Hỗ trợ giáo viên tiểu học xây dựng đề kiểm tra theo thông tư 22

(Dân trí) - Ngày 22/12, Bộ GD&ĐT có công văn số 6248/BGDĐT-VP gửi các Sở GD&ĐT, các trường ĐH- CĐ về việc tập huấn nâng cao năng lực ra đề kiểm tra định kì theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT.

Theo đó, để thực hiện tốt việc ra đề kiểm tra định kì đối với các môn học tại các thời điểm theo quy định trong Thông tư số 22 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn nâng cao năng lực ra đề kiểm tra định kì cho cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán cấp tỉnh và đại diện giảng viên các trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên tiểu học.

Cụ thể, mục đích việc tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán cấp tỉnh và đại diện giảng viên các trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên tiểu học về việc xây dựng đề kiểm tra định kì.

Thống nhất nguyên tắc chung, kỹ thuật, quy trình xây dựng ma trận đề kiểm tra định kì và rèn luyện kĩ năng ra đề kiểm tra định kì theo ma trận.

Chuẩn bị đội ngũ giảng viên cốt cán có khả năng tập huấn, hỗ trợ cho các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tiểu học ở địa phương về thực hiện xây dựng ma trận đề kiểm tra định kì đối với các môn học.

Thông tư 22 đã cởi trói cho giáo viên trong việc ghi chép. Tuy nhiên, việc ra đề kiểm tra định kì gặp phải khó khăn
Thông tư 22 đã "cởi trói" cho giáo viên trong việc ghi chép. Tuy nhiên, việc ra đề kiểm tra định kì gặp phải khó khăn

Như Dân trí đã phản ánh trước đó, thời điểm gần cuối năm học, nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã rục rịch chuẩn bị áp dụng thông tư 22 vào việc nhận xét, khen thưởng cuối kì. Thời điểm hiện tại, hầu hết các trường đã nhận được hướng dẫn thực hiện thông tư 22 của Phòng GD&ĐT các quận huyện, cũng như đã được triển khai tập huấn thực hiện từ vài tháng trước. Tuy nhiên, hướng dẫn này còn chung chung, khiến giáo viên và nhà trường rất khó triển khai.

Một số giáo viên và lãnh đạo trường tiểu học cho hay, trước đây, nhà trường có các quyển sách giáo viên, hướng dẫn đến tiết nào thì kiểm tra và có các bài thi mẫu, giáo viên chỉ cần đổi số liệu là ra đề kiểm tra. Hiện nay, mặc dù đã có hướng dẫn yêu cầu các trường chủ động trong việc ra đề kiểm tra giữa kì và cuối kì nhưng không có đề kiểm tra “minh họa” khiến nhiều trường lo lắng.

Do đó, một số giáo viên mạo muội đề xuất, giá như có đề thi mẫu như trước đây thì sẽ tốt hơn. Nhà trường cũng bám theo đó để triển khai để tránh sai sót.

Mỹ Hà