Học sinh lo thất nghiệp hơn sợ trượt

(Dân trí) - Theo một số chuyên gia tuyển sinh, nhiều thí sinh lo lắng việc học ngành gì để có việc làm sau khi tốt nghiệp hơn là lo sợ về quy chế thi. Các chuyên gia cho rằng, các em học ngành gì không quan trọng bằng việc học như thế nào.

"Chưa bao giờ các em quan tâm đến việc làm nhiều như hiện nay"

Theo một lãnh đạo trường THPT tại Vĩnh Long, nhiều học sinh ở trường ông và phần lớn học sinh trong khu vực này vẫn đang chọn ngành nghề theo quy trình ngược. Các em có kết quả thi mới xác định ngành nghề. Điều này khiến các em gặp phải nhiều khó khăn cả trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho hay, hiện một số em đang chọn nghề nghiệp theo kiểu a dua, chạy theo đám đông, không có năng lực, không sở thích, không sở trường, không hiểu biết gì về nghề nên thường thi đã rồi mới xác định nghề.

Quy trình này của các em là quy trình ngược bởi các em phải chọn trường mình yêu thích, hoặc không yêu thích thì phải hiểu về ngành đó để tránh bỡ ngỡ sau khi ra trường.


Thí sinh nên chọn ngành nào thích hợp chứ không theo số đông (Ảnh minh họa)

Thí sinh nên chọn ngành nào thích hợp chứ không theo số đông (Ảnh minh họa)

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh) cho biết, ông đã từng tham gia tư vấn tuyển sinh trong nhiều năm qua tại một số địa phương. Chưa bao giờ ông thấy các em hỏi nhiều về việc ra trường tốt nghiệp liệu có việc làm hay không như hiện nay.

“Tôi chưa bao giờ thấy các em quan tâm đến các ngành Quân đội và Công an nhiều như vậy. Tôi hỏi vì sao các em lại lao vào ngành này nhiều thế, các em cho biết, chỉ có tốt nghiệp ngành Quân đội và Công an thì ra trường mới có việc làm”, ông Hùng chia sẻ.

Một số em cho rằng, trong xu thế mới, các ngành liên quan đến Ngoại ngữ sẽ thu hút trong tương lai. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, hiện rất nhiều trường Sư phạm đã đào tạo Ngoại ngữ. Trong khi đó, tỉnh nào cũng nâng cấp từ Cao đẳng Sư phạm lên ĐH Sư phạm. Ra trường, việc thi công chức vào khối ngành này cũng rất khó khăn nên tôi nghĩ các em cần cân nhắc.

(PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh)

Cũng theo ông Hùng, thực tế hiện nay đúng là đang xảy ra tình trạng như vậy. Việc thất nghiệp hay không, giai đoạn nào cũng có. Tuy nhiên, chọn ngành nghề, các em phải có tầm nhìn sau 4 năm nữa. Thí sinh phải xem xét xu thế kinh tế của Việt Nam trong 4 năm tới là cái gì, tập trung vào mảng nào để lựa chọn.

Thất nghiệp tùy vào lực học

Theo một chuyên gia tuyển sinh đại học, cho dù học ngành gì nhưng nếu thí sinh đó học không tốt, không có các kĩ năng cạnh tranh cao trong thời điểm hội nhập, sẽ rất khó xin việc. Vì vậy, có thể nói thất nghiệp hay không, tùy thuộc vào lực học chứ không tùy vào ngành học.

Còn theo phán đoán của PGS Huỳnh Thanh Hùng, trong xu thế hội nhập, ngoài việc tốt nghiệp khá, giỏi, các em phải có kĩ năng ngoại ngữ. Trong năm 2015-2016, nhân lực Việt Nam có thể làm việc ở bất cứ nước nào. Chúng ta cứ nói tiếng Việt thì làm việc làm sao được? Đó là chưa kể hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 nước cũng sẽ mở ra cho người Việt Nam nhiều cơ hội việc làm mới.

“Ngoài bằng cấp, kĩ năng ngoại ngữ cũng phải đủ để giao tiếp được, đó là yêu cầu căn bản. Nhưng các em không hiểu điều đó nên cứ nhảy vào ngành “hot”, chọn ngành theo phong trào nhưng không có các kĩ năng khác thì rất khó”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, Việt Nam là nước nông nghiệp. Từ trước đến nay, chúng ta chủ yếu chỉ xuất thô như cao su, cà phê, trái cây… Vì thế, giá trị rất thấp. Trước tình hình này, theo phân tích của ông, chúng ta cần tăng cường công tác chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Do đó, ngành này sẽ rất quan trọng trong nhóm ngành Công nghệ thực phẩm.


Ngành liên quan đến dịch vụ, bán hàng... sẽ rất cần trong tương lai (Ảnh minh họa)

Ngành liên quan đến dịch vụ, bán hàng... sẽ rất cần trong tương lai (Ảnh minh họa)

Thứ hai, chúng ta đã làm ra nhiều sản phẩm thì phải tính đến các ngành nghề liên quan đến dịch vụ, bán hàng cũng sẽ rất cần trong tương lai gần. Một số ngành hiện nay, mặc dù chúng ta đang rất phát triển như: Dệt may, da giày… nhưng chủ yếu chỉ là gia công và nhập phụ kiện từ nước ngoài. Vì thế theo PGS Hùng, các em nên tập trung vào các ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến nhằm nâng cao sản phẩm của Việt Nam, sẽ cần thiết trong tương lai.

Chia sẻ về cách thức tư vấn lựa chọn ngành nghề của trường mình, hiệu trưởng Bình cho biết, trường ông có định hướng nghề nghiệp từ năm lớp 10, với sự tham gia của phụ huynh học sinh, sự tư vấn của các chuyên gia.

Trước mùa thi, nhà trường tiếp tục mời chuyên gia tuyển sinh và một số trường đại học đến giải đáp thắc mắc và tư vấn để các em có cái nhìn tổng quát nhất khi định hướng nghề nghiệp.

“Việc vào trường ĐH nào liên quan đến việc làm của các em sau này. Có nhiều em chọn những nghề, những trường không yêu thích. Sau khi ra trường, các em mất thời gian làm lại thì sẽ rất mất thời gian, tiêu tốn tiền bạc và công sức”, ông Bình cho biết.

Mỹ Hà

(Email: myha@dantri.com.vn)