Học sinh “khát” tư vấn học đường

Các phòng tư vấn học đường hoạt động theo kiểu tự phát, tư vấn viên chưa được đào tạo bài bản; hiện chưa có chế độ cụ thể cho giáo viên tư vấn.

Một khảo sát do tổ tâm lý học và giáo dục học ứng dụng, Trường ĐH Sư phạm TPHCM thực hiện đối với 104 giáo viên và học sinh, cho thấy có 90,4 % ý kiến cho rằng “phòng tâm lý học đường rất cần thiết với học sinh”, tuy nhiên, hiện chỉ mới một số trường có phòng tham vấn học đường.


Phòng tham vấn kiểu tự phát


Bà Mai Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi,  quận Tân Phú – TPHCM, cho biết hầu hết gia đình học sinh của trường đều là dân nhập cư, hoàn cảnh khó khăn, lo mưu sinh nên không có thời gian chăm sóc con cái cũng như ít quan tâm đến tình cảm tâm lý của các em. Do vậy, các em rất cần chỗ dựa tin cậy để chia sẻ và được hỗ trợ kịp thời.

Tuy nhiên, theo bà Mai Thanh Bình, hoạt động chính của trường liên quan đến lĩnh vực này vẫn là mời chuyên gia đến báo cáo chuyên đề về các biện pháp giáo dục con cho phụ huynh và hướng cho các em tự quan tâm, chăm sóc bản thân nên chưa đi sâu vào nội tâm học sinh. Trong năm học qua, bộ phận tư vấn tâm lý chỉ mới tư vấn trao đổi những thắc mắc riêng liên quan đến học tập, sức khỏe sinh sản vị thành niên cho 181 ca.

 

Học sinh “khát” tư vấn học đường  - 1
Học sinh rất cần được tư vấn tâm lý học đường. Trong ảnh: Học sinh phát biểu tại buổi đối thoại Lắng nghe tiếng nói trẻ em do HĐND, UBND TPHCM tổ chức sáng 5/2.


Bà Đoàn Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp- TPHCM, cũng cho biết  dù nhận thức được vai trò của tư vấn học đường vô cùng cần thiết trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh, nhưng mãi đến tháng 9-2009, nhà trường mới lập được phòng tham vấn với một tư vấn viên, dù nhu cầu cần được tư vấn của học sinh rất lớn.

Cụ thể tháng 9, có 75 học sinh đến tư vấn, tháng 10 có 117 ca. Trong đó, nổi bật là thắc mắc về quan hệ tình cảm tuổi mới lớn chiếm 36,7%, quan hệ bạn bè 19,6%, quan hệ giữa cha mẹ và con cái  10,2 %. Bà Thoa nhận định: “Nhu cầu cần được tư vấn của học sinh rất đa dạng, tuy nhiên phòng tham vấn học đường của trường cũng chỉ mới hoạt động theo kiểu tự phát, chưa có sự quan tâm hỗ trợ”.


Tư vấn viên kiêm nhiệm


Nhiều trường THPT cho biết hầu hết tư vấn viên tại các phòng tham vấn học đường hiện nay đều là giáo viên kiêm nhiệm, chưa hề được đào tạo bài bản. Bà Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường  THCS Bạch Đằng, quận 3- TPHCM, kể trước đây ban giám hiệu và các thầy cô giáo phải làm chức năng một tham vấn viên để giải quyết những khó khăn cho nhiều học sinh. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng am hiểu về công tác tư vấn và thời gian không có nhiều để thực hiện thường xuyên công việc này trong khi nhu cầu của các em ngày càng nhiều.


Bà Phan Thanh Minh, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho biết đội ngũ làm công tác tư vấn học đường hiện nay gồm các giáo viên hưu trí, một số giáo viên môn giáo dục công dân, văn... Việc tuyển chọn, bố trí cho sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan như công tác xã hội, xã hội học, tâm lý giáo dục về các trường làm công tác tham vấn là điều không dễ dàng, do hầu hết đều trẻ, chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống, chưa tạo được sự an tâm cho nhà trường và học sinh.


Một khó khăn khác khiến cho sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan không muốn về công tác tại các phòng tham vấn học đường, theo bà Đoàn Thị Kim Thoa là hiện chưa có chính sách cụ thể cho giáo viên tư vấn. “Chúng tôi chỉ thực hiện các chế độ chính sách như đối với một giáo viên đứng lớp bình thường, mặc dù công việc tư vấn có tính đặc thù, phức tạp hơn, cường độ làm việc cao. Do đó, cần có một chế độ hợp lý để giáo viên yên tâm công tác”- bà Đoàn Thị Kim Thoa đề xuất.


Để công tác tư vấn học đường thiết thực, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của học sinh, theo bà Phạm Thị Huệ, đội ngũ chuyên viên tham vấn học đường cần được đào tạo bài bản, chuyên sâu cả về chuyên môn và kỹ thuật tham vấn, tạo một lực lượng tham vấn học đường chuyên nghiệp.

 

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:

Tập trung đào tạo giáo viên tư vấn

Cách đây 2 năm, Sở GD-ĐT TPHCM đã được Sở Nội vụ cho phép thực hiện biên chế nhà trường đối với giáo viên tư vấn tâm lý, nhằm tạo ra một đội ngũ giáo viên chăm lo cho các em về mặt tinh thần. Tuy nhiên, hiện giáo viên tâm lý chưa được phủ rộng khắp các trường. Tâm lý là lĩnh vực hay nhưng trừu tượng, có thể tạo sức mạnh tuyệt vời cho học sinh nếu tư vấn viên được trang bị tốt kỹ năng, tuy nhiên cũng có thể trở thành bi kịch nếu tư vấn viên không có đủ khả năng. Do đó, sở đang kết hợp với các trường sư phạm tập trung đào tạo giáo viên tư vấn tâm lý học đường để đáp ứng nhu cầu của học sinh.

 

Theo Thùy Vinh

Người Lao Động