Hành trình đến với Trường Sa của nữ sinh Tây Nguyên khi vừa tròn 16 tuổi

(Dân trí) - “Đến với Trường Sa, em cảm thấy hai tiếng Việt Nam thiêng liêng đến nhường nào. Đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió, sống cuộc sống mà cán bộ, chiến sĩ ở đây đang sống, em càng cảm thấy yêu quê hương, đất nước mình hơn”.

Trần Thị Ngọc Huế, học sinh lớp 11B3, Trường THPT Đắk Song (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ về những kỷ niệm quý giá trong những ngày được ra Trường Sa. Tháng 5/2019, Huế là thành viên nhỏ tuổi nhất trên chuyến tàu “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2019” của tỉnh Đắk Nông.

Hành trình đến với Trường Sa của nữ sinh Tây Nguyên khi vừa tròn 16 tuổi - 1

Em Trần Thị Ngọc Huế chụp ảnh cùng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa.

Ngôi nhà của gia đình em Trần Thị Ngọc Huế, nằm ở cuối thôn 2, xã Nam Bình, Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Hằng ngày đến trường, Huế phải vượt qua hơn 5 km đường đất lầy lội khi mưa, còn nắng thì bụi mù.

Thấy cuộc sống mưu sinh vất vả của bố mẹ, Huế luôn nỗ lực học tập, lấy kết quả học tập làm món quà động viên tinh thần mẹ. Vì thế từ lớp 1 đến nay, năm nào Huế cũng là học sinh giỏi toàn diện.

Thế nhưng, ít người biết rằng, nữ sinh trường huyện ấy, không những chăm học, mà còn say mê tìm hiểu về lịch sử, địa lý, văn hóa và đặc biệt là biển, đảo quê hương Việt Nam.

Nhờ tình yêu với biển đảo, am hiểu rộng về các kiến thức xã hội, Huế trở thành người trẻ tuổi nhất của tỉnh Đắk Nông được đặt chân lên quần đảo Trường Sa, mang lại niềm tự hào không chỉ cho bản thân, gia đình mà cho cả ngôi trường em đang theo học.

Hành trình đến với Trường Sa của nữ sinh Tây Nguyên khi vừa tròn 16 tuổi - 2

Nữ sinh Tây Nguyên có tình yêu đặc biệt với biển đảo Tổ quốc.

Huế kể, em sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, ít khi được ra biển, nhưng qua những bài học trên lớp, đọc sách báo, xem trên phương tiện truyền thông hay phim ảnh nói về biển, đảo, em đã được cung cấp nhiều kiến thức bổ ích. Quan trọng hơn là em có niềm đam mê tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam.

Tháng 9/2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam". Cuộc thi kéo dài trong nhiều tháng với 3 vòng thi, Huế đã xuất sắc vượt qua hàng ngàn học sinh khối THPT trên toàn tỉnh để giành giải Nhất. Ngoài việc được tuyên dương, Huế còn nhận được một phần thưởng hết sức cao quý là một chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Đối với Huế, chuyến đi Trường Sa giống như một giấc mơ có thật. Em kể rằng, chuyến đi dài 9 ngày, khởi hành vào tháng 5/2019. Chuyến tàu vượt qua 250 hải lí đưa em cùng đoàn công tác của tỉnh Đắk Nông đến thăm đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa.

Sau đó, em tiếp tục được thăm lần lượt các đảo khác như Đá Nam, Đá Thị, Len Đao, Đá Đông A, Trường Sa Đông, Đá Tây C, Trường Sa Lớn và cuối cùng là nhà giàn DK1/12 (bãi Tư Chính).

Hành trình đến với Trường Sa của nữ sinh Tây Nguyên khi vừa tròn 16 tuổi - 3

Được đến Trường Sa là giấc mơ có thực đối với Huế.

"Đến thăm các đảo, mọi thứ khác xa so với tưởng tượng của em. Điều kiện sinh sống khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nhưng các chiến sĩ, người dân trên đảo ai cũng lạc quan, hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Chứng kiến những người đang làm việc và sinh sống nơi đầu sóng ngọn gió ấy, càng em cảm thấy tự hào về thành quà mà mình đạt được, và cũng khiến em thêm yêu đất nước, biển đảo quê hương mình”, Huế xúc động.

Kể về những ngày tháng tham quan các đảo, Huế chia sẻ em rất ấn tượng với các đảo nổi vì trông chúng chẳng khác gì những ốc đảo xanh giữa biển cả. Đảo được phủ xanh bởi rất nhiều cây bàng vuông, cây phong ba. cây tra, muống biển...

Trên một số đảo, còn có đài tưởng niệm, chùa, trường học và những ngôi nhà của người dân, chẳng khác nào cuộc sống trên đất liền.

“Ngoài thời gian đi chung đoàn, chúng em còn tách thành từng nhóm nhỏ để tìm hiểu cuộc sống của chiến sĩ, người dân đang sinh sống trên đảo.

Em hiểu một phần nào đó những khó khăn nơi đây, nhưng đó là những cống hiến, những hy sinh cao cả để gìn giữ một phần máu thịt của đất nước”, Huế nói.

Hành trình đến với Trường Sa của nữ sinh Tây Nguyên khi vừa tròn 16 tuổi - 4

Trong thời gian tại Trường Sa, Huế được đi nhiều nơi, trò chuyện với nhiều chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây.

Chia sẻ thêm về cuộc sống của mọi người tại quần đảo Trường Sa, Huế cho biết, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo có đầy đủ những tiện nghi sinh hoạt cần thiết như sóng điện thoại, ti vi, điện... Đi vào dãy nhà của các hộ dân cư trên đảo, em cảm nhận rõ sự thân thiện, gần gũi, yên bình giống như những làng quê trong đất liền.

“Trong đoàn, em là thành viên nhỏ tuổi nhất. Khi chuẩn bị đi, ai cũng lo lắng sợ sức khỏe của em không đảm bảo, nhất là phải di chuyển bằng tàu ra đó.

Thế nhưng, việc được hiện thực hóa giấc mơ, được đặt chân lên quần đảo Trường Sa, để được gặp gỡ những người đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió đã khích lệ em, giúp em hoàn thành tốt chuyến đi”, Huế nói.

Trở về từ chuyến đi Trường Sa, Huế viết: "Một chuyến hải trình không chỉ cho em nhiều kiến thức bổ ích, một cái nhìn trực quan, một trải nghiệm thú vị mà còn là một kỷ niệm không thể nào quên trong đời.

Một lần được đến thăm, gặp gặp gỡ những con người đang cống hiến nhiệt huyết, thanh xuân để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông đã mang lại cho em những kỉ niệm, những bài học để làm hành trang bước vào đời".

Hành trình đến với Trường Sa của nữ sinh Tây Nguyên khi vừa tròn 16 tuổi - 5

Ngọc Huế có tình yêu đặc biệt và kiến thức sâu rộng về biển đảo quê hương.

Thầy Trần Bảo Ngọc - Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường THPT Đắk Song cho biết, Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các đoàn viên, thanh niên, cũng như tất cả học sinh về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Những thành công mà Trần Thị Ngọc Huế đạt được đã chứng tỏ em có tình yêu đặc biệt và kiến thức sâu rộng về biển đảo quê hương.

“Trước thành tích mà Huế đạt được, cũng như xem xét tư tưởng, đạo đức của em, chi bộ nhà trường đã dự kiến giới thiệu em đi học lớp cảm tình Đảng.

Việc làm này góp phần tôi luyện, củng cố niềm tin cho thế hệ trẻ và tạo bước đệm về mặt tư tưởng, chính trị để khi vào đại học, các em có thể thực hiện tiếp”, thầy Ngọc khẳng định.

Dương Phong

Ảnh: Nhân vật cung cấp