Học sinh lớp 12 tình nguyện nhặt rác, xả stress mùa thi

(Dân trí) - Những bạn học sinh 18 tuổi, đang trong giai đoạn nước rút căng thẳng nhất, mùa thi đang cận kề nhưng vẫn sẵn sàng rủ nhau đi lao động tình nguyện, một công việc mà nhắc tới ai cũng ngán ngẩm, lảng tránh vì hôi hám, bẩn thỉu: Đi nhặt rác.

Những ngày vừa qua, thời tiết nắng nóng dữ dội. Tôi cũng như nhiều người, đi làm uể oải, chỉ thích trốn trong phòng làm việc bật điều hòa mát lạnh. Ngày nghỉ, tôi tranh thủ làm việc nhà từ buổi sáng mát mẻ, nấu nướng các món ăn thanh nhiệt cho lũ trẻ. Tôi kể với các con, trời nắng nóng vất vả nhất những người lao động ngoài trời như các bác nông dân, công nhân.

Vậy có ai chịu cực nhọc phơi nắng mà làm việc tình nguyện dọn rác không? Tôi biết mạng xã hội đang lan truyền thông điệp tích cực, dọn rác làm sạch môi trường và cộng đồng xung quanh, từ những bạn học sinh, sinh viên. Tôi và các con tận mắt chứng kiến hình ảnh một số bạn trẻ, các cô bác chăm chú thu dọn rác quanh Hồ Gươm. Tôi tranh thủ dạy các con phải bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế rác thải sinh hoạt, tận dụng vỏ trứng, cọng rau thừa bón cây.

Ga tàu nơi tôi làm việc hàng tháng luôn tổ chức lao động nhặt rác làm sạch đơn vị. Nhưng đường tàu vẫn luôn có rác từ khách đi tàu tiện tay quăng qua cửa sổ, từ những nhà dân lười quãng đường đổ rác mà vứt luôn ra đường sắt, từ những toa tàu rỗng ở các ga khác kéo về, trên thành toa, cửa toa treo lủng lẳng vài túi rác. Ai cũng nghĩ, nhà mình sạch mới quan trọng, ngõ sạch hay bẩn cũng tạm được, còn nơi công cộng như bệnh viện, nhà ga thì tiện đâu vứt rác ở đấy, việc dọn rác là của ai đó, chứ không phải của mình...

Sáng hôm qua, nắng oi ả từ sớm. Tôi hớt hải đi làm thì ngạc nhiên thấy một nhóm bạn trẻ, khẩu trang, mũ nón, găng tay trang bị đầy đủ đang chia nhau đi nhặt rác đường tàu. Tôi hỏi các em có phải sinh viên về ga thực tập không? Mấy em nói chúng em là học sinh cấp 3. Tôi dừng lại hỏi tường tận thì càng ngạc nhiên hơn: Cả nhóm đều là học sinh lớp 12 rủ nhau đến ga nhặt rác làm sạch môi trường. Trưởng nhóm là một bạn nam, các em vào ga xin phép các anh chị đi dọn dẹp, mỗi em một đoạn đường sắt. Nắng chói chang không ngăn cản được sự làm việc chăm chú, miệt mài của các em. Từ cửa phòng làm việc, tôi vẫn để ý quan sát các em. Sau một tiếng lao động, các em khệ nệ bê từng bao tải rác đổ vào xe rác tập kết gần ga.

Học sinh lớp 12 tình nguyện nhặt rác, xả stress mùa thi - 1

Nhóm học sinh lớp 12A2 Trường THPT Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) tình nguyện dọn rác tại ga Đông Anh.

Những bạn học sinh 18 tuổi, đang trong giai đoạn nước rút căng thẳng nhất, mùa thi đang cận kề nhưng vẫn sẵn sàng rủ nhau đi lao động tình nguyện, một công việc mà nhắc tới ai cũng ngán ngẩm, lảng tránh vì hôi hám, bẩn thỉu: Đi nhặt rác. Khi tôi hỏi, các em không tiếc thời gian vàng ngọc ôn thi hay sao mà lại đi lao động nhặt rác như vậy? Các em trả lời rất tự tin, đây là hoạt động thiết thực và là cách xả stress hiệu quả. Khi biết các em học trường THPT Cổ Loa, tôi vội vã đăng ảnh lên tường Facebook một người bạn, chính là thầy giáo dạy tại trường các em theo học. Thật vui khi biết nhóm các em là học sinh lớp 12A2, trường THPT Cổ Loa, các em tự nguyện đi nhặt rác làm sạch ga tàu, không thầy cô nào gợi ý, hoàn toàn là ý tưởng của nhóm.

Học sinh lớp 12 tình nguyện nhặt rác, xả stress mùa thi - 2
Học sinh lớp 12 tình nguyện nhặt rác, xả stress mùa thi - 3

Nhóm học sinh lớp 12A2 Trường THPT Cổ Loa dọn rác đường tàu tại ga Đông Anh (Hà Nội).

Có thể bố mẹ các em sốt ruột vì các con lãng phí thời gian ôn thi. Có thể rất nhiều bạn bè các em không tán dương hành động này, cho các em là kì quặc, thích chơi trội. Nhưng tôi cảm thấy thực sự yêu mến những bạn trẻ sẵn sàng bắt tay dọn rác, làm sạch môi trường như dọn dẹp ngôi nhà mình đang ở. Tôi tin các em là những học sinh chăm ngoan, đầy nội lực và ý chí vươn lên trong học tập. 

Hành động đẹp của các em làm tôi thấy vui lây. Khi tôi đăng ảnh các em lên Facebook của thầy giáo dạy toán, thầy hứa sẽ thưởng nóng cả nhóm 20 đề thi thử kèm đáp án khiến học trò lè lưỡi. Tôi tin là rất nhiều thầy cô và bạn bè của các em vui vì các em đã thực sự trưởng thành... 

Thanh Mai

(Ga Đông Anh, thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!