Học sinh lớp 2 học xác suất, thống kê và những chuyện “tốn giấy mực” trong giáo dục năm 2019

(Dân trí) - 16 triệu USD chưa giải ngân; học sinh lớp 2 phải học toán xác suất, thống kê... là những chuyện tốn nhiều giấy mực của truyền thông năm 2019.

Bộ Giáo dục và lùm xùm 16 triệu USD làm sách

Sự việc tốn nhiều giấy mực của báo giới khi có thông tin Bộ GD&ĐT làm gì với 16 triệu USD nếu không thực hiện được bộ sách giáo khoa (SGK) như dự kiến.

Cụ thể, kinh phí đầu tư cho dự án Đổi mới giáo dục phổ thông khoảng 80 triệu USD (khoảng 1.800 tỷ đồng, tính theo tỷ giá hiện hành), trong đó 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng.

Dự án trên được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8/8/2016 và kết thúc vào năm 2020. Trong số này, có khoản 16 triệu USD dành để biên soạn bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện. 

Bộ GD&ĐT sẽ dùng 16 triệu USD để xây dựng bản thảo và lấy ý kiến đối với bản thảo một bộ SGK; thẩm định, thực nghiệm và phê duyệt cho phép sử dụng đối với một bộ SGK; biên soạn SGK song ngữ cấp tiểu học (tiếng Việt, tiếng một số dân tộc thiểu số có chữ viết) và biên soạn, thử nghiệm SGK điện tử. 

Học sinh lớp 2 học xác suất, thống kê và những chuyện “tốn giấy mực” trong giáo dục năm 2019 - 1

Nếu được phê duyệt, số tiền 16 triệu USD mới được giải ngân, dưới sự giám sát của Ngân hàng thế thới.

Bên cạnh đó, dự án sẽ thẩm định các SGK (bao gồm sách của Bộ GD&ĐT và sách khác do cá nhân, tổ chức biên soạn).

Tuy nhiên, kế hoạch viết một bộ SGK của Bộ GD&ĐT đã bị phá sản. Do đó, đặt ra vấn đề 16 triệu USD (tương đương 370 tỷ đồng) vay vốn ODA này được xử lý ra sao?

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT phải trình phương hướng tái cơ cấu khoản vay này sang các hạng mục công việc khác mang tính dài hơi để Ngân hàng thế giới duyệt.

Nếu được phê duyệt, số tiền này mới được giải ngân, dưới sự giám sát của Ngân hàng thế thới.

Trả lời báo chí, bà Trần Thị Mỹ An, chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết khoản vay 16 triệu USD của Bộ GD&ĐT để viết một bộ SGK chưa được giải ngân nên dư luận không phải quá lo ngại.

Công bố SGK lớp 1 sau nhiều lần trì hoãn

Theo kế hoạch, năm học 2020- 2021, Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 lần đầu tiên được áp dụng cho học sinh lớp 1.

Để chuẩn bị cho chương trình mới, Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định các bộ SGK lớp 1 mới.

Dự kiến tháng 10/2019 sẽ công bố nhưng trả lời báo chí, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết sẽ hoãn đến đầu tháng 11/2019.

Đầu tháng 11/2019, việc công bố SGK lớp 1 tiếp tục bị trì hoãn.

Học sinh lớp 2 học xác suất, thống kê và những chuyện “tốn giấy mực” trong giáo dục năm 2019 - 2

Việc công bố SGK lớp 1 mới nhiều lần bị trì hoãn

Nguyên nhân, Bộ GD&ĐT cho rằng cần rà soát lại các căn cứ pháp lý liên quan đến nội dung SGK như luật Giáo dục, luật Xuất bản; luật Sở hữu trí tuệ và các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế để SGK khi được phê duyệt sẽ chính xác và hợp pháp nhất.

Ngày 22/11/2019, Bộ GD&ĐT mới công bố 32 cuốn SGK lớp 1 được Hội đồng thẩm định quốc gia lựa chọn cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Như vậy sau nhiều lần trì hoãn, bộ SGK lớp 1 mới đã ra mắt công luận nhưng trong số này, vẫn chưa có các cuốn SGK tiếng Anh.

Nguyên nhân được đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, tiếng Anh là môn học tự chọn, không phải môn bắt buộc trong chương trình lớp 1 nên sẽ công bố sau. 

Đơn vị làm sách cần thời gian để các tác giả nước ngoài hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan như các giấy tờ về lý lịch tư pháp, chứng minh quyền nhân thân, quyền sở hữu của tác giả với nhà xuất bản.

Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, cuối tháng 12/2019 sẽ công bố SGK tiếng Anh nhưng đến ngày 20/1/2020, Bộ GD&ĐT mới “chốt” các cuốn SGK tiếng Anh.

Học sinh lớp 2 học xác suất, thống kê và những chuyện “tốn giấy mực” trong giáo dục năm 2019 - 3

Học sinh lớp 2 học toán xác suất, thống kê gồm ác bài học giản đơn, gần gũi cuộc sống, thậm chí có thể dạy từ cấp mầm non.

Học sinh lớp 2 học xác suất thống kê và cuộc "bút chiến" trên mạng xã hội

Đầu tháng 11/2019, phụ huynh xôn xao vì sắp tới đây, học sinh lớp 2 sẽ học toán xác suất, thống kê. Đấy là những bộ môn mà đến sinh viên đại học còn sợ.

Một “cuộc chiến” diễn ra trên các trang mạng xã hội khi người này kêu khó, người am hiểu thì cho rằng xác suất chúng ta đã gặp hàng ngày, nó là những điều đơn giản, không đến mức “hàn lâm” như của sinh viên đại học.

Cuộc "bút chiến” dần lắng lại khi nhiều nhà khoa học, nhà toán học và chuyên gia giáo dục cho biết, học sinh lớp 2 học toán xác suất, thống kê là chính xác. Đó là các bài học giản đơn, gần gũi cuộc sống, thậm chí có thể dạy từ cấp mầm non.

Thí dụ, bài toán yêu cầu học sinh đếm đúng số người, biết phân loại theo tính chất, hoặc quan sát cái gì thường hay xảy ra… Các bài toán này nhằm giúp học sinh gắn bài học với thực tiễn. 

Những người làm sách cũng khẳng định: Kiến thức này trước đây đã có trong chương trình cũ.

Tuy nhiên, ở SGK Toán của chương trình mới, người ta đặt ra thành trục riêng để giáo viên dạy tập trung, hoàn toàn không quá khác biệt nên phụ huynh không nên hốt hoảng.

M. Hà