Học lịch sử tại bảo tàng

Với quan niệm môn Lịch sử chỉ trở nên hấp dẫn khi học sinh nhận biết được quá khứ đang tồn tại trong hiện tại và còn hiện diện ở tương lai, nhiều trường học, từ BGH cho đến GV bộ môn Sử đã có nhiều động thái để nâng cao chất lượng dạy - học môn Sử như: Tăng cường những giờ học tại các bảo tàng, di tích lịch sử để kết nối học sinh với hiện vật, liên hệ với lịch sử địa phương…

Kết nối với bảo tàng

Cô Lê Thị Bích Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết: “Các em có khoảng thời gian chuẩn bị rất ngắn để tham buổi sinh hoạt CLB Em yêu Lịch sử với chủ đề Hướng về biển đảo Việt Nam do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức. Thế nhưng, có nghe các em thuyết trình về vai trò của biển và các đảo, mới thấy học sinh hiểu biết rất kỹ về biển Đông”.

Gần 200 em học sinh của Trường THPT Trần Phú và Thái Phiên đã có một buổi học Lịch sử rất thú vị và sinh động tại tiền sảnh bảo tàng Đà Nẵng. Ngoài việc chuẩn bị trước nội dung bài thuyết trình, thông qua các trò chơi tìm hiểu lịch sử biển đảo của đất nước và tự mình đi tham quan bảo tàng, mỗi học sinh đều có cơ hội khắc sâu các kiến thức lịch sử của đất nước.
 
Học sinh Đà Nẵng xem triển lãm trưng bày chuyên đề Hà Nội xưa tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Học sinh Đà Nẵng xem triển lãm trưng bày chuyên đề Hà Nội xưa tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Trong hai năm qua, ngành Giáo dục Đà Nẵng đã phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện chương trình “Hành trình đến với Bảo tàng - Thành Điện Hải” cho học sinh các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thành phố học tập ngoại khóa.

Đến nay đã có gần 11.200 học sinh của các trường học trên địa bàn thành phố tham gia chương trình. Thông qua các hiện vật, tư liệu trưng bày triển lãm các chuyên đề như “Những tư liệu mới về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” và “Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”… những công dân nhỏ tuổi của thành phố biển sẽ được bồi đắp thêm tình yêu với biển đảo quê hương.

Ngoài ra, học sinh còn được tham gia các hoạt động lồng ghép khác như: Viết bài cảm tưởng; thi tìm hiểu về lịch sử địa phương; thi thuyết trình; tổ chức các hoạt động Đoàn, Đội tại bảo tàng; tổ chức cho học sinh trồng cây lưu niệm, chăm sóc di tích...

Theo thầy giáo Phạm Văn Được, GV Trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) thì việc tổ chức cho HS tham quan hệ thống bảo tàng tại địa phương như Bảo tàng Quân khu V, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Đà Nẵng hay các di tích thành Điện Hải, K20… sẽ giúp các em củng cố, khắc sâu hơn kiến thức lịch sử đã học, đặc biệt, qua tham quan di tích học sinh sẽ hiểu hơn về vị trí, đóng góp của lịch sử địa phương trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Lại nhớ lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng: “Môn Lịch sử giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, môn Lịch sử, nhất là quốc sử càng cần coi trọng để chuẩn bị cho thế hệ trẻ làm tròn nhiệm vụ và nghĩa vụ người công dân”.   

Sinh động, thiết thực

Nằm trong nỗ lực tự làm mới mình để thu hút giới trẻ đến với bảo tàng, Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức một số triển lãm chuyên đề như trưng bày lưu động chuyên đề “Nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây Nguyên” tại Trường THPT Dân tộc nội trú Phạm Phú Thứ, chuyên đề “Đa dạng sinh học Đà Nẵng”…

Nhiều câu chuyện lịch sử đã được kể lại với giới trẻ thông qua những hiện vật, tư liệu được trưng bày. Có thể thấy được điều này qua sổ ghi cảm tưởng được lưu giữ tại phòng trưng bày. Rất nhiều ý kiến của các học sinh cho rằng, giá trị lịch sử và ý nghĩa của những hiện vật trưng bày về chiến tranh, dân tộc học… mở mang kiến thức cho người xem.

Cô Lê Thị Bích Thuận thì cho rằng, chính cách làm mới của Bảo tàng Đà Nẵng đã khiến các hoạt động trở nên phong phú, cuốn hút học sinh hơn. Điều này cũng góp phần kích thích tính ham tìm tòi, học tập và nghiên cứu của các em. 

Thầy Phạm Văn Được cho biết: “Nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn, sau khi tham quan Bảo tàng Quân khu V và Bảo tàng HCM đã bày tỏ: “Ước gì học Sử hấp dẫn như ở bảo tàng” là đủ thấy hiệu quả giáo dục như thế nào.

Trong bài thu hoạch sau khi tham quan Bảo tàng Quân khu V và Bảo tàng Hồ Chí Minh, em Phạm Thị Lấm viết như sau: “Học Sử ở bảo tàng thật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ khắc sâu vì có hình ảnh trực quan sinh động. Ví dụ, nói về tình cảnh nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng 8/1945, SGK viết: “Chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp - Nhật đã đẩy nhân dân ta tới chỗ cùng cực. Hậu quả là cuối năm 1944 đầu năm 1945 có khoảng 2 triệu đồng bào ta chết đói”.

Chỉ là con số khô khan, dù đó là con số 2 triệu đồng bào ta chết đói cũng không tác động tới tình cảm học sinh bằng tại bảo tàng treo hình ảnh người nông dân gầy gò, ốm yếu, tiều tụy, dơ xương, trông thê thảm vô cùng. Hình ảnh đó không thể không thương cảm, không thể không uất hận, căm thù đế quốc Pháp - Nhật đã đẩy đồng bào ta ra nông nỗi đó”. 

Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Trưởng phòng Đối ngoại và trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: Một hình thức khác để học sinh học Lịch sử ở bảo tàng là có nhiều trường còn liên hệ với bảo tàng để học sinh được tham gia chương trình giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử thành phố Đà Nẵng nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam với chuyên đề “Những trận đánh tiêu biểu của Bộ đội đặc công trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ”.

Theo Hà Nguyên
GD&TĐ