Học sinh học bơi "trên giấy" đến khi nào?

Sự ra đi đột ngột của hơn mười em học sinh bị đuối nước khiến việc phổ cập bơi mỗi lúc trở nên cấp thiết hơn. Nhưng phần lớn các dự án vẫn nằm trên giấy.

Học sinh học bơi "trên giấy" đến khi nào?  - 1
Biết bơi, các em có thêm kỹ năng hòa đồng trong cuộc sống. (Nguồn ảnh: VietNamtime )

Thiếu chỗ bơi

Trước nguy cơ trên, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho rằng, cần phổ cập bơi cho trẻ ở lứa tuổi tiểu học.

Nhưng một năm sau khi Bộ GD-ĐT phát công văn yêu cầu dạy bơi để phòng chống đuối nước cho học sinh ngay từ cấp tiểu học, đến nay vẫn chưa có sự dịch chuyển. Các trường  đều đang lắc đầu kêu khó do ... không có chỗ để học bơi.

"Tất cả các trường đều chưa có bể bơi đã đành, cả quận Cầu Giấy cũng chỉ có duy nhất một bể bơi công cộng phục vụ người dân. Vậy thì chưa thể tính đến chuyện dạy bơi cho HS tiểu học được" - Bà Bùi Thị Vân Anh, Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy.

Bà Bùi Thị Vân Anh, Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy chia sẻ: “Mong muốn là có thật nhưng không thể lên một kế hoạch quá xa rời thực tế được. Tất cả các trường đều chưa có bể bơi đã đành, cả quận Cầu Giấy cũng chỉ có duy nhất một bể bơi công cộng phục vụ người dân. Vậy thì chưa thể tính đến chuyện dạy bơi cho HS tiểu học được".

Ở Hà Nội, hầu hết các trường công lập đều chưa có bể bơi để phục vụ cho việc dạy bơi cho học sinh.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Cát Linh (Q.Đống Đa, Hà Nội) Đỗ Quang Hợp chia sẻ, việc xóa mù kỹ năng bơi cho học sinh là mong muốn của nhà trường nhưng với điều kiện hiện có thì “lực bất tòng tâm”.

Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cũng rục rịch việc dạy bơi cho học sinh tiểu học, nhưng chưa thể triển khai, vì bể bơi bên cạnh trường chưa xây xong.

Còn ở TP.HCM, trong số 1000 trường từ tiểu học đến THPT trên địa bàn mới chỉ có 20 trường có hồ bơi.

Chờ xây bể

Chính vì hầu hết các trường đều chưa có bể bơi nên đến thời điểm này Sở GD-ĐT Hà Nội chưa có văn bản nào hướng dẫn các phòng giáo dục các quận huyện về việc đưa môn bơi vào trường tiểu học Hà Nội, dù chỉ là thí điểm.

"Ngoại trừ, năm vừa qua đã tiến hành tập huấn cho giáo viên cốt cán của các trường về phòng chống tai nạn, thương tích cho HS, trong đó có kỹ năng bơi lội để có thể triển khai đến các em trong dịp hè" - Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên  (Sở GD-ĐT Hà Nội) Mai Sỹ Nhật cho biết. 

Một khó khăn phổ biến hiện nay được nhiều trường thừa nhận là thiếu người để dạy bơi. Mặc dù, trường nào cũng có ít nhất một giáo viên thể dục, nhưng không phải ai cũng được đào tạo để có thể dạy HS bơi.

"Tuy nhiên, nếu cứ chờ trường học có hồ bơi mới thực hiện thì không biết đến khi nào" - ông Nguyễn Hoài Chương phó GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận. Vì vậy các trường phải tận dụng mọi nguồn lực, mọi cơ sở vật chất để huy động, khuyến khích HS tham gia. Biết bơi, các em không chỉ biết tự bảo vệ bản thân mình dưới nước mà còn có thêm kỹ năng hòa đồng trong cuộc sống".

Ông Chương cho biết, bắt đầu từ năm học 2010-2011, chương trình Phổ cập bơi lội học đường được Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai ở các trường từ tiểu học cho đến THPT. Cùng với đó, Sở cũng đã ký kết liên tịch với Liên đoàn Thể thao dưới nước để cơ quan này có trách nhiệm hướng dẫn trung tâm thể thao của các quận, huyện hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí, chuyên môn…

Còn ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên cho hay, căn cứ Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12/2010, Bộ GD-ĐT đang xây dựng Đề án phổ cập bơi trong trường học nhưng không thể làm đồng loạt cùng một lúc.

Những vùng có nguy cơ cao về đuối nước đối với trẻ em sẽ được chú trọng, những nơi có điều kiện cơ sở vật chất và có thể tận dụng tốt nguồn xã hội hóa thì sẽ làm trước. Không nhất thiết mỗi trường phải có một bể bơi và mỗi trường phải có một giáo viên chuyên  trách dạy bơi; có thể một cụm trường sẽ sử dụng chung một bể bơi và có 1-2 giáo viên là đã có thể đưa môn bơi vào dạy trong chương trình chính khóa cho học sinh.

Mỗi năm ở nước ta có khoảng 6.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tỷ suất chết do đuối nước của Việt Nam cao gấp 10 lần các nước đang phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do các trận lũ lụt lớn ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2005, 2006 và 2007, số trẻ em và vị thành niên bị tai nạn thương tích là 556.891 trường hợp, hơn 22.000 em đã tử vong. Trong đó, tỷ lệ tử vong do đuối nước là cao nhất, chiếm hơn 50%.

10 tỉnh có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và Thanh Hóa.

 
Theo Nguyễn Hiền

VietNamNet