Bạn đọc viết:

“Học phí không đáng lo, phụ phí mới đáng ngại!”

(Dân trí) - Cứ mỗi dịp năm học mới bắt đầu, nỗi lo về các khoản đóng góp đầu năm lại canh cánh trong lòng phụ huynh có con đang độ tuổi đến trường. Bài viết “Miễn học phí, e ngại biến tướng khoản thu” trên báo Dân trí đã phản ánh đúng thực trạng phụ huynh ít “mặn mà” khi được miễn học phí.

Câu chuyện lạm thu cũng được dịp nóng lên từng ngày với những con số ngất ngưỡng khiến dư luận phải sững sờ. Mới đầu năm học này, tình trạng lạm thu ở Trường tiểu học Sơn Đồng (Hà Nội) đã khiến phụ huynh “sốc” thật sự với những khoản đóng góp vô tội vạ.

Đúng như tác giả Hoài Nam nhận định: “Khoản nào cần thu, phải thu vì chất lượng giáo dục, được sử dụng hiệu quả thì vẫn phải thu, người dân sẵn sàng đóng”. Bởi khi đưa con đến lớp, đến trường, ai cũng mong con trẻ được học tập và sinh hoạt trong môi trường đầy đủ tiện nghi, hiện đại. Chúng tôi mong muốn con em được hưởng nền giáo dục tốt nhằm phát triển trí tuệ, hoàn thiện nhân cách.

Và trong tình hình đất nước còn khó khăn chung, giáo dục đang thiếu thốn cơ sở vật chất trường lớp thì chủ trương xã hội hóa giáo dục là lời giải đúng đắn cho bài toán ngân sách hạn hẹp. Tuy nhiên, xã hội hóa giáo dục đang dần biến tướng thành “lạm thu” bởi không ít trường tự đề ra các khoản phí “trời ơi đất hỡi”, có những trường đang “móc túi” phụ huynh một cách trắng trợn.

Học phí trường công thật sự không đáng lo, mỗi tháng vài chục nghìn người dân nghèo vẫn có thể chạy vạy để lo cho con ăn học được. Nay nghe tin được miễn học phí, phụ huynh tất nhiên vui, mừng chứ! Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, cắt học phí có “mọc” lên các khoản thu khác bù vào không? Đó là nỗi lo có cơ sở của dư luận. Bởi cái đáng sợ là phụ phí với hàng chục khoản nhân lên thành tiền trăm, tiền triệu.

Phụ phí tồn tại muôn hình vạn dạng dưới danh xưng “hỗ trợ”, “vận động”, “đóng góp”. Nào là hỗ trợ việc học tập, sinh hoạt của học sinh như tiền điện nước, tiền vệ sinh, tiền học vi tính, tiền giữ xe đạp, tiền học buổi thứ hai, tiền học kỹ năng sống, tiền sinh hoạt câu lạc bộ,… Nào là vận động chỉnh trang khuôn viên nhà trường, nâng cấp sân bóng, cải tạo nhà vệ sinh, cải tiến hệ thống làm mát,…

Bấy nhiêu khoản thu đều danh chính ngôn thuận “núp” dưới cái bóng của mỹ từ “thỏa thuận” và “tự nguyện” mà tồn tại. Cấp trên về thanh tra tài chính chỉ cần trưng ra biên bản họp với ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó bao giờ cũng có câu chốt “100% phụ huynh nhất trí với các khoản thu của nhà trường”. Thế là xong! Thậm chí có trường còn in sẵn “Đơn xin tự nguyện đóng góp…” như một tấm lá chắn hữu hiệu nhất để tránh điều tiếng, đối phó với đoàn thanh kiểm tra.

Ngay từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã có công văn nghiêm cấm tình trạng lạm thu trong trường học, răn đe sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, thực tế có không ít trường vẫn đang “nhờn luật”, tìm cách “lách luật”.

Trên cương vị phụ huynh, chúng tôi chẳng dám ao ước “miễn học phí, cắt luôn phụ phí” nhưng mong rằng những khoản đóng góp mà nhà trường đưa ra thật sự cần thiết cho việc học tập của con em.

Chúng tôi sẵn sàng đóng góp, hỗ trợ thêm cho công tác dạy học của nhà trường để con em mình được học tập thoải mái, tích cực hơn. Tuy nhiên, các khoản đóng góp cần phải được tính toán phù hợp với khả năng kinh tế chung của đại đa số phụ huynh.

Xin đừng để cảnh rụt vai, lè lưỡi, choáng váng lại tái diễn mỗi mùa họp phụ huynh đầu năm!

Nguyễn Ngọc

(TP Huế)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!