Học sinh bị hiệu trưởng xâm hại: Cần giúp các em phục hồi lòng tự tin

(Dân trí) - TS tâm lý Lê Nguyên Phương cho hay, trẻ bị xâm hại tình dục hầu như sẽ bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý. Việc điều trị cho nạn nhân của hành động tấn công tình dục cần tập trung vào việc ngăn ngừa hay giảm thiểu các triệu chứng chấn thương, trầm cảm, lo âu, các bệnh tâm lý và thể chất...

Hậu quả nghiêm trọng

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và đọc Lệnh bắt tạm giam đối với ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn trong vụ việc lạm dụng tình dục hàng chục học sinh của trường.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá đây là hành vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phải xử lý nghiêm và đây cũng là học xương máu của giáo dục giới tính.

Tuy nhiên, không chỉ là việc xử lý ông hiệu trưởng có hành vi đồi bại theo pháp luật, không chỉ "mất bò mới nhớ đến cái chuồng", cập rập với vấn đề giáo dục giới tính ... Các chuyên gia tâm lý lưu ý, vấn đề người lớn không được bỏ quên lúc này là hỗ trợ, tham vấn cho những học sinh là nạn nhân trong sự việc. Các em phải đối diện với sự hoảng sợ, những tổn thương về lâu dài rất cần được can thiệp.

TS Phạm Thị Thúy (HV Hành chính Quốc gia TPHCM) chỉ ra hàng loạt tổn thương lâu dài trẻ bị xâm hại tình dục gặp phải gồm tổn thương về thể chất, tinh thần, về mặt, xã hội, tâm lý, rối hành vi, lệch lạc tình dục.

Về tinh thần, trẻ có thể giận dữ, chán nản, không tin vào bản thân và người khác, sợ hãi, xấu hổ... Về tâm lý, trẻ có thể bị rối loạn tâm thần như trầm cảm hay rối loạn lo âu, ám ảnh và dễ gặp ác mộng.

"Trẻ cũng dễ gặp rối loạn hành vi như sống thu mình hay gây gổ quá mức, gặp khó khăn trong học tập, lạm dụng rượu bia, ma túy... Và đặc biệt, nhiều nạn nhân của xâm hại tình dục khi trưởng thành lại là người đi xâm hại tình dục hoặc có xu hướng tình dục đồng giới nếu kẻ xâm hại cùng giới tính với nạn nhân"- bà Phạm Thị Thúy cảnh báo.

Bà Phạm Thị Thúy cũng lưu ý người lớn phải hết sức tế nhị khi tiếp cận đối tượng trẻ bị xâm hại tình dục. Các em thường dấu kín việc bị xâm hại vì một số lý do như sợ phải nhớ lại hình ảnh xấu xa; các em cảm thấy xấu hổ, tội lỗi; sợ bị khiển trách, sợ bị bố mẹ, thầy cô, bạn bè bị chê cười và sẽ không còn yêu thương mình...

Ngôi trường nơi nhiều học sinh nam bị hiệu trưởng xâm hại tình dục
Ngôi trường nơi nhiều học sinh nam bị hiệu trưởng xâm hại tình dục

Giúp nạn nhân phục hồi lòng tự tin

TS tâm lý Lê Nguyên Phương cho hay, trẻ bị xâm hại tình dục hầu như sẽ bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý. Việc điều trị cho nạn nhân của hành động tấn công tình dục cần tập trung vào việc ngăn ngừa hay giảm thiểu các triệu chứng chấn thương, trầm cảm, lo âu, các bệnh tâm lý và thể chất...

Tuy nhiên, ông Phương cũng nhấn mạnh, bên cạnh đó, một việc cực kỳ quan trọng là phải tập trung giúp nạn nhân phục hồi lòng tự tin cũng như khả năng giao tiếp xã hội, đặc biệt tìm lại niềm tin trong quan hệ với bạn bè, người thân.

Các chuyên gia cùng có chung ý kiến, sự tổn thương, mất niềm tin của các em trong sự việc xảy ra tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn càng nặng nề khi người xâm hại các em là hiệu trưởng nhà trường.

TS Phạm Thị Thúy cho hay, sẽ có rất nhiều việc phải làm khi biết trẻ bị xâm hại tình dục. Bên cạnh việc đưa kẻ xấu ra công lý, bố mẹ, những người xung quanh cần biết cách bảo vệ trẻ. Tôn trọng cảm xúc, công nhận sự khó khăn con đã trải qua và không đặt những hỏi, những câu mang tính chất vấn khiến trẻ có cảm giác mình bị buộc tội sẽ thêm mặc cảm với bản thân. Các em rất cần được khuyến khích, động viên, nhất là cần được tham vấn tâm lý để vượt qua nỗi đau này.

Hoài Nam