Hiệu trưởng bị miễn nhiệm kiến nghị UBND TPHCM hủy quyết định của HĐQT

(Dân trí) - Ông Trần Quang Nam, người vừa bị Hội đồng Quản trị (HĐQT) Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) ra quyết định miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng, đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi lên UBND TPHCM.

Trong đơn được ký ngày 7/11/2018, ông Nam cho rằng các nghị quyết của HĐQT nhà trường ban hành ngày 30/10 vừa qua là trái luật.

Cụ thể, ông Trần Quang Nam cho rằng Điều lệ trường ĐH chỉ quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền không công nhận hiệu trưởng trường ĐH tư thục. Không có quy định nào liên quan đến việc miễn nhiệm hiệu trưởng trường ĐH tư thục (việc miễn nhiệm chỉ áp dụng cho hiệu trưởng trường ĐH công lập).

Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM
Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM

Đồng thời, ông Nam cũng cho biết các lý do nêu ra tại cuộc họp để miễn nhiệm hiệu trưởng không có căn cứ. Ông Nam phản bác hai nội dung nêu ra tại cuộc họp, gồm: “chưa đạt đủ điều kiện quy định hiệu trưởng trường ĐH phải có trình độ tiến sĩ” và “thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không thực hiện nhiều nội dung điều hành trường trong thời gian từ 1/6/2018 đến nay”.

Ông Nam lý giải rằng, nội dung đầu tiên mâu thuẫn với tờ trình ngày 27/1/2016 của HĐQT HUFLIT gửi UBND TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị công nhận hiệu trường. Tờ trình này cho rằng ông Nam đã tốt nghiệp tiến sĩ Trường Business School Lausanne (Thụy Sĩ). Nội dung thứ hai, ông Nam cho rằng ông đã gửi báo cáo khẩn cấp về tình hình hoạt động của trường ngày 12/9/2018 lên UBND TPHCM. Điều hành trường thời gian qua là "Thường trực HĐQT", không có trong Điều lệ trường ĐH của Chính phủ và Quy chế hoạt động của nhà trường.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng kiến nghị một số nội dung khác mà ông cho rằng trái pháp luật. Đó là ông không đề nghị bổ nhiệm hai phó hiệu trưởng tại trường hiện nay (theo quy định phó hiệu trưởng do hiệu trưởng đề nghị); HĐQT hiện nay có 8 người, không đảm bảo quy định phải có số lượng thành viên là số lẻ (ít nhất 7 thành viên); các cá nhân nhiều chiếm dụng con dấu cản trở hoạt động điều hành của hiệu trưởng…

Vì vậy, ông Nam kiến nghị UBND TPHCM hủy bỏ toàn bộ nghị quyết được ban hành trong cuộc họp ngày 30/10 của HĐQT Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM.

Trước đó Dân trí từng thông tin, ông Huỳnh Thế Cuộc, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM đã ký nghị quyết miễn nhiệm hiệu trưởng nhiệm kỳ năm 2015-2020 đối với ông Trần Quang Nam. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 30/10/2018.

Trong thời gian chờ quyết định không công nhận hiệu trưởng của UBND TPHCM, ông Trần Quang Nam có trách nhiệm bàn giao hồ sơ, công việc, liên quan đến chức vụ hiệu trưởng cho người được giao phụ trách điều hành nhà trường kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực tới ngày 8/11.

Trước đó, cán bộ, giảng viên, chuyên viên và sinh viên của trường ĐH này đặt nghi ngờ về bằng cấp của ông Trần Quang Nam đồng thời đề nghị ông phải nhanh chóng minh bạch mọi thông tin liên quan các bằng cấp của mình.

Ông Trần Quang Nam được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường ĐH Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM từ năm 2016. Theo lý lịch khoa học của ông tại trường, từ năm 2000 - 2002, ông Nam học thạc sĩ Quản trị Kinh doanh hệ chính quy tại trường Southern California University (SCUPS).

Được biết chương trình ông Nam học là chương trình liên kết được Bộ GD-ĐT cho phép giữa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và SCUPS theo công văn ngày 29/9/1999 của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Lê Vũ Hùng ký. Chương trình thực hiện theo giấy phép hai năm 2000 và 2001, kết thúc vào năm 2003.

Sau khi học xong thạc sĩ, ông học tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Trường Business School Lausanne (Thụy Sĩ) theo Chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ trẻ của UBND TPHCM. Sau khi trở về nước, theo quy định phân công công việc, UBND TPHCM cử ông về làm tại Trường ĐH Sài Gòn. Ông làm trưởng khoa quản trị kinh doanh của trường này. Sau đó, năm 2015, Nhà giáo ưu tú Huỳnh Thế Cuộc mời ông về Trường HUFLIT và sau đó, HĐQT bầu ông trở thành hiệu trưởng nhà trường.

Ông Nam cũng cho biết từng hai lần làm hồ sơ gửi Cục Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý chất lượng), Bộ GD-ĐT công nhận văn bằng nhưng chưa được.

Lê Phương