Hậu Giang: Không sử dụng tiền ăn của trẻ vào mục đích khác

(Dân trí) - Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang có yêu cầu các cơ sở mầm non thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tất cả các khoản thu đều phải được công khai tới 100% phụ huynh, cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường.

Trong hoạt động chuyên môn cấp học mầm non 2014- 2015, Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang yêu cầu các Phòng GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện nghiêm túc việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.

Các cơ sở giáo dục mầm non phải phân công giáo viên quản lý trẻ mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là quản lý trẻ trong các hoạt động ngoài lớp học và trẻ mới đi học. Đảm bảo an toàn cho trẻ cả về thể chất và tinh thần.

Việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ, các trường phải có phòng y tế, nhân viên y tế, có đủ trang thiết bị và cơ số thuốc tối thiểu theo quy định của y tế trường học. Thực hiện tổ chức khám sức khoẻ 2 lần/ năm học. Trong đó, chú ý quan tâm khám đủ các chuyên khoa như tai mũi họng, mắt, xét nghiệm giun (ở những nơi có điều kiện).

Cán bộ y tế phối hợp cùng y tế địa phương thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng và theo dõi tiêm chủng. Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong trường mầm non, giữ gìn môi trường sinh hoạt, dụng cụ ăn uống, đồ dùng, đồ chơi của trẻ sạch sẽ để phòng chống một số bệnh do virut gây ra, dễ lây lan và nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Các trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe, phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục mầm non bằng các nội dung, hình thức phong phú qua góc tuyên truyền, trao đổi phụ huynh hàng tháng.

Trẻ mầm non Hậu Giang trong một bữa ăn trưa. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Trẻ mầm non Hậu Giang trong một bữa ăn trưa. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Việc nuôi dưỡng trẻ phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bán trú thực hiện nghiêm túc việc ký kết hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm sạch, người có giấy phép kinh doanh theo quy định để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch. Thường xuyên kiểm tra, rà soát chất lượng, nguồn gốc, giá cả thực phẩm của các nhà cung ứng nhằm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đảm bảo chất lượng bữa ăn theo thiết kế khẩu phần đủ năng lượng, đủ chất và cân đối các chất dinh dưỡng. Đảm bảo khẩu phần ăn và chế độ ăn cho trẻ theo đúng độ tuổi. Xây dựng thực đơn ít nhất 2 thực đơn/tháng, chú trọng cải tiến các món ăn và phối hợp các món ăn trong ngày hợp lý. 

Bên cạnh đó, các trường cần có các biện pháp theo dõi và chăm sóc phục hồi trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng, trẻ thấp còi, béo phì phù hợp.

Đặc biệt, Sở GD-ĐT tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tất cả các khoản thu đều phải được công khai tới 100% phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Thanh toán các khoản thu chi của trẻ dứt điểm với phụ huynh theo từng tháng. Tuyệt đối không sử dụng tiền ăn của trẻ vào mục đích khác.

Huỳnh Hải