Học phí tăng đến... choáng!

Trong <a href="http://www.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2005/10/85116.vip">đề án điều chỉnh học phí của Bộ GD</a>, mức học phí mà sinh viên đại học phải đóng có thể lên tới 900.000 đồng/tháng. Dù mới chỉ là dự kiến nhưng mức này không khỏi gây... choáng!

Khi xây dựng đề án, Bộ GD-ĐT đã cố tránh sử dụng từ “tăng” vốn khá nhạy cảm mà thay vào đó là một từ nhẹ nhàng hơn: “điều chỉnh” học phí.

 

Việc “điều chỉnh học phí”, theo dự kiến, sẽ thực hiện ở các bậc giáo dục (GD) THPT, GD nghề nghiệp và GD ĐH từ học kỳ II năm học 2005-2006 (bước 1).

 

Vì vậy, phạm vi điều chỉnh của đề án, hay nói cách khác, trực tiếp liên quan đến việc điều chỉnh học phí là 2,6 triệu HS THPT và gần 3 triệu HSSV các trường ĐH, CĐ và GD nghề nghiệp...

 

Xóa bỏ khoản thu ngoài học phí?

 

Trong đề án điều chỉnh học phí, Bộ GD - ĐT lý giải phương hướng giải quyết vấn đề học phí được xây dựng dựa trên hàng loạt quan điểm: Trước hết, học phí góp phần trang trải chi phí cần thiết, hợp lý trong công tác giảng dạy, đầu tư phát triển nhà trường, bước đầu bù đắp chi phí thường xuyên, ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Và Bộ mạnh dạn đưa ra mục tiêu “xóa bỏ những khoản thu khác ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh”.

 

Đồng thời, Bộ cũng khẳng định ngoài việc là điều kiện để nâng cao chất lượng GD, là nguồn lực cần thiết để hiện đại hóa cơ sở vật chất, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, thực hiện hội nhập với các cơ sở đào tạo quốc tế, tiến tới đạt trình độ khu vực, học phí còn là dấu hiệu thể hiện sự phân biệt về chất lượng giữa các cơ sở đào tạo. Những cơ sở GD có chất lượng cao được thu phí cao.

 

Quan niệm thứ ba được các nhà xây dựng đề án học phí đưa ra là: Học phí được qui định theo các cấp học và vùng miền, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của người học, đáp ứng yêu cầu học tập đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Người học có quyền lựa chọn cơ sở GD phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả.

 

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng: “Đổi mới cơ chế học phí phải gắn liền với đổi mới cơ chế quản lý đơn vị sự nghiệp công (theo cơ chế hạch toán thu chi và tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GD và đổi mới cơ chế đầu tư ngân sách cho GD: Nhà nước ưu tiên ngân sách cho GD phổ cập, vùng dân tộc, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

 

Sinh viên ĐH phải đóng 900.000 đồng/tháng?

 

Bộ GD-ĐT đang đưa ra hai phương án điều chỉnh học phí. Theo phương án thứ nhất, Chính phủ qui định khung học phí thống nhất trong toàn quốc cho các cơ sở GD công lập, dựa trên cơ sở điều chỉnh mở rộng khung học phí đã ban hành theo quyết định 70/1998/QĐ-TTg, theo hướng tăng mức trần đối với học phí của GD THPT, GD nghề nghiệp và GD ĐH, giữ nguyên mức trần học phí của GD mầm non và THCS.

 

Còn theo phương án thứ hai, Nhà nước chỉ qui định khung học phí đối với GD phổ thông, còn đối với đào tạo (dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH) sẽ không qui định khung học phí.

 

Các cơ sở đào tạo căn cứ vào chi phí cần thiết để xác định mức học phí cho từng ngành nghề đào tạo và công khai cho người học biết để lựa chọn trường, ngành nghề phù hợp với khả năng chi trả học phí của người học.

 

Bộ GD - ĐT đề nghị Chính phủ thực hiện theo phương án thứ nhất với lý do phương án này “đảm bảo được mục tiêu Nhà nước ưu tiên đầu tư cho GD phổ cập, tạo điều kiện thực hiện tốt hơn chế độ chính sách xã hội, phù hợp với khả năng chi trả của người học, nhất là ở vùng khó khăn, vùng nông thôn. Đồng thời tạo điều kiện để người dân từng bước tăng đầu tư vào việc học hành cho con em mình ở những bậc học cao”.

 

 

Theo A.K

Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Tăng học phí