Học sinh Chu Văn An tặng quà các thầy cô giáo bằng sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa

(Dân trí) - Góp phần lan tỏa niềm cảm hứng và ý thức tái chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường đến cộng đồng, chính là món quà đặc biệt và đầy ý nghĩa, mà các em học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đã và đang dành tặng các thầy cô giáo của mình, trong mùa Hiến chương năm nay.

Trong khuôn khổ các chuỗi sự kiện “Sparkling Chu Văn An” 2019 (chuỗi sự kiện diễn ra thường niên vào dịp Hiến chương, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của học sinh Chu Văn An và tri ân các thầy cô giáo), các giáo viên và học sinh Trường THPT Chu Văn An đã cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động vì môi trường đầy ý nghĩa và thiết thực, đặc biệt là hoạt động hướng dẫn các em nhỏ cách làm đồ tái chế từ chính rác thải nhựa, được tổ chức trên phố đi bộ Hồ Gươm.

Học sinh Chu Văn An tặng quà các thầy cô giáo bằng sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa - 1

Được biết, hoạt động trên phố đi bộ này là một phần trong chiến dịch “E for Earth”, chiến dịch với mục tiêu nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề rác thải nhựa, được tổ chức bởi nhóm các học sinh đến từ lớp 12 Anh, 12 Địa, 10 sử, 10D3, 11 Pháp, 11 Địa.

Học sinh Chu Văn An tặng quà các thầy cô giáo bằng sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa - 2

Tham gia vào hoạt động này, các bé đã được ban tổ chức hướng dẫn những cách tái chế vỏ chai nhựa đầy sáng tạo và dễ thực hiện. Các em nhỏ tỏ ra rất thích thú với việc tự tay sáng tạo, tô màu, trang trí chai nhựa, và biến những thứ bỏ đi này trở thành đồ chơi, vật trang trí.

Không chỉ các em nhỏ mà chính các vị phụ huynh và những người dân có mặt trên phố đi bộ cũng thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình với hoạt động “vừa học vừa chơi” dành cho trẻ nhỏ đầy ý nghĩa này.

Điều đặc biệt là những chai nhựa sử dụng trong hoạt động này chính là thành quả của một hoạt động thu gom rác thải nhựa trong trường học, đã được các em học sinh tổ chức trước đó.  

Học sinh Chu Văn An tặng quà các thầy cô giáo bằng sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa - 3

Em Trần Đỗ Ngọc Lam – Học sinh lớp 12 Anh, đại diện truyền thông của chiến dịch cho biết: “Chúng em tổ chức hoạt động này với mục đích là giúp các bé có niềm cảm hứng cũng như ý thức về việc tái chế rác thải, mà nói rộng ra chính là vấn đề bảo vệ môi trường sống”.

Học sinh Chu Văn An tặng quà các thầy cô giáo bằng sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa - 4

“Trước khi hoạt động diễn ra, ban tổ chức chúng em cũng không thể ngờ là chương trình lại giành được nhiều sự quan tâm và hưởng ứng đến vậy. Một trong những điều mà chúng em ấn tượng nhất chính là việc các vị phụ huynh đã không ngần ngại, mà thậm chí còn khuyến khích các bé nghịch bẩn với màu vẽ, để thỏa sức sáng tạo” – Ngọc Lam hào hứng chia sẻ thêm.

Đánh giá về hoạt động vì môi trường được chính các học sinh của mình tổ chức, cô Đào Thị Thu Thủy – Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Anh, Trường THPT Chu Văn An nhấn mạnh: “Đây là một chiến dịch rất có ý nghĩa và thiết thực đối với các bạn học sinh THPT. Khi hình thành những ý tưởng đầu tiên cho đến khi thực hiện một Workshop trên phố đi bộ, các bạn đã thể hiện được sự trưởng thành trong nhận thức, suy nghĩ về vấn đề bảo vệ môi trường và biết cách lan toả điều đó đến mọi người xung quanh.”

Học sinh Chu Văn An tặng quà các thầy cô giáo bằng sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa - 5

Cô Đào Thị Thu Thủy - ciáo viên chủ nhiệm lớp 12 Anh, Trường THPT Chu Văn An.

“Đối với những em nhỏ đã được tiếp xúc với hoạt động, chiến dịch trên phố đi bộ là nơi các em thoả sức với niềm đam mê sáng tạo, không chỉ thế còn truyền cho các em cảm hứng cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường ngay từ khi còn nhỏ. Tôi tin rằng tuy chỉ là một chiến dịch quy mô nhỏ diễn ra trong mùa Sparkling nhưng nó sẽ tiếp thêm động lực tới nhiều thế hệ học sinh sau này, để có thể thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa hơn nữa, hướng tới một cuộc sống xanh - sạch - đẹp hơn trong tương lai!”

Học sinh Chu Văn An tặng quà các thầy cô giáo bằng sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa - 6
Học sinh Chu Văn An tặng quà các thầy cô giáo bằng sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa - 7

Cũng theo chia sẻ từ ban tổ chức, ngay sau hoạt động hướng dẫn các em nhỏ tái chế chai nhựa trên phố đi bộ, một chuỗi thử thách mang tên “DAREtoCARE” (tạm dịch: “Dám dũng cảm quan tâm”) cũng sẽ được thực hiện nhằm tạo sự lan tỏa cho chiến dịch, cũng như tuyên truyền thông điệp “Nói không với rác thải nhựa” thông qua các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter…   

Minh Nhật