Nghệ An:

Hết dự án VNEN, phụ huynh yêu cầu quay về mô hình giáo dục truyền thống

(Dân trí) - Cho rằng mô hình VNEN chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của phụ huynh về kết quả học tập của con em mình, nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh, Nghệ An) không đồng ý cho con mình tiếp tục học mô hình giáo dục này. Đỉnh điểm, phụ huynh còn căng băng rôn, yêu cầu bãi bỏ mô hình VNEN.

Phụ huynh phản đối mô hình VNEN, yêu cầu trở về mô hình giáo dục truyền thống

Phụ huynh yêu cầu bỏ mô hình VNEN

Trường tiểu học Nguyễn Trãi (phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An) là 1 trong 2 trường tiểu học trên địa bàn TP Vinh được triển khai thí điểm dự án mô hình trường học mới (VNEN) từ năm 2010. Sau 6 năm triển khai, mô hình VNEN được ngành giáo dục đánh giá đã đạt được nhiều kết quả trong việc nâng cao chuẩn kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên, xung quanh việc triển khai mô hình giáo dục này, nhiều phụ huynh vẫn hết sức băn khoăn, cho rằng nó chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của phụ huynh và chính các em học sinh.

Phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh, Nghệ An) vẫn còn nhiều băn khoăn về mô hình trường học mới - VNEN.
Phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh, Nghệ An) vẫn còn nhiều băn khoăn về mô hình trường học mới - VNEN.

Chị N.T.K. - có con học lớp 2 cho biết: “Học theo mô hình VNEN thì phòng học phải đủ rộng, học sinh được học theo nhóm, trong khi đó phòng lại chật, lớp đông, chia làm nhiều nhóm thì làm sao hiệu quả cao được. Đó là chưa kể các em học sinh lớp 2, nhiều em được gia đình bao bọc, đến vệ sinh còn tự chưa làm được thì lam sao mà để các cháu tự học, tự phát biểu, phát triển kỹ năng giao tiếp như mô hình đề ra được?”.

Nhiều phụ huynh khác lại tỏ ra lo ngại khi tài liệu học theo chương trình VNEN không có các phần bài tập nâng cao như trong chương trình sách giáo khoa. Bởi vậy, các em sẽ bị thiệt thòi hơn hoặc kém hơn các bạn không học mô hình này. Bên cạnh đó, phụ huynh phải đóng góp tiền để mua đồ dùng học tập cho con nhiều hơn, không thể chủ động trong việc hướng dẫn con học ở nhà, trong khi việc học thêm lại bị cấm ở bậc tiểu học. Các phụ huynh cũng cho rằng, con em mình học mô hình VNEN đang bị kỳ thị, khó khăn trong khi chuyển lên cấp 2 học ở những trường song song 2 mô hình giáo dục truyền thống và mô hình VNEN.

Bởi vậy, ngay từ khi nhà trường mới tập trung các cháu để chuẩn bị cho năm học mới, nhiều phụ huynh đã đề nghị không tiếp tục cho con em mình học mô hình VNEN. Thậm chí nhiều phụ huynh đã xin chuyển trường cho con sang các trường không triển khai mô hình giáo dục này. Tuy nhiên, do các trường trên địa bàn đều đã trong tình trạng quá tải nên không thể chuyển trường cho con. Một số phụ huynh đã tập trung trước cổng trường, mang theo băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu nhà trước bỏ mô hình VNEN.

Nhiều phụ huynh yêu cầu nhà trường quay về mô hình trường học truyền thống vì lo ngại con mình không theo kịp chương trình khi lên cấp 2.
Nhiều phụ huynh yêu cầu nhà trường quay về mô hình trường học truyền thống vì lo ngại con mình không theo kịp chương trình khi lên cấp 2.

“Tôi thấy thực tế từ con anh trai mình hiện đang học lớp 7, tức là lớp đầu tiên được học theo mô hình VNEN là cháu tiếp thu chậm hơn các bạn không học mô hình này, chữ cũng không đẹp bằng các bạn nên tôi không đồng ý cho con mình theo học mô hình giáo dục này”, anh T.M.Q. - phụ huynh lớp 2G cho hay.

Anh Q. cho biết, nếu nhà trường không bỏ mô hình VNEN, anh sẽ chuyển con về huyện Con Cuông ở với ông bà, đi học trên đó. Sang học kỳ 2, anh sẽ tìm cách xin chuyển con về TP Vinh, vào học tại trường không triển khai mô hình giáo dục này.

Đảm bảo quyền lợi của học sinh là trên hết

Sáng ngày 28/8, Trường tiểu học Nguyễn Trãi đã tổ chức họp, lấy ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh về việc thực hiện mô hình giáo dục mới. Sau khi lấy ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường và đại diện Sở GD-ĐT Nghệ An đã trực tiếp gặp gỡ phụ huynh để tháo gỡ các vướng mắc.

Ông Trần Thế Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Nghệ An) cho hay băn khoăn lớn nhất của các phụ huynh xung quanh mô hình trường học mới là ở tài liệu. Tài liệu của dự án VNEN hay tài liệu hiện hành đều theo chuẩn kiến thức do Bộ GD-ĐT ban hành. Tuy nhiên, trong sách giáo khoa, phần bài tập nâng cao vẫn được giữ nguyên, còn phần nâng cao trong tài liệu dự án lại thuộc phần giảm tải. Do vậy, khi kiểm tra nội dung 2 tài liệu này, phụ huynh sẽ có cảm giác học sinh học chương trình VNEN thiệt thòi hơn học sinh khác, thậm chí lo sợ các em sẽ không theo kịp các bạn vì không được học nâng cao.

Ông Thái Huy Vinh - Phó GĐ Sở GD-ĐT Nghệ An giải đáp những thắc mắc của phụ huynh về mô hình VNEN.
Ông Thái Huy Vinh - Phó GĐ Sở GD-ĐT Nghệ An giải đáp những thắc mắc của phụ huynh về mô hình VNEN.

“Thực chất hai tài liệu này đều đảm bảo chuẩn kiến thức theo quy định của Bộ GD-ĐT. Nếu như tài liệu hiện hành (sách giáo khoa) yêu cầu giáo viên soạn giáo án để dạy cho học sinh thì tài liệu dự án yêu cầu giáo viên phải là người hướng dẫn học sinh tìm hiểu, học và làm bài tập. Với cách làm này, học sinh là người chủ động tiếp nhận kiến thức, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng khác, đảm bảo yêu cầu đạt chuẩn kiến thức kỹ năng mà giáo dục đang hướng tới”, ông Sơn cho hay.

Ông Sơn cũng cho rằng đổi mới là yêu cầu của ngành giáo dục. Dự án mô hình trường học mới VNEN đã kết thúc từ ngày 31/5 vừa qua, tuy nhiên, trên cơ sở những kết quả của chương trình, việc tiếp tục ứng dụng mô hình này trong giáo dục là thực sự cần thiết. Việc này yêu cầu giáo viên phải đổi mới phương thức truyền đạt kiến thức cho học sinh. Bởi vậy, quan điểm của cá nhân ông và ngành giáo dục Nghệ An là vẫn tiếp tục thực hiện đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD-ĐT Nghệ An) khẳng định đổi mới là yêu cầu của giáo dục, trên cơ sở kế thừa những kết quả của mô hình trường học mới và điều chỉnh những vấn đề chưa phù hợp của VNEN nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD-ĐT Nghệ An) khẳng định đổi mới là yêu cầu của giáo dục, trên cơ sở kế thừa những kết quả của mô hình trường học mới và điều chỉnh những vấn đề chưa phù hợp của VNEN nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục.

“Trong quá trình đổi mới, có cái này phù hợp với trường này, địa phương này nhưng không phù hợp với trường kia, địa phương kia. Những cái nào làm tốt rồi thì chúng ta ghi nhận và tiếp tục thực hiện. Cái nào chưa tốt, chưa phù hợp, còn có băn khoăn thì nhà trường, ngành giáo dục và phụ huynh sẽ bàn bạc, thống nhất để có phương án có lợi nhất cho học sinh, ổn định tâm lý các em cũng như làm công tác tư tưởng của giáo viên vào năm học mới. Tôn trọng và đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh nhưng phải đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Trần Thế Sơn khẳng định.

Đối với Trường tiểu học Nguyễn Trãi, trên cơ sở kết quả thăm dò phụ huynh mới đây, Sở, Phòng GD-ĐT thành phố Vinh và trường sẽ có câu trả lời cho phụ huynh. Nếu nguyện vọng của phụ huynh về việc lựa chọn 2 mô hình giáo dục là 50-50, sẽ tổ chức song song 2 mô hình này. Nếu tỷ lệ lựa chọn chương trình cũ từ 80%, trường sẽ đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh.

Sở và Phòng GD-ĐT thành phố Vinh sẽ sớm có câu trả lời cho phụ huynh để phụ huynh chủ động chuẩn bị tài liệu, sách vở cho con em mình bước vào năm học mới.

Hoàng Lam