Hiệu trưởng lên tiếng việc bỏ quy định miễn học phí sinh viên sư phạm

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng nhiều ý kiến của nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục góp ý về việc nên bỏ quy định miễn học phí sinh viên sư phạm vì không còn phù hợp nữa, nhiều hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm đã lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình.

Hiệu trưởng lên tiếng việc bỏ quy định miễn học phí sinh viên sư phạm - 1

Chính sách miễn học phí với sinh viên ngành sư phạm không còn phù hợp nữa!

PGS.TS Nguyễn Thám, Hiệu trưởng ĐHSP Huế: Giảm mạnh chỉ tiêu nhưng giữ nguyên kinh phí đầu tư”

Tôi còn nhớ trước đây, các trường sư phạm cũng đã từng được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến về việc có nên tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Tôi nghĩ, quan trọng với sinh viên sư phạm nói riêng và sinh viên các trường khác nói chung là đầu ra. Các em ra trường phải có việc làm là cơ bản nhất.

Trước đây, có một thời kì Nhà nước miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Tôi thấy có tác động rất rõ ràng, đấy là thu hút sinh viên đầu vào rất cao. Ngay như hiện nay, các trường như ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Huế và ĐHSP TP Hồ Chí Minh vẫn là các trường có đầu vào cao.

Nhưng theo tôi, hiện nay do chỉ tiêu vượt quá kích cầu nên đầu ra có cạnh tranh gay gắt trong tìm kiếm việc làm đối với sinh viên sư phạm. Vì vậy, quan điểm của tôi là giảm mạnh chỉ tiêu. Các trường sư phạm sẽ làm nhiệm vụ bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ giáo viên để đảm bảo nhu cầu đổi mới chương trình.

Giảm chỉ tiêu nhưng theo tôi, nên giữ nguyên kinh phí đầu tư. Chẳng hạn trường tôi chỉ tiêu là 1.600 em nhưng giảm xuống 1.000 và giữ nguyên kinh phí đầu tư 1.600 ban đầu thì các trường sẵn sàng. Như thế, chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng.

Tóm lại, tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay, vẫn cấp bù cho ngành sư phạm bởi sinh viên vào ngành sư phạm hiện nay, chủ yếu là con em nông thôn, kinh tế khó khăn rất nhiều.

Chẳng hạn, công an, quân đội đều bao cấp toàn bộ. Vậy tại sao không thể cấp bù cho sư phạm trong khi đây là nhân tố hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến cả một nền giáo dục cũng như các ngành kinh tế quan trọng khác?

Vậy cho nên tôi nghĩ, ưu tiên đầu tư cho đào tạo sư phạm vẫn là đúng đắn nhưng đi cùng đó là các giải pháp khác để “siết” chỉ tiêu hợp lý.

TS Trần Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Kỹ Thuật Nam Định: “Cần đầu tư để mua máy móc kĩ thuật”

Với hoàn cảnh nhiều người không muốn vào sư phạm như trước đây, Nhà nước đã ưu ái đầu tư cho sư phạm. Vì thế, tôi nghĩ nên tiếp tục như vậy để đảm bảo duy trì cần đối giữa các ngành.

Nhiều người cho rằng hiện nay sinh viên sư phạm đang thừa nên không tiếp tục đầu tư. Nhưng tôi lại thấy, có thể thừa ở đâu đó chứ riêng với ngành sư phạm kĩ thuật lại đang rất thiếu.

Vấn đề ở chỗ, một số em sau khi đào tạo đã không muốn theo con đường nhà giáo nên dẫn tới lãng phí. Còn nếu các em đi theo nghiệp giáo viên thì đầu tư là hoàn toàn xứng đáng.

Ngoài ra, do đặc thù của ngành sư phạm kĩ thuật cần phải có trang thiết bị, máy móc thực hành rất đắt tiền nên cần phải đầu tư khá lớn hàng năm.

Hiện, chúng tôi không thu học phí của sinh viên. Mỗi năm, Nhà nước đang đầu tư 12- 15 tỷ đồng/năm chỉ để mua sắm trang thiết bị giảng dạy.

Trong khi Nhà trường chỉ có một nguồn thu rất nhỏ từ đào tạo kĩ sư nên chúng tôi vẫn rất cần được Nhà nước tiếp tục đầu tư hàng năm để mua sắm máy móc, phục vụ công tác giảng dạy.

PGS.TS Thái Bá Cần, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, hiện là Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hồng Bàng: “Hiệu quả của cách làm cũ chưa cao”

Thực ra, điều này chúng tôi đã nói nhiều lần từ trước đây. Quan điểm của tôi cho rằng, tốt nhất nên hỗ trợ tiền cho người học ở trường sư phạm, sau đó miễn trả nợ cho họ.

Nếu sẵn tiền để dành cho nhiều đối tượng thì càng tốt nhưng nếu phải tính toán so đo, chặt chẽ, theo tôi nên hỗ trợ theo dạng vay vốn. Nếu sinh viên sư phạm đó sau này đi làm đúng ngành giáo dục thì không phải trả nợ vay nữa. Nhưng nếu làm trái ngành thì phải trả nợ.

Chứ cứ đào tạo dàn trải như mấy chục năm nay, tôi thấy đó là một sự lãng phí rất lớn bởi người ta chỉ nhìn thấy làm như thế, có một số học sinh khá sẽ vào sư phạm.

Tôi cũng công nhận đúng là thời gian vừa rồi, có một số học sinh khá nhưng gia đình hơi nghèo đã đi theo đường đấy. Thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sau khi ra trường, những người này công tác trong ngành giáo dục nên theo tôi, hiệu quả của cách làm cũ trước đây chưa cao.

Tôi nghĩ, chúng ta đã có chương trình trọng điểm để đầu tư cho giáo dục sư phạm, cả ngành sư phạm kĩ thuật cũng thế. Nhưng để có đội ngũ giáo viên tốt, cần phải có chiến lược đầu tư khoa học hơn bởi muốn cải cách giáo dục hoặc đổi mới toàn diện giáo dục, trước mắt phải là người thầy.

Như vậy, rõ ràng phải làm thế nào để cho ra những người thầy có năng lực. Tôi cho rằng, chúng ta không chỉ đầu tư về phương tiện dạy- học mà còn phải đầu tư cả con người.

Điều đó có nghĩa, chỉ nên hỗ trợ thực sự cho người nào đi học và công tác trong đúng ngành giáo dục, không tiếp tục dàn trải nữa nếu không sẽ rất lãng phí.

Quốc Huy (ghi)