Bạn đọc viết:

Hết miễn học phí, Sư phạm càng… “ế”

(Dân trí) - Khoảng 20 năm nay, chính sách miễn học phí đối với sinh viên Sư phạm đã tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực trong việc thu hút nguồn nhân lực. Từ đây, nhiều học sinh con nhà nghèo có cơ hội đến với nghề “gõ đầu trẻ” và hoàn thành giấc mơ phấn trắng bục giảng.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường sôi động cùng xu hướng các trường đại học tiến tới cơ chế tự chủ thì việc tiếp tục cấp bù học phí cho sinh viên Sư phạm quả thật đang bộc lộ nhiều hạn chế. Chỉ xét riêng việc bao cấp một khoản lớn tiền ngân sách hàng năm cho các trường sư phạm nhưng sinh viên ra trường lại thất nghiệp đã là một sự lãng phí lớn.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất bỏ chế độ miễn học phí với sinh viên Sư phạm không hẳn là không có cơ sở. Tuy nhiên, quyết sách liên quan đến việc hủy bỏ hay tiếp tục duy trì chính sách nhân văn này cần được tính toán cẩn trọng. Bởi các trường Sư phạm đang bị “ngó lơ” một cách thảm hại.

Điểm chuẩn đầu vào ngành Sư phạm phải “vét” đến tận đáy cho thấy sức hấp dẫn của ngành nghề đã giảm sút trầm trọng. Tại sao ư?

Bên cạnh lòng yêu nghề thì ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn nghề nghiệp chính là xu thế việc làm. Vậy mà bức tranh tuyển dụng ngành giáo dục hiện nay quá ảo não. Cả nước ta đang có hàng chục nghìn giáo viên dôi dư, hàng trăm nghìn cử nhân Sư phạm ra trường không có việc làm. Thêm vào đó là những tiêu cực trong tuyển dụng, tình trạng “chạy” biên chế vẫn xảy ra đầy nhức nhối. Giữa ngã rẽ cuộc đời mang tính quyết định đến tương lai, học sinh khá giỏi có can đảm lao vào “ngõ cụt” không?

Mặt khác, chế độ đãi ngộ nhà giáo ở nước ta đang có “vấn đề”. Xã hội tôn vinh nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Vậy nhưng mức lương của giáo viên hiện nay dao động từ 3 - 10 triệu đồng tùy theo thâm niên và giáo viên mới ra trường lương còn thấp hơn cả người giúp việc. Thử hỏi người tài, người giỏi sao chẳng nản lòng khi thấy trước viễn cảnh “thắt lưng buột bụng”, “thiếu trước hụt sau”?

Lương thấp nhưng áp lực công việc của nhà giáo lại nhiều vô cùng, đặc biệt là khi nhất cử nhất động của người thầy bị “soi” quá kỹ với cái nhìn thiếu thiện cảm. Người thầy phải cảm hóa học sinh bằng tình yêu thương và giáo dục bằng tấm gương mẫu mực của mình, ngoài ra không được có bất kỳ hành động, lời lẽ nào làm tổn thương thân thể, nhân cách học trò. Nhưng đâu phải người thầy nào cũng đủ bình tĩnh và kiên nhẫn để hóa giải mâu thuẫn và tìm ra phương pháp giáo dục tích cực. Nên tình trạng nhà giáo bị ngành kỷ luật và bị dư luận “ném đá” đã xảy ra.

Nếu ví chính sách thu hút người tài vào giáo dục là một cỗ máy có 4 đầu kéo là việc làm, đãi ngộ, cơ chế làm việc ít áp lực và ưu tiên miễn học phí Sư phạm thì 3 đầu kéo đã bắt đầu ì ạch. Lời giải của bài toán việc làm cho sinh viên Sư phạm, tăng cường đãi ngộ cũng như củng cố sự tôn vinh của xã hội về nghề giáo vẫn đang khá mơ hồ.

Vậy thì việc miễn học phí cho sinh viên Sư phạm chính là chiếc phao cuối cùng để học sinh giỏi săm soi, lựa chọn và quyết định dừng chân ở trường Sư phạm. Nếu bỏ chính sách này ngay lập tức, tình trạng trường Sư phạm “ế” sẽ xảy ra. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là giảm bớt hệ thống trường, khoa Sư phạm, siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh, tạo điều kiện thông thoáng trong tuyển dụng và tăng cường đãi ngộ đối với giáo sinh, giáo viên.

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!