuấn, mỗi ngày anh lái mảng đưa khoảng 200 lượt người qua lại. Chiếc mảng được kết từ 20-30 cây luồng rất đơn sơ rồi dùng máy đẩy qua sông. Mỗi chuyến chở được khoảng 10 người, những ngày bình thường thì mảng có thể qua sông, hôm nào lũ lên hay mưa lớn nước chảy xiết thì các cháu học sinh phải nghỉ học.

Ông Phạm Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết, địa phương cũng đã nắm bắt được những khó khăn của người dân nơi đây. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên chưa đầu tư xây dựng cầu được. Huyện đang đấu mối với Sở Giao thông Vận tải để lập phương án trình các ngành đưa dự án xây dựng cầu tại làng Chu cho người dân vào kế hoạch của năm 2017.

Người dân nơi đây mơ ước có một cây cầu
Người dân nơi đây mơ ước có một cây cầu

Định Lộc - Duy Tuyên