Bạn đọc viết:

“Hè là gì hở cô?”

(Dân trí) - “Hè là gì hở cô?” - đó là câu hỏi trăn trở của cậu nhóc lớp 8 mà tôi đang làm gia sư. Theo con từ năm lớp 3 đến bây giờ, cô và trò như người thân, người bạn có thể chuyện trò đủ điều. Và lần đầu tiên tôi nghe cậu bé hỏi một cách ngậm ngùi, chán chường, giễu cợt như thế.

Chuyện là mấy hôm nay con phải tăng tốc ôn luyện các môn để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi cuối năm sắp diễn ra. Lịch học tăng buổi, buổi học tăng giờ, bài tập nhiều hơn, thời gian nghỉ giữa buổi bị cắt xén… đã khiến con mệt nhoài với chuyện học, chuyện thi. Mà đâu phải chỉ mỗi môn Ngữ văn phải “tăng tốc”, tất cả các môn học đều phải chạy theo guồng quay - học và thi.

“Cố gắng lên con!”, “Thi xong con sẽ thoải mái nghỉ ngơi”, “Hè sắp đến rồi, tha hồ ngủ nghỉ”, “Hè này con sẽ được đi chơi thả ga”… là những câu từ cực kỳ quen thuộc, quen đến nhàm chán mà tôi - một cô giáo dạy kèm nhận tiền học phí từ bố mẹ cháu và cam kết đảm bảo chất lượng - thường xuyên nói với học trò của mình mỗi kỳ thi để động viên con trẻ, động viên chính mình vượt qua áp lực điểm số.

Nói mãi thành quen, dỗ mãi thành nếp, câu từ cứ vậy tuôn ra bên tai cậu học trò đang cắm cúi luyện viết đoạn văn. Và lần đầu tiên con đáp trả cô giáo nhỏ nhẹ mà sâu cay: “Hè là gì hở cô?”.

Hè là gì ư? Là mùa rực nắng hạ tô thắm màu hoa phượng vĩ, mùa ve sầu ngân nga bản hòa ca gọi nắng, mùa lớp học đóng cửa im ỉm, chỉ có sân trường vẫn rộn vang tiếng bọn trẻ hò reo sút bóng…

Hè mà, ngủ muộn thêm một tí, lười dậy sớm hơn một tẹo. Thảnh thơi phụ mẹ nhặt mớ rau, bắc thêm ấm nước, rửa chậu bát bẩn. Nhiều bạn trẻ hồi ấy còn tận dụng hè để làm thêm việc này việc nọ kiếm tiền mua sắm sách vở cho năm học mới, rất ý thức, cực kỳ trách nhiệm…

Nhắc đến hè, lũ trẻ con mê tít, tạm buông sách vở, líu ríu gọi nhau đi chơi banh chuyền, đuổi bắt, thả diều suốt ngày. Nguồn năng lượng tích cực được tích lũy, tái tạo vừa đủ để khi tiếng trống trường gõ nhịp sẽ nuối tiếc rời hè, háo hức bước vào ngày khai trường…

Mùa hè của thế hệ 8X chúng tôi đó. Ăm ắp kỷ niệm tuổi thơ. Hồn nhiên đến vô ngần. Nhưng dường như mùa hè ấy giờ hóa thành hồi ức của quá khứ khi tôi ngày càng chứng kiến nhiều hơn cảnh bọn trẻ quanh mình quay cuồng với “học kỳ 3” trong hè.

Rục rịch thi cử, chưa kịp đón hè thì những tờ giấy quảng cáo các lớp học thêm, lò luyện đã đưa đến tay phụ huynh để chào mời. Học văn hóa, học năng khiếu, luyện thi chuyển cấp… cứ thế đeo mang tâm trí phụ huynh, biến thành lời hối thúc, lời nhắc nhở việc học, học và học.

Thi cử xong các con sẽ được “xả hơi” ư? Chỉ một hai buổi rồi lại quay vào nếp học ôn tập kiến thức toàn bộ chương trình, làm bài tập nâng cao để rồi khi kỳ nghỉ hè vừa bắt đầu cũng là lúc các con chính thức bước vào chương trình mới, guồng quay mới.

Áp lực học hành trong chín tháng vừa qua chưa kịp vơi, lại tiếp tục đối diện với khối lượng kiến thức mới của việc “học trước chương trình”. Như một cỗ xe hoạt động liên tục không bao giờ ngơi nghỉ, thử hỏi bọn trẻ tìm đâu ra niềm vui trong học tập?

“Hè là gì hở cô?” - Khi con trẻ thốt ra câu hỏi ấy, hẳn là con đã mường tượng được câu trả lời về viễn cảnh mùa hè lại tiếp tục trôi qua trong áp lực học hành của mình. Sang năm lên lớp 9, đứng trước ngưỡng cửa thi tuyển sinh đầu cấp, chắc chắn áp lực học hành của con chỉ có thể ngày càng tăng thêm, làm sao dám mơ đến việc giảm áp lực học thêm.

Vậy là có một đứa trẻ không hề háo hức mong hè đến, bởi định nghĩa nghỉ hè của con là chuyển địa điểm học ở trường sang các lớp học thêm.

Có một đứa trẻ mãi mãi chẳng biết niềm vui ngẩng cổ dưới tán lá tìm bóng ve, mỏi mắt dõi theo cánh diều trên bầu trời lộng gió…

Có một đứa trẻ bị “cầm chân” trong các lớp học hè, mặc cho bên ngoài nắng vẫn rực rỡ, phượng vẫn thắm đỏ, ve vẫn ra rả gọi hè…

Có một đứa trẻ được bố mẹ tặng một “quả bom bọc đường” chỉ biết học, mọi thứ còn lại để bố mẹ lo lắng chu toàn…

Có một đứa trẻ “không bao giờ lớn” bởi không được chú trọng trui rèn về ý thức trách nhiệm, thái độ sống sẻ chia với người thân, kỹ năng tự chăm sóc bản thân…

Và đâu chỉ có riêng cậu học trò của tôi cắc cớ hỏi “Hè là gì hở cô?”…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!