Học sinh lớp 7 không biết chữ: Chạy theo “bệnh thành tích”

(Dân trí) - “Sự việc này thể hiện rõ việc chạy theo thành tích, quản lý không chặt chẽ, thầy cô giáo trực tiếp dạy các em chắc chắn có phát hiện, có thể có phản ánh nhưng nhà trường lờ đi…”, nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Vừa qua, câu chuyện về một số học sinh học tới lớp 7 vẫn không viết nổi tên mình xảy ra ở tỉnh Quảng Trị đang gây xôn xao toàn ngành giáo dục. Theo kết luận từ cơ quan quản lý giáo dục, sự việc trên là có thật nhưng các trường hợp học sinh “ngồi nhầm lớp” đều là những trẻ em thuộc diện khuyết tật.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Trí, nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết, chúng ta nên nhìn sự việc từ nhiều nguyên nhân, không nên nhìn một phía nhưng vẫn phải có nguyên nhân chính. Ở trường hợp này, các học sinh bị khuyết tật đáng lẽ cha mẹ, thầy cô phải biết nhưng lại buông lỏng sự quản lý.

Sự việc này thể hiện rõ việc chạy theo thành tích, quản lý không chặt chẽ, thầy cô giáo trực tiếp dạy các em chắc chắn có phát hiện, có thể có phản ánh nhưng nhà trường “lờ đi”. “Tôi không chấp nhận các học sinh như vậy lên lớp một cách bình thường được”, thầy Tùng Lâm nhấn mạnh.


Trường Tiểu học A Túc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) nơi có nhiều học sinh không biết chữ

Trường Tiểu học A Túc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) nơi có nhiều học sinh không biết chữ

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, trước hết phải xác định, nếu các em có bệnh tật, cơ quan y tế phải vào cuộc để chữa cho các em. Sau đó phải dạy bằng được cho các em đọc thông, viết thạo, làm 4 phép tính. Tiếp đó mới căn cứ vào tuổi tác, sức khỏe để có phương hướng cho các em có thể cho học nghề chứ không nhất thiết phải theo học mãi.

“Rõ ràng trong sự việc này hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước, từ hiệu trưởng sau đó mới xem ai là người trực tiếp liên quan đến việc buông lỏng để các em tới lớp 7 vẫn không biết nổi tên mình”, thầy  Tùng Lâm chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, nhà giáo Văn Như Cương bày tỏ, những trường hợp học sinh thuộc diện khuyết tật nên có những trường thí điểm hoặc đưa vào những trường bình thường nhưng có kế hoạch dạy học riêng. “Trong sự việc xảy ra ở tỉnh Quảng Trị, cho thấy chúng ta chưa chú ý đến việc dạy học cho các trẻ em khuyết tật này. Phê bình Hiệu trưởng cũng đúng thôi nhưng thực tế việc giao em khuyết tật vào lớp với các em bình thường cũng rất khó cho giáo viên, nhất là vấn đề dạy kiến thức và khả năng hòa nhập”, thầy Cương nói.

Theo thầy Văn Như Cương sự việc cho thấy có dấu hiệu của bệnh thành tích, dù chưa đủ khả năng lên lớp nhưng vẫn cho các em lên lớp như các bạn học sinh khác. “Chúng ta có thể có phương pháp kèm cặp, đi sâu đi sát hơn, tập trung vào một số các em như thế, các thầy cô có thể đến dạy thêm vào các buổi chiều, tập luyện, tập viết cho các em. Làm được điều này sẽ mất thì giờ nhưng không phải khó khăn và không làm được. Chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, vùng sâu vùng xa kinh phí thiếu, nhà thầy cô xa nhà dân. Sự chú ý đến quyền lợi trẻ em, nhất là trẻ em khuyết tật chưa được chú ý. Tất nhiên xét về mặt tổng thế chúng ta luôn chú trọng cho giáo dục cho trẻ em nhưng vẫn còn có những thiếu sót”, nhà giáo Văn Như Cương chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm trước hết thuộc về các giáo viên trực tiếp giảng dạy. Các giáo viên khi đánh giá học sinh qua từng năm học đã thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, không báo cáo thật chất lượng giáo dục và trình độ của học sinh với ban giám hiệu nhà trường, không có giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém của học sinh.

Ngoài ra, Sở và phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, ban giám hiệu các trường đã buông lỏng quản lý, chỉ đạo, thiếu sâu sát thực tế, không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng giáo dục.

Ông Hiển cũng yêu cầu khắc phục ngay tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”. Hiệu trưởng hai trường xảy ra sự việc cần nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, chấn chỉnh công tác quản lý, chỉ đạo dạy và học của giáo viên, học sinh.

Sắp tới, các trường xây dựng kế hoạch cụ thể để giúp đỡ những học sinh đang “ngồi nhầm lớp”; bố trí giáo viên có kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm tham gia phụ đạo, kèm cặp từng học sinh, bù đắp những kiến thức thiếu hụt, giúp các em sớm đáp ứng được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Đặc biệt, ông Hiển yêu cầu các địa phương siết chặt công tác kiểm tra, đánh giá học sinh cuối năm học. Có kế hoạch rà soát trình độ học sinh, phân loại và có biện pháp kịp thời giúp đỡ để học sinh đều có thể đạt yêu cầu theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; không để xuất hiện thêm những học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Lê Tú