Hàng nghìn giảng viên, cán bộ Học viện Công nghệ Bưu chính không đồng ý về Viettel

(Dân trí) - Trước đề nghị chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông từ Bộ Thông tin và Truyền thông về Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), hàng nghìn giảng viên, cán bộ Học viện đã họp và thống nhất: Không đồng ý chuyển.

Đề xuất chuyển nguyên trạng Học viện công nghệ Bưu
chính viễn thông về Viettel

Đề xuất chuyển nguyên trạng Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông về Viettel

Ngày 25/4, Bộ Quốc phòng đã gửi tờ trình số 3346/TTr-BQP đề nghị chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (CNBCVT) từ Bộ TT-TT về Viettel. Theo đó, Viettel sẽ tiếp nhận đầy đủ, trong đó gồm cả các quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với sinh viên, khách hàng, đối tác (nếu có) của Học viện.

Tại tờ trình, Bộ Quốc phòng nêu rõ sự cần thiết điều chuyển nguyên trạng Học viện CNBCVT về Viettel như sau: Thứ nhất là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Thứ hai, thực tế hiện nay, nhu cầu về nguồn lực cho nhiệm vụ nghiên cứu của Viettel đang rất cấp bách vì Viettel đang đầu tư rất mạnh vào nghiên cứu phát triển.

Theo lý giải của Bộ Quốc phòng, Viettel có thể giúp các trường, học viện, viện nghiên cứu nhanh chóng chuyển sang hoạt động theo mô hình DN; đầu tư cho cơ sở vật chất của trường, viện, học viện. Thậm chí Viettel có thể thay đổi cơ chế để tuyển được các giáo viên giỏi trên toàn cầu, có đầu ra cho đào tạo vì nhu cầu nội bộ mỗi năm của Viettel cần tuyển dụng 4.000-5.000 kỹ sư, chưa tính đến nhu cầu của thị trường ngoài Viettel; có thể đưa nhân viên Tập đoàn này từ 10 nước trên thế giới về học tập, đào tạo...

Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, Học viện phù hợp và đáp ứng với nhu cầu hiện tại của Viettel… việc tiếp nhận Học viện sẽ tạo thuận lợi, chủ động cho Viettel trong việc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết: Trước ý kiến về việc chuyển Học viện CNBCVT về Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện đã họp hội nghị mở rộng và Hội nghị cán bộ chủ chốt (gồm Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban giám đốc, Ban Chấp hành Công đoàn, đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trưởng/Phó và Chủ tịch Công đoàn các đơn vị có con dấu trực thuộc Học viện, Trưởng/Phó các Khoa, Phòng, Ban, Trung tâm chức năng của Học viện) để nghiên cứu về đề xuất của Bộ Quốc phòng. Trên cơ sở nghiên cứu nghiêm túc, 100% đại biểu tham dự đã thống nhất: Không đồng ý việc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chuyển về Tập đoàn Viễn thông Quân đội.

Mô hình trường đại học công lập trực thuộc doanh nghiệp nhà nước không còn phù hợp

Giải trình về quyết định trên, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết: “Việc Học viện quay trở lại là đơn vị sự nghiệp (trường đại học) trực thuộc doanh nghiệp là không phù hợp với thực tiễn hiện nay, bởi vì: Trên thực tế, khi mới được thành lập, vai trò, vị thế của một trường đại học (Học viện) nằm trong doanh nghiệp có thể phù hợp với giai đoạn hình thành và phát triển do được đầu tư, hỗ trợ theo các cơ chế thông thoáng hơn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mô hình này đã bộc lộ những hạn chế, Học viện sẽ khó tiếp tục phát triển, vươn lên tầm cao hơn trong nghiên cứu, giáo dục đại học.

Khi một trường đại học (Học viện) trực thuộc doanh nghiệp, trường đại học sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mục đích, quan điểm về hiệu quả sản xuất kinh doanh và các thay đổi chính sách của doanh nghiệp, nên dễ bị tác động, làm xa rời tôn chỉ mục đích của trường đại học vốn có tính chất xã hội và lâu dài hơn.

Ông Vũ Văn San, Phó Giám đốc Học viện cho biết: “Khi trường đại học (Học viện) trực thuộc doanh nghiệp, cơ hội và khả năng thu hút các nguồn lực từ bên ngoài doanh nghiệp chủ quản của trường đại học là rất hạn chế so với các trường công lập khác. Mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động sẽ bị quản trị bởi doanh nghiệp, sẽ khó phù hợp với mô hình quản trị và các quy chế, quy định có liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo như các trường đại học nói chung, dẫn tới mô hình tổ chức của Học viện không được mềm dẻo, không được đa dạng để qua đó có thể phân công hợp lý các chức năng nhiệm vụ của một Trường đại học theo các loại hình tổ chức tương ứng.

Trên thế giới và thực tế Việt Nam cho thấy không có (hoặc rất ít có) các tổ chức giáo dục đại học nào do một doanh nghiệp lớn trực tiếp quản trị, điều hành chi phối hoạt động: thông thường các doanh nghiệp chỉ tham gia đóng góp, tài trợ và hỗ trợ các trường đại học và cơ sở nghiên cứu.

Tại Việt Nam cho đến nay, hầu như không còn có trường đại học công lập trực thuộc doanh nghiệp nhà nước. Do đó, mô hình trường đại học công lập trực thuộc doanh nghiệp nhà nước hiện đã không còn phù hợp với điều kiện của giáo dục đại học ở Việt Nam”.

Theo ông San, việc Học viện tiếp tục triển khai các Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 878/QĐ-BTTTT ngày 27/6/2014 của Bộ trưởng Bộ TT&TT và tiếp tục là Trường đại học công lập trực thuộc Bộ TT&TT là phù hợp, Học viện sẽ có điều kiện mở rộng hoạt động, hợp tác quốc tế và đóng góp công sức, khả năng của Học viện nhiều hơn cho đất nước và cho xã hội thay vì chỉ nằm trực thuộc trong một doanh nghiệp.


Trước đó trong quá trình tái cơ cấu Tập đoàn VNPT, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có các Quyết định điều chuyển Học viện từ Tập đoàn VNPT về trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông kể từ ngày 01/7/2014. Các Quyết định này đã được tập thể cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên Học viện vui mừng đón nhận và tin tưởng vào sự tạo điều kiện của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông cho sự đổi mới và phát triển ổn định của Học viện.

Tha thiết xin ở lại Bộ Thông tin và Truyền thông

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ, Lãnh đạo và các đoàn thể cũng như toàn thể cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên của Học viện không đồng ý với đề xuất Học viện chuyển về Tập đoàn Viễn thông Quân đội và thiết tha đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, Ngành liên quan quan tâm, xem xét để Học viện được tiếp tục là trường đại học công lập, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông như hiện nay.

Ông San cho rằng: “Việc Học viện chuyển về Tập đoàn Viễn thông Quân đội không phù hợp với tâm tư, tình cảm và nguyện vọng chính đáng của tập thể Cán bộ, giảng viên, và các thế hệ học sinh, sinh viên của Học viện. Bởi, trên 60 năm hình thành và phát triển, Học viện có được sự phát triển như hôm nay, chính là nhờ sự gắn bó, đầu tư các nguồn lực (con người, kinh phí, chính sách) của ngành Bưu điện, của Tập đoàn VNPT và Bộ Bưu chính Viễn thông (trước đây), Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay. Do đó, tập thể Cán bộ, giảng viên và các thế hệ học sinh, sinh viên Học viện đã luôn có bề dày lịch sử gắn bó tình cảm trong hoạt động học tập, công tác với ngành Bưu điện, với Tập đoàn VNPT, và với ngành Thông tin và truyền thông của đất nước.

Đặc biệt, đối với trên 20.000 học sinh, sinh viên đang theo học tại Học viện, nếu Học viện chuyển về Tập đoàn Viễn thông Quân đội sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm tư, tình cảm của học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh. Vì ngay từ đầu nếu muốn các gia đình, các bậc phụ huynh đã cho con em học được thi, được học tại các trường trong lực lượng vũ trang”.

Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có công văn gửi Bộ TT-TT cùng 4 cơ quan bộ khác gồm Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội có ý kiến về đề nghị này của Bộ Quốc phòng.

Đây được coi là cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. VPCP đề nghị 5 cơ quan bộ kể trên gửi ý kiến về VPCP trước ngày 12/5/2015.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ (VPCP) đề nghị Học viện CNBCVT tiếp tục là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ TT-TT. Trong công văn này Bộ TT-TT đã nêu rõ lý do khẳng định việc chuyển Học viện từ Tập đoàn VNPT về Bộ TT-TT là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 888 phê duyệt Đề án Tái cấu trúc VNPT. Việc điều chuyển này (nếu có) sẽ gây ra những bất cập, như sẽ xảy ra thiếu hụt cơ sở đào tạo cho các DN trong ngành như VNPT, MobiFone...

Hồng Hạnh