An Giang:

Hàng trăm học sinh Việt Kiều vẫn lắc lư qua sông học chữ bằng xuồng nhỏ

(Dân trí) - Trước mối hiểm nguy đang trực chờ hàng trăm em học sinh Việt Kiều sang sông Khánh An học tiếng mẹ đẻ, lãnh đạo huyện An Phú (tỉnh An Giang) nhiều lần đối thoại với nước Cam-pu-chia nhưng đến nay chưa có giải pháp. Các cháu vẫn phải liều mình qua sông trên những chiếc xuồng nhỏ tìm chữ.

Trở lại xã Khánh An (huyện An Phú) lần này, chúng tôi thấy vui mừng khi số học sinh Việt Kiều (cha mẹ người Việt Nam nhưng đang định cư và mang quốc tịch Cam-pu-chia. Để các cháu sang Việt Nam học, cha mẹ nhờ người thân ở Việt Nam làm giấy khai sinh cho các cháu - PV) đang theo học tại Trường tiểu học A Khánh An đã đến lớp 100%, nâng tổng số học sinh tại trường lên 710 HS.

Ông Võ Hoàng Lâm - Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện An Phú cho biết: Đầu năm học số học sinh Việt Kiều trường tiểu học A Khánh An chỉ đến trường 70%. Nguyên nhân là do thời gian này chính quyền nước bạn Cam-pu-chia đột ngột ngăn cấm các chuyến đò ngang mà dân mình và dân Cam-pu-chia hoạt động lâu nay. Chính quyền nước bạn buộc tất cả người dân qua lại giữa hai nước bằng đường cửa khẩu, không cho đi theo lói mòn, đường nhỏ như trước đây. Chính vì điều này, nhiều em học sinh ở xa cửa khẩu, cha mẹ bận đi làm khó lòng đến trường nhưng qua sự vận động của ban giám hiệu, thầy cô và đại diện Hội phụ huynh học sinh các em học sinh đã đến lớp 100%.

Mặc cho dòng nước chảy cuồn cuộn, các em học sinh Việt Kiều vẫn xuống đò qua sông. Nếu ý thức mặc áo phao, trang bị dụng cụ nổi chưa được chính quyền ngành giáo dục quan tâm đúng mức thì đây là mối nguy hiểm luôn chực chờ cho các em mỗi khi qua sông tìm chữ.
Mặc cho dòng nước chảy cuồn cuộn, các em học sinh Việt Kiều vẫn xuống đò qua sông. Nếu ý thức mặc áo phao, trang bị dụng cụ nổi chưa được chính quyền ngành giáo dục quan tâm đúng mức thì đây là mối nguy hiểm luôn chực chờ cho các em mỗi khi qua sông tìm chữ.

Số học sinh Việt Kiều đến lớp đông đủ là một niềm vui, tuy nhiên khi PV đến các bến đò tự phát “mọc lên” sau khi có lệnh cấm các bến đò lớn trước đây chứng kiến các hàng chục em học sinh hồn nhiên xuống đò qua sông mà không cháu nào mặc áo phao… Chúng tôi thấy lo vô cùng, nhất là khi mực nước lũ đang dâng cao, dòng nước đang chảy cuồn cuộn.

Ông Lâm cũng bày tỏ nổi lo khi hàng ngày vẫn còn hàng trăm em học sinh phải liều mình qua sông Khánh An học chữ. Ông Lâm nói: Lãnh đạo huyện An Phú, Phòng Giáo dục cũng có nhiều buổi đối thoại với lãnh đạo huyện KosThum (tỉnh Kandal - Cam-pu-chia) nhưng đến nay họ vẫn giữ nguyên quan điểm, buộc tất cả người dân qua lại bằng đường cửa khẩu. Từ đó, nhiều gia đình các em học sinh ở xa cửa khẩu đành liều dùng xuồng nhỏ chở con qua sông hoặc để các cháu tự đi đò đến trường.

Nhiều phụ huynh không an tâm cho con đi đò ngang nên dùng xuồng nhỏ, trang bị áo pháo rồi đưa các đón các cháu qua sông mỗi ngày.
Nhiều phụ huynh không an tâm cho con đi đò ngang nên dùng xuồng nhỏ, trang bị áo pháo rồi đưa các đón các cháu qua sông mỗi ngày.

Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra khi chưa có giải pháp căn cơ cho việc hàng trăm học sinh Việt Kiều sang sông học tiếng mẹ đẻ, Phòng Giáo dục kết hợp với các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền ý thức mặc áo phao đến phụ huynh và học sinh. Đề nghị chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra các bến đò, buộc các chủ đò trang bị áo phao, dụng cụ nổi. Riêng các trường học, tăng cường dạy thêm cho các em học sinh kỹ năng phòng chống đuối nước trong các giờ ngoại khóa…

Được biết, tháng 11 tới đây, tất cả các trường tiểu học trên địa bàn huyện An Phú sẽ bắt đầu dạy bơi cho các em học sinh chưa biết bơi. Do cơ sở (hồ bơi) chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên Phòng Giáo dục tổ chức 2 địa điểm học bơi: một điểm ở xã Quốc Thái và một điểm ở thị trấn An Phú. Việc đưa các em học sinh đi học bơi nhà trường sẽ phối hợp với các phụ huynh trong việc đưa đón và quản lý các em học sinh.

Nguyễn Hành