Học để thăng tiến

Nỗ lực tự thân cùng với việc lựa chọn ngành học phù hợp giúp công nhân có cơ hội thăng tiến, ổn định thu nhập.

Thay cho công việc của một công nhân (CN) trực tiếp ở phân xưởng, chị Nguyễn Thị Thùy Linh, Công ty Juki (KCX Tân Thuận, TPHCM) vừa được chuyển lên làm việc ở văn phòng, thu nhập được cải thiện đáng kể. Có được kết quả đó là nhờ việc kiên trì theo đuổi việc học của cô CN đầy nghị lực này.

 

Vượt khó để tiến thân

 

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Long An, tốt nghiệp phổ thông, Linh theo bạn bè lên TPHCM tìm việc. Ban đầu, Linh xin vào làm văn phòng của một công ty có vốn nước ngoài ở KCX Tân Thuận. Do không có bằng cấp nên lương chị chỉ bằng CN trực tiếp. “Phải thay đổi bản thân để thăng tiến” - Linh hạ quyết tâm. Xin làm CN trực tiếp sản xuất tại Công ty Juki, mong muốn của cô gái sinh năm 1981 này là dành dụm tiền để theo đuổi việc học, tìm cơ hội tiến thân.

 
Nguyễn Thị Thùy Linh với công việc nhân viên kinh doanh tại Công ty Juki - KCX Tân Thuận, TPHCM.
Nguyễn Thị Thùy Linh với công việc nhân viên kinh doanh tại Công ty Juki - KCX Tân Thuận, TPHCM.

 

Cơ hội cũng đến khi Linh thi đậu vào hệ tại chức Khoa Đông phương Trường ĐH KHXH-NV TPHCM. “Cùng với niềm vui là biết bao lo lắng. Học phí lấy đâu ra trong khi thu nhập hằng tháng cũng chỉ đủ đóng tiền nhà trọ, tiền ăn, rồi tiền gửi về phụ giúp cho ba má ở quê? Lúc ấy, tôi tự dặn lòng phải học thật giỏi để có học bổng” - Linh kể. Với nỗ lực vượt bậc, Linh đã giành được suất học bổng toàn phần trị giá 6,8 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ CN TPHCM - một số tiền quá lớn đối với thu nhập của một CN như chị. Cơ hội lần nữa lại đến với cô gái này khi công ty cần tuyển một nhân viên kinh doanh biết tiếng Nhật. Tuy mới học năm thứ 3 nhưng với vốn tiếng Nhật khá, năm 2012, Linh được công ty chuyển từ CN trực tiếp lên làm ở phòng kinh doanh. Công việc hằng ngày của Linh là nhận đơn hàng, báo giá, cung cấp thông tin cho khách hàng, kiểm tra giá… “Tôi hài lòng với sự lựa chọn của mình” - Linh nói.

 

Vươn xa nhờ cầu tiến

 

Cũng như Nguyễn Thị Thùy Linh, anh Nguyễn Thành Danh bắt đầu từ một CN trực tiếp tại Công ty VMMP (KCX Tân Thuận, chuyên sản xuất khuôn mẫu). Không hài lòng với công việc của một CN với thu nhập bấp bênh, Danh quyết định làm mới mình bằng cách đi học. “Sau nhiều đắn đo khi chọn ngành học, tôi quyết định thi vào hệ tại chức Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TPHCM bởi phù hợp với công việc của tôi đang làm là thợ cơ khí” - anh Danh lý giải. Bỏ công luyện thi sau giờ làm việc, năm 2008, Danh đậu vào Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TPHCM.

 

Vừa đi học vừa đi làm khiến anh hết sức vất vả. Bắt đầu những buổi chiều chen chúc giữa dòng người đông nghẹt để chạy từ KCX Tân Thuận sang Trường ĐH Bách khoa. Nhiều khi phải ngồi học với cái bụng đói sôi ùng ục vì không có thời gian để ăn. Những cuộc vui với bạn bè cũng được Danh hạn chế để tập trung cho việc học. Ghi nhận nghị lực vượt khó ấy của Danh, năm 2010, Quỹ Hỗ trợ CN TP đã trao cho anh một suất học bổng trị giá 5,4 triệu đồng. Thời gian 4,5 năm cũng trôi qua nhanh, với tấm bằng đại học, Danh đã được công ty cân nhắc đưa lên làm quản lý.

 

Nói về tinh thần học tập trong CN để có một nghề nghiệp vững chắc phải kể đến tấm gương phấn đấu của anh thợ trẻ Đoàn Tuấn Kiệt. Năm 2003, tốt nghiệp trung cấp điện, Kiệt xin vào làm CN kỹ thuật cho Công ty Điện lực Gia Định. Với ý chí tiến thủ, sau giờ làm việc, Kiệt đăng ký theo học nâng cao trình độ. Thành quả của 10 năm miệt mài đèn sách là Kiệt đã hoàn thành chương trình đại học rồi cao học với trình độ thạc sĩ chuyên ngành về hệ thống điện. Và một bước ngoặt lớn cho sự thăng tiến về nghề nghiệp khi Kiệt là 1 trong 109 CN trong nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ CN của Thành ủy TPHCM. Từ tháng 12-2012 cho đến nay, Kiệt được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND phường 12, quận Bình Thạnh, TPHCM khi mới 31 tuổi. “Muốn thăng tiến, tự thân mỗi CN phải có chí tiến thủ và dám đối diện thách thức. Còn nếu bằng lòng với những cái hiện có thì chúng ta sẽ bị tụt hậu” - Kiệt chia sẻ.

 

Cơ hội thăng tiến rộng mở

 

“Sau 5 năm đi vào hoạt động, đã có 242 CN được trao tặng học bổng và trên 704 CN được vay vốn không lãi suất của Quỹ Hỗ trợ CN TP để đi học nâng cao trình độ và tay nghề với tổng số tiền hơn 3,3 tỉ đồng. Nhiều CN đã ra trường, tìm được công việc phù hợp với chuyên môn ngay tại doanh nghiệp mình hoặc doanh nghiệp khác. Chọn lựa ngành phù hợp với năng lực chuyên môn sẽ giúp CN tiến xa, cơ hội thăng tiến rộng mở” - bà Phạm Thị Trang, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ CN TPHCM, cho biết.

 

Theo Hồng Đào

Người Lao Động