Hè đến, lại thảng thốt lo tai nạn đuối nước

(Dân trí)-Đầu mùa nắng, chưa vào kỳ nghỉ hè chính thức nhưng hàng loạt vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra, cướp tính đi tính mạng học sinh. Trong khi đó, dù việc dạy bơi cho học sinh đã được quan tâm nhiều năm nay nhưng không ít trường chỉ có thể tổ chức học bơi…trên giấy.

“Cạm bẫy” ngày nắng nóng

Mới đây nhất, vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại huyện Gio Linh, Quảng Trị đã lấy đi tính mạng của 5 em nhỏ trong độ tuổi từ 6 đến 9 khi các em rủ nhau ra sông Hiếu tắm “giải nhiệt”. Trong đó, có 4 cháu bé là anh em họ.

Không khí tang thương bao trúm cả thị trấn Cửa Việt. Bố mẹ người thân của các cháu bé xấu số dường như vẫn chưa tin vào mất mát này vì các cháu đều không biết bơi, không ai nghĩ các cháu lại ra sông tắm khi không có người lớn.

Đầu mùa nắng, chưa vào kỳ nghỉ hè chính thức nhưng đã đếm không xuể những vụ đuối nước thương xảy ra khắp mọi vùng miền trong cả nước cướp đi tính mạng của nhiều học sinh (HS). Thời tiết nắng nóng, các em thường rủ nhau đi tắm, trong khi bản thân không biết bơi hay gặp những sự cố, nguy hiểm mà các em không lường trước được.

Ngày hè, cạm bẫy từ sông nước là mối nguy rất lớn đối với sự an toàn học trò. 
Ngày hè, "cạm bẫy" từ sông nước là mối nguy rất lớn đối với sự an toàn học trò.

Ngày 17/5, được nghỉ học vào thứ bảy, hai HS Trường tiểu học Đông Khê, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa rủ nhau đi tắm và bị chết đuối. Tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), hai em học sinh 13 tuổi bị chết đuối ở hầm đá - nơi rất nguy hiểm và bị bỏ hoang đã lâu - do các em rủ nhau ra đây vui chơi.

Chiều ngày 9/5, khi nhà trường thông báo HS được nghỉ để giáo viên chấm thi, một nhóm HS Trường THCS Lê Hồng Phong (Lâm Đồng) rủ nhau ra khu vực thác Liên Khương để chơi. Trong lúc vui đùa, hai HS rơi xuống thác sâu, nhanh chóng bị cuốn vào vùng nước xoáy dẫn đến thiệt mạng do đuối nước. Điều đáng nói, trước đó, cũng đã xảy ra trường hợp HS của trường bị chết đuối tại khu vực này. 

Theo thống kê mới nhất của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tỷ lệ tai nạn chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam rất cao, chiếm 22,6% (trong đó, trẻ dưới 15 tuổi là 70%), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông. So với các nước phát triển, tỷ lệ chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần.

Kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) cho thấy, trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ em bị chết đuối nước. Đặc biệt là trong những tháng nghỉ hè và những dịp nghỉ lễ, tỷ lệ chết đuối nước càng tăng cao.

Không chỉ chờ vào việc biết bơi

Nguy cơ đuối nước rình rập trẻ em ở khắp mọi năm khi hệ thống kênh rạch, sông ngòi của nước ta dày đặc. Nhất là về mùa hè, trời nắng nóng, các em được nghỉ học, tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi tự do. Nguyên nhân góp phần làm tỷ lệ đuối nước cao là thực tế, người lớn còn rất chủ quan trong việc phòng chống đuối nước cho trẻ. Bơi là kỹ năng cần thiết nhất để trẻ phòng tránh đuối nước nhưng hoạt động dạy bơi cho HS chưa thật sự hiệu quả.

Ngày hè, cạm bẫy từ sông nước là mối nguy rất lớn đối với sự an toàn học trò. 
Việc tổ chức học bơi ở trường học còn trăm bề khó, chưa giúp nhiều học sinh trang bị  được kỹ năng bơi lội. (Ảnh minh họa)

Từ năm 2010, ngành giáo dục đã triển khai thí điểm dạy bơi cho HS tiểu học để thực hiện phổ cập bơi lội. Vậy nhưng, việc tổ chức học bơi trong trường học không hề dễ dàng khi các trường không có hồ bơi, không có giáo viên phụ trách…

Như ở TPHCM, dạy bơi cho HS đã được quan tâm nhiều năm nay nhưng cái khó thì không dễ gỡ, không ít trường chỉ có thể tổ chức học bơi…trên giấy. Ngay cả những trường tổ chức học bơi được cho HS thì hiệu quả cũng không cao. Mang tiếng là học bơi nhưng có em học nhiều năm vẫn không biết bơi vì có khi cả tháng mới có một tiết học, mỗi tiết 30 phút chỉ như xuống nhúng nước rồi lên.

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, việc tổ chức môn bơi lội trong trường học còn rất nhiều khó khăn, không phải các trường muốn là thực hiện được. Thay vì chờ đợi, các gia đình nên chủ động cho con đi học bơi để trang bị cho các em kỹ năng sống còn này.

Để thực hiện việc dạy học bơi cho HS đòi hỏi một quá trình, không thể trong ngày một, ngày hai. Trong khi tai nạn đuối nước lại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Việc phòng tránh đuối nước không chỉ là việc học bơi mà điều quan trong hơn nữa là các em cần được chỉ dẫn vui chơi ở đâu, chơi thế nào để đảm bảo an toàn. Trước các mối nguy, bố mẹ lại thường cấm đoán trẻ, tin rằng mình kiểm soát, đảm bảo được an toàn cho con. Trong khi trẻ rất thích khám phá, hiếu động, không ai có thể kiểm soát trẻ được mọi lúc mọi nơi, chỉ một phút sơ sẩy đã có thể gặp tai nạn. 

Chuyên gia tâm lý giáo dục Đặng Thị Lan Hương cho hay, một trong những hạn chế lớn nhất của HS hiện nay là các em thiếu kỹ năng sống trầm trọng nên nguy cơ gặp tai nạn càng cao. Điều các em cần là được trang bị nội lực bản thân, được hướng dẫn để lường được các nguy hiểm có thể xảy ra với mình, với bạn bè trước các hoạt động để biết cách tránh hoặc sẽ chi tham gia khi đã có biện pháp an toàn cao nhất.

Hoài Nam