Hiệu trưởng trường ĐH: Chúng tôi mong được “bóc lột” nhiều hơn nữa

Thiếu sự kết nối nên hàng nghìn nhà khoa học, GS, PGS, tiến sĩ, đội ngũ nhân lực chất lượng cao ở các học viện, trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng trong việc tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Đây là trăn trở của lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ gửi gắm lãnh đạo thành phố Hà Nội trong buổi làm việc với Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội sáng nay (18/6).

Ông Hoàng Trung Hải – Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - chủ trì buổi làm việc.

Gắn kết tri thức các trường ĐH với thành phố Hà Nội

“Chúng tôi mong được “bóc lột” nhiều hơn nữa” - câu nói vui này của PGS.TS Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội - thể hiện mong muốn cán bộ, giảng viên của trường được tạo điều kiện để phát huy hơn nữa năng lực của mình, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô.

Theo ông Hinh, hiện nhiều cán bộ, giảng viên của trường đang làm việc trong các bệnh viện lớn tại Hà Nội, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Tuy nhiên, không phải đội ngũ khoa học nào đang công tác tại học viện, trường ĐH, CĐ đang đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng có được sự gắn kết như vậy.

Thông tin từ ông Vũ Tuấn Dũng – Bí thư Đảng ủy khối các Trường ĐH, CĐ Hà Nội, Đảng bộ khối hiện có trên 1.000 GS và PGS, 3.000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, hơn 8.000 thạc sĩ, gần 11.000 cử nhân, kỹ sư và tương đương; có hơn 500.000 sinh viên chính quy các hệ.

Đây là một đội ngũ hùng hậu, một nguồn lực chất xám dồi dào, nhưng PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân – cho rằng: Đội ngũ có khả năng lớn về nghiên cứu, triển khai các đề tài khoa học lại chưa thực sự tham gia nhiều vào các đề tài nghiên cứu khoa học của thành phố.

Các trường mong muốn được cống hiến cho Thủ đô thông qua hoạt động chuyên môn phù hợp. Mong rằng sẽ có cơ chế, cách thức phối hợp để huy động tốt hơn lực lượng từ các trường ĐH, CĐ cùng tham gia với thành phố Hà Nội”

PGS. TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương

“Lãnh đạo thành phố Hà Nội nên có chủ trương đội ngũ khoa học của các học viện, trường ĐH, CĐ phải tham gia ít nhất khoảng 50% vào đề tài nghiên cứu khoa học của thành phố. Hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường cần gắn với thành phố nhiều hơn nữa” – PGS Hoàng Văn Cường đề nghị.

Cũng nói đến vấn đề gắn kết, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nhận định: Sự kết nối của các trường ĐH, CĐ với các sở, ban, ngành còn mang tính chất ngoại giao, chưa tạo ra sự thống nhất, hợp tác gắn với trách nhiệm. Những chủ trương của thành phố chưa được quán triệt sâu rộng đến đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học và sinh viên các trường ĐH, CĐ, và do vậy bản thân các nhà khoa học có khả năng nhưng chưa có đất dụng võ.

Bên cạnh đó, các trường ĐH, CĐ chưa chủ động trong việc chứng tỏ năng lực, thế mạnh của mình trong từng lĩnh vực cụ thể với lãnh đạo thành phố, trong khi lãnh đạo thành phố có quá nhiều việc cần giải quyết. Tư tưởng hàn lâm, ít tiếp cận yêu cầu thực tiễn vẫn còn nặng trong các trường ĐH, CĐ.

GS.TS Nguyễn Văn Minh kiến nghị, những chủ trương chung và các lĩnh vực cụ thể của thành phố, từ dài hạn, trung hạn đến ngắn hạn nên phổ biến rộng rãi đến các trường ĐH, CĐ, từ đó các trường đề xuất nhiệm vụ mình có thể tham gia.

Đồng thời, nên có những cuộc đối thoại mang tính chuyên đề, chỉ có cách này mới cụ thể hóa nhiệm vụ và gắn với khả năng, trách nhiệm của mỗi trường đặc thù. Nên có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ của thành phố với các trường ĐH trên cơ sở thế mạnh và khả năng của từng trường. Các cam kết trách nhiệm phải thể hiện bằng việc làm, bằng kế hoạch, bằng hiệu quả, hằng năm có đánh giá cụ thể.

“Riêng với Trường ĐHSP Hà Nội, chúng tôi đề xuất được tham gia cung cấp nhân lực về giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp, bậc học; cho phép nhà trường mở rộng hệ thống các trường thực hành” – GS Nguyễn Văn Minh đưa kiến nghị.

Thay mặt Đảng ủy khối các Trường ĐH, CĐ Hà Nội, ông Vũ Tuấn Dũng đề xuất thành phố Hà Nội có cơ chế, chính sách khai thác, sử dụng đạt hiệu quả các nguồn lực trí thức từ các trường ĐH, CĐ bằng việc làm cụ thể như:

Đặt hàng với các trường về những lĩnh vực mà họ chuyên sâu, trao đổi các sản phẩm khoa học, sản phẩm ứng dụng trên mọi lĩnh vực; đồng thời có cơ chế để các nhà khoa học, trí thức tham gia góp ý, phản biện vào các chủ trương, chính sách của thành phố. Kiến nghị thành phố đặc biệt quan tâm đến đời sống, tinh thần của hơn 500.000 sinh viên của Khối đang sinh sống, làm việc trên địa bàn thủ đô.

Đề xuất thành phố thành lập Ban chỉ đạo Chương trình phát huy tiềm năng đội ngũ trí thức đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô do đồng chí Thường trực Thành ủy làm Trưởng ban. Giao Đảng ủy khối là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Chương trình.

Ông Hoàng Trung Hải – Bí thư Thành ủy Hà Nội –khẳng định: Thành phố Hà Nội sẽ quyết liệt hơn trong việc nâng cao khả năng liên kết các trường ĐH, CĐ, học viện với các doanh nghiệp của thành phố.
Ông Hoàng Trung Hải – Bí thư Thành ủy Hà Nội –khẳng định: Thành phố Hà Nội sẽ quyết liệt hơn trong việc nâng cao khả năng liên kết các trường ĐH, CĐ, học viện với các doanh nghiệp của thành phố.

Hà Nội sẵn sàng đặt hàng trường ĐH

Trước ý kiến từ các trường ĐH, CĐ, nói về sự thiếu gắn kết, nguyên nhân được ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – đưa ra là: Toàn bộ tiềm năng, nguồn lực của trường chưa được kết nối với nhu cầu của doanh nghiệp và các dự án trên địa bàn thành phố; chưa có nơi nào làm trung tâm tiếp nhận thông tin nhu cầu doanh nghiệp, người dân… để các trường tiếp cận, nắm bắt thông tin đó để tham gia. Thành phố cũng chưa lập ra được sân chơi, khu vực để sinh viên, học sinh, nhà khoa học, các trường ĐH, CĐ, Viện thông qua đó kết nối với doanh nghiệp…

Cá nhân ông Chung cũng cho rằng cần nói đến nguyên nhân chủ quan từ nhà trường, chưa thực sự “tung” ra được các tiềm năng của mình, còn bị động

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đưa ra nhiều bài toán cụ thể, trực tiếp đặt hàng các trường ở nhiều lĩnh vực; đồng thời thông tin về những việc làm cụ thể, thiết thực của Hà Nội nhằm kết nối chất xám từ các trường ĐH, CĐ với thành phố.

Ông Hoàng Trung Hải – Bí thư Thành ủy Hà Nội – khẳng định: Thành phố Hà Nội sẽ quyết liệt hơn trong việc nâng cao khả năng liên kết các trường ĐH, CĐ, học viện với các doanh nghiệp của thành phố. Mối liên kết này hết sức quan trọng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hiệu quả nền kinh tế.

Nhắc đến việc thực hiện mô hình vườn ươm khởi nghiệp, Bí thư Thành Hoàng Trung Hải nhấn mạnh cần sự hỗ trợ rất lớn của các trường và phải có sự kết nối rất hiệu quả với các trường ĐH, học viện.

“Hà Nội may mắn có nguồn lực tài sản trí tuệ lớn, nếu không tận dụng, phát huy được sẽ đánh mất cơ hội vô cùng quý giá. Đề nghị các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng các trường tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng và năng lực cánh tranh của sinh viên. Hà Nội cũng phải nghĩ đến việc trở thành trung tâm giáo dục của khu vực, thu hút được sinh viên quốc tế đến học tập. Chúng ta hoàn toàn có năng lực về việc đó” – ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Toàn Khối có 44 trường ĐH, học viện, 22 trường CĐ (trong đó 52 trường công lập và 14 trường ngoài công lập với trên 1.000 GS và PGS, 3.000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, hơn 8.000 thạc sĩ, gần 11.000 cử nhân, kỹ sư và tương đương; có hơn 500.000 sinh viên chính quy các hệ.

Từ 2010 đến nay, toàn khối đã triển khai nghiệm thu hơn 600 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, gần 7.000 đềtài cấp Bộ, tương đương và cấp trường; gần 10.000 bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và gần 3.000 công trình khoa học, những cải tiến ứng dụng được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trên thế giới.

Các trường đã ký hơn 300 dự án hợp tác đào tạo, liên kết với nước ngoài; 230 công trình hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các trường ĐH và tổ chức quốc tế; trao đổi gần 3.000 lượt giảng viên, sinh viên học tập, nghiên cứu với các đối tác nước ngoài; tổ chức hàng trăm lượt sinh viên tham gia các cuộc thi tay nghề trong khu vưc và quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2020, đối với các trường ĐH, có 100% giảng viên ĐH đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 25% giảng viên là tiến sĩ. Đối với các trường CĐ: 60% giảng viên đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó 8% giảng viên là tiến sĩ. 100% giảng viên ĐH, CĐ sử dụng ít nhất 1 ngoại ngữ trong chuyên môn. 100% giảng viên ĐH, CĐ ứng dụng hiệu quả CNTT và truyền thông trong dạy học.

Theo GDTĐ