Học sinh được khen “hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học”

(Dân trí) - Cuối năm học, không ít nội dung trong giấy khen của học sinh tiểu học làm phụ huynh ngỡ ngàng. Có em được khen y như… cán bộ nhà nước: “Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2014 - 2015”.

“Sặc” mùi hành chính

Cầm tờ giấy khen của con đang theo học tại một trường tiểu học ở Gò Vấp, TPHCM, chị Lê Ngọc Hân không khỏi ngỡ ngàng trước thành tích con mình đạt được trong năm. Giấy khen rõ cụm từ rất quen thuộc với viên chức nhà nước như chị: Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2014 - 2015”.

Lời đánh giá, nhận xét cuối năm dành cho cậu học sinh (HS) lớp 1 “sặc” mùi hành chính làm người mẹ thấy nặng nề cũng như không hiểu con mình được khen thưởng vì điều gì. Nhất là khi tất cả HS trong lớp đều hoàn thành tốt nhiệm vụ thì việc phát giấy khen với nội dung thế này không cần thiết chút nào.

Học sinh lớp 1 được phát giấy khen Hoàn thành nhiệm vụ năm học
Học sinh lớp 1 được phát giấy khen "Hoàn thành nhiệm vụ năm học".

“Tôi biết năm nay mỗi trường có cách viết giấy khen khác nhau do không xếp loại HS Giỏi, Tiên tiến nữa. Nhưng cũng ngỡ ngàng khi giấy khen cuối năm cho HS lại y chang cho cán bộ như thế này. Không ổn tý nào”, chị Hân cho hay.

Theo Thông tư 30, nội dung, số lượng HS được khen thưởng, tuyên dương sẽ do hiệu trưởng quyết định. Căn cứ vào tỷ lệ này, cuối học kì I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn HS bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên (gồm quá trình học tập, sự hình thành và phát triển năng lực, sự hình thành và phát triển phẩm chất).

Trước đây giấy khen dành cho HS có xếp loại Giỏi, Tiên tiến dựa trên điểm số hoặc những HS đạt được những kết quả nổi bật nên việc viết nội dung khen thưởng khá dễ dàng. Khi đánh giá HS theo Thông tư 30 thì mỗi nơi một kiểu, nhiều trường khó tránh khỏi lúng túng trong việc khen thưởng các em.

Giấy khen cho học trò cũng ngắc ngứ khi thay đổi đánh giá học sinh bằng nhận xét
Giấy khen cho học trò cũng "ngắc ngứ" khi thay đổi đánh giá học sinh bằng nhận xét.

Cuối năm học năm nay, giấy khen của học trò tiểu học có đủ muôn vàn nội dung về thành tích, kết quả của các em đạt được. Nội dung diễn đạt lại chung chung rất khó để phụ huynh có thể nắm rõ được khen vì thành tích gì: hoàn thành tốt các môn học; hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập; có thành tích tiêu biểu trong học tập và rèn luyện, hoàn thành tốt môn Anh, Tiếng Việt, Toán…

Thông tư 30 hướng đến đánh giá năng lực cụ thể, phẩm chất của HS thay cho điểm số trước đây. Vậy nhưng việc khen thưởng thì lại chưa chỉ ra được năng lực cụ thể của từng HS mà nội dung tuy diễn đạt khác nhau vẫn mang tính đại trà, đồng loạt.

Khen hết nên khó?

Khen thưởng theo danh hiệu HS Giỏi, Tiên tiến như trước đã chiếm tỷ lệ rất cao thì khen thưởng theo Thông tư 30… lại càng nhiều hơn. Với HS hoàn thành chương trình (hay gọi là Đạt) đều được khen thưởng, đã không xếp loại thì không thể loại em này chọn em kia để tặng giấy khen. Trong khi, HS không hoàn thành chương trình gần như không thể có. Có nhiều trường, học sinh nào cũng được giấy khen.

Theo thông tư 30, đối với HS chưa hoàn thành chương trình lớp học: giáo viên lập kế hoạch, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ từng học sinh; đánh giá bổ sung để xét Hoàn thành chương trình lớp học.

Chưa hết, đối với những HS đã được giáo viên trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ mà vẫn chưa đạt thì sẽ tuỳ theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, bài kiểm tra định kì, mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất,giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp.

Một lãnh đạo trường tiểu học ở Q.3, TPHCM chia sẻ, với tinh thần “nâng đỡ” như vậy, chẳng có HS nào không hoàn thành. Trước đây khi chỉ khen HS Giỏi, Tiên tiến thì giờ… khen hết. Nhiều trường đành chọn cách viết nội dung bao quát như “hoàn thành”, “thực hiện tốt” sử dụng cho nhiều HS. Trừ em nào có thành tích nổi bật, cụ thể.

“Nên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình cho các em phù hợp hơn là giấy khen. Giấy khen chỉ nên dành cho những HS có những kết quả, thành tích thật sự nổi bật, rõ ràng”, vị lãnh đạo nói trên đề xuất.

Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM ra văn bản chỉ đạo các trường trong giấy khen HS phải ghi cụ thể thành tích của các em. Ngoài ra, các trường không được hạn chế tỷ lệ khen thưởng vì lý do kinh phí. Trường có thể tặng giấy khen cho HS, còn tỷ lệ HS được nhận phần thưởng hiệu trưởng sẽ quyết định tuỳ theo tình hình tài chính của trường.

Đối với HS tiểu học quả là không nên tiết kiệm lời khen với các em. Đó chính là động lực, có tác dụng khích lệ các em cố gắng, tự tin ở bản thân. Tuy nhiên, việc… khen cho có, khen trăm em như một, khen mà các em và cả phụ huynh có khi còn không biết được khen vì gì thì không mất đi giá trị động viên mà còn có thể phản tác dụng.

Hoài Nam