“Hậu trường” chuyện rèn học sinh cá biệt

Câu chuyện của thầy Nguyễn Đăng Hùng - Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) không chỉ là bài học quý giá trong công tác giáo dục nề nếp cho học sinh cá biệt mà còn thể hiện tình cảm của người thầy - người cha thực sự yêu thương học sinh.

Như mọi học sinh khác, các em học sinh cá biệt cũng là những học sinh của lớp; có trách nhiệm thực hiện tốt nội quy, quy định như đi học đúng giờ, phải mặc đồng phục đúng quy định của trường, khi đến trường dầu tóc gọn gàng, đi dép phải có quai hậu.

Tưởng những quy định đó làm theo thật đơn giản. Nhưng trên thực tế, các em có mọi cách để chống đối. Như mặc đồng phục của trường bên ngoài nhưng bên trong vẫn mặc áo "rất mốt" để có lý do cởi đồng phục ra khi nóng.

Hoặc, có những em mang theo đôi giầy yêu thích khác trong cặp để khi vào lớp có thể bỏ ngay dép quai hậu vào ngăn bàn. Các thầy cô giáo vào lớp không mấy ai lại đi xem từng đôi dép học sinh đang đi...

Với những trường hợp này, tôi phải được sự trợ giúp của một số học sinh tin cậy trong lớp, hay nghe các em "kháo nhau" mà biết được.

Thường khi đó tôi chưa thể tiến hành làm gì ngay mà yêu cầu học sinh ở lại gặp thầy cuối giờ.

Tôi tìm cách dẫn dắt dần câu chuyện đến đôi dép, được học sinh cho xem. Tôi khen đẹp, nhưng nói thêm nên dùng trong trường hợp nào thì phù hợp hơn, tốt hơn; khi đó, đôi dếp sẽ tôn vẻ đẹp của em lên rất nhiều lần.
 
“Hậu trường” chuyện rèn học sinh cá biệt

Giáo dục nề nếp cho học sinh không phải chỉ có ăn mặc, dép guốc mà còn nhiều vấn đề khác như giữ vệ sinh từng lớp chẳng hạn.

Hiện nay, trong trường có căng tin, nên làm sao để các em ăn phải có nơi có chốn, lớp học phải giữ sạch sẽ không gây ảnh hưởng đến tập thể lớp, ăn uống lịch sự rất cần thiết.

Rồi làm sao các em phải trật tự ghi chép, chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài, thầy cô nào cũng muốn vậy, nhưng học sinh đâu phải em nào cũng tuân theo.

Có những em vào giờ học lại xin phép giáo viên cho xuống phòng y tế hoặc xin về với đủ các lý do hợp lý.

Khi biết chuyện, tôi tìm cách giải quyết sao cho không ảnh hưởng đến giáo viên. Tôi phân tích cái thiệt nếu nghỉ giờ; sự việc vẫn tái diễn, tôi cho các em tự kiểm điểm có ý kiến của phụ huynh.

Nhưng có những em đợi đến giờ đi học mới bảo bố mẹ mình ký bản kiểm điểm, phụ huynh không nhìn rõ con mình vì sao bị kiểm điểm mà vẫn cứ ký.

Học sinh đó tiếp tục xin nghỉ giờ đi chơi, tôi bắt buộc phải mời phụ huynh đến làm việc.

Có học sinh ở lớp tôi chủ nhiệm, cứ ngày Rằm hay mùng Một là hay xin nghỉ. Tôi thấy lạ, theo dõi và biết được lý do em đi lễ chùa để bớt hạn.

Tôi đã đến tận gia đình gặp cha mẹ các em để cùng tìm biện pháp giáo dục.

Cũng có em rất ngoan song hoàn cảnh éo le nên ảnh hưởng đến việc học. Tôi đã động viên cả lớp quan tâm đến bạn đó nhiều hơn; động viên các bạn mua tặng em đó quần áo, bản thân tôi cũng giúp em đóng các khoản tiền ở trường...

Có học sinh hiền lành ít nói nhưng hay tủi thân. Gia đình em do buôn bán không thuận, dịp cháy chợ Đồng Xuân đã mất tất cả, bố mẹ vay tiền tín dụng đến ngày trả không có tiền nên ngôi nhà của em và gia đình không còn được phép sử dụng nữa, cả nhà phải đi ở nhờ.

Em này học bình thường nhưng ham học. Trong khi đó, vì điều kiện quá khó khăn nên khó có thể tiếp tục theo học. Trước tình hình đó, tôi đã giúp em đóng góp toàn bộ số tiền học ở trường.

Rồi, trong lớp tôi chủ nhiệm có em hay nói dối, hay gây sự với bạn bè, hay đưa chuyện gây mất đoàn kết.

Qua tìm hiểu, tôi đến gia đình em để nắm rõ hoàn cảnh gia đình, môi trường em sinh sống hàng ngày, từ đó kết hợp cùng gia đình thuyết phục.

Tất nhiên là phải qua nhiều lần phân tích học sinh đó mới nhận ra khuyết điểm và dần dần sửa được tính xấu.

Cũng có em rất hay khóc và có những lần em đó khóc liền 2 ngày làm gia đình em rất lo sợ. Thậm chí gia đình còn khẳng định con mình mắc bệnh “khóc”.

Ai lại mắc bệnh “khóc” bao giờ? Tôi nghĩ nhiều ngày và khẳng định không thể có bệnh đó mà có thể có uẩn khúc gì chăng?

Nghĩ vậy, tôi tìm hiểu thực tế, gần gũi em, khích động làm em ngày càng vui hơn, vững vàng hơn và hoà mình vào với tập thể. Quả thật, từ đó em đó đã ít khóc hơn.

Tôi cũng như nhiều giáo viên khác, khi nhận một lớp chủ nhiệm, có những em đã là đoàn viên, có nhiều em chưa là đoàn viên. Giúp đỡ các em vào Đoàn, không phải em nào cũng dễ dàng.

Bản thân tôi đã bỏ khá nhiều công sức và dùng nhiều biện pháp để giáo dục nhằm thay đổi cách suy nghĩ và lối sống của các em cho phù hợp với một học sinh. Cách làm là gần gũi, cảm thông, tâm sự, kể chuyện...

Các câu chuyện tôi kể có một phần thực, phần hư cấu sao cho gần với tính cách của học sinh đó. Qua nhiều lần và nhiều ngày, các em cũng nhận và sửa đổi.

Cũng có nhiều lớp, tôi chọn học sinh cá biệt làm lớp trưởng, tổ trưởng. Nhiều em trong số đó rất hoạt bát, năng động làm việc có trách nhiệm.

Khi cử em đó làm lớp trưởng, bao giờ tôi cũng hướng dẫn em cách làm, cách nói cách ứng xử trong các tình huống xảy ra...

Tôi luôn tạo ra điều kiện cho lớp trưởng làm việc và ủng hộ em về mọi phương diện, miễn sao em làm đúng, có lợi cho lớp, có lợi cho học sinh và thúc đẩy được phong trào của lớp.

Không ít học sinh cá biệt đã trở thành lớp trưởng gương mẫu về mọi mặt; được bạn bè kính nể. Em học sinh đó giờ đã trưởng thành và là một cô giáo dạy Toán rất chững chạc.

Theo Hải Bình
GD&TĐ