Học phí cho sinh viên sư phạm: Không nên bao cấp toàn bộ!

(Dân trí) - Một chính sách bao cấp trong giáo dục kéo dài 20 năm nên cần thay đổi để hợp lý hơn. Ngành sư phạm cần có ưu tiên đặc biệt nhưng không nhất thiết phải bao cấp toàn bộ.

Học phí cho sinh viên sư phạm: Không nên bao cấp toàn bộ! - 1

Phải trả giá mới hiểu được giá trị

Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm được áp dụng từ năm 1997. Theo đó, chủ trương đưa ra không thu học phí và thực hiện chế độ học bổng ưu đãi với học sinh, sinh viên ngành sư phạm.

Chính sách miễn học phí này đã tạo ra bước ngoặt trong việc thu hút sinh viên giỏi, tăng số lượng và chất lượng người học sư phạm trong gần chục năm liền sau đó. Tuy nhiên sau 20 năm thực hiện, chính sách này đang bộc lộ một số bất cập, nguồn cung giáo viên dư thừa.

Trong các mùa tuyển sinh, Bộ GD&ĐT luôn yêu cầu cắt giảm chỉ tiêu ngành này. Nhiều người đặt vấn đề, liệu có nên tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm?

Ông Nguyễn Việt Bắc (nguyên Hiệu trưởng Trường trung học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn) cho rằng, việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm nhưng nhiều em không phục vụ trong ngành này là lãng phí.

“Nhiều độc giả nhận xét rằng, nếu không miễn học phí, sẽ chẳng có bất cứ sinh viên nào theo học ngành sư phạm nữa. Một số người lại cho rằng, không nên bao cấp quá lâu dài, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Tôi nghĩ, mỗi người một ý kiến là quyền của riêng mỗi người.

Tuy nhiên, một chính sách đã kéo dài 20 năm thì chí ít cũng nên thay đổi cho hợp thời cuộc. Tại sao chúng ta vẫn duy trì chính sách bao cấp trong khi các ngành khác đã hoàn toàn bỏ? Nên chấm dứt bao cấp bởi cái gì phải trả giá mới hiểu được giá trị, đồng thời, tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của nhà trường cũng như người học”, ông Bắc nói.

Cô Đ. H. T, giáo viên cấp 1 tại một thị trấn ở Quảng Bình nhận xét, công bằng mà nói, việc miễn học phí trước đây khiến thế hệ các chị đều mong ước đỗ vào ngành này để đỡ gánh nặng cho gia đình. Đặc biệt, thời đó sinh viên Sư phạm ra trường đều đảm bảo có nhiệm sở.

Thế nên chị cũng như một số đồng nghiệp khác đều cam kết đi bất cứ đâu, thậm chí lên cả vùng rẻo cao. Những năm sau này, do nền kinh tế thị trường chi phối nên sinh viên Sư phạm ra trường chỉ cần có bằng đại học để “chạy” việc làm. Nhiều hệ lụy cũng đã phát sinh từ đó.

Chia sẻ về điều này, ông Bắc cho rằng, trong khi sinh viên sư phạm ra không có việc làm nhưng nhiều em muốn vào công chức ngành giáo dục lại rất khó. Đấy là cái giá quá đắt trong thời buổi này và rất... ngược đời.

Vì thế, hãy xem nghề giáo cũng là một nghề bình thường như những nghề khác, từ đầu tư cho đến quan điểm về nghề. Hãy để sự cống hiến của người giáo viên tạo nên sự kính trọng chứ không phải nhờ bất cứ một chế độ ưu tiên nào khác.

Người trong cuộc muốn miễn học phí

Chia sẻ về việc có nên tiếp tục áp dụng cơ chế bao cấp với sinh viên sư phạm khi nó đã được đánh giá là lỗi thời, ông Nguyễn Bảo Hoàng Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, nhiều người nói không nên miễn học phí cho sinh viên nhưng tôi nghĩ vẫn cần duy trì vì sinh viên vẫn còn nhu cầu và họ vào trường này với số điểm rất cao.

Theo thống kê của ông Thanh, với trường khác không biết ra sao nhưng riêng ĐHSP Đà Nẵng, phải điểm cao mới vào được. Chẳng hạn mùa tuyển sinh vừa qua, tất cả các ngành đều có điểm chuẩn từ 20 trở lên đến 24,5 điểm. Đấy là số điểm chuẩn khá cao so với các trường khác trong khu vực.

“Số sinh viên vào đây, chủ yếu các em ở khu vực miền Trung. Vì thế tôi nghĩ, đây vẫn là một ngành rất hút thí sinh và là lựa chọn của nhiều học sinh khu vực này”, ông Thanh cho hay.

Trả lời câu hỏi, liệu có nên tiếp tục ưu đãi cho sinh viên sư phạm trong khi hàng nghìn sinh viên ngành này hiện vẫn thất nghiệp? Ông Thanh khẳng định, một số sinh viên ngành khác, trường khác có thương hiệu lớn như ĐH KHXH& NV, ĐH Bách Khoa... cũng thất nghiệp, không riêng gì ngành sư phạm.

“Thực ra, sinh viên sư phạm tốt nghiệp cũng có nhiều lựa chọn ngành nghề. Các em có thể dạy Cao Đẳng, dạy THPT. Thậm chí, riêng TP Đà Nẵng cũng có chế độ ưu đãi, đào tạo, giúp sinh viên trái ngành nhưng có hộ khẩu ở đây sẽ được đi dạy nếu có nguyện vọng.

Nếu nhà nước không ưu ái, tôi nghĩ sẽ không có học sinh vào học ngành này bởi vào sư phạm tiền ít, lương thấp mà không làm thêm được, nhất là những ngành ít người học”, ông Thanh nói.

Chia sẻ quan điểm của mình, cô T cho rằng, không nên miễn học phí cho sinh viên sư phạm ở tất cả các ngành. Những môn “hot” như Toán, Lý, Hóa, Anh... khi ra trường đều có thể dạy thêm để kiếm được nhiều tiền. Chỉ nên miễn học phí cho sinh viên những môn như Giáo dục công dân, Văn, Sử, Địa... vì những môn này chẳng mấy ai muốn học.

Về phía mình, ông Bắc cho rằng, thực chất miễn phí đào tạo phải hợp lý ở chỗ, chính sách xã hội dành cho người giỏi phải được miễn nhưng các đối tượng khác vẫn phải thu và tỉ trọng ngân sách cấp cho nhà trường không nên là số 0. Nguyên nhân là do đặc thù của ngành sư phạm cần có sự ưu tiên khác biệt nhưng quan điểm của ông, không nên bao cấp toàn bộ.

Quốc Huy