Thanh Hóa:

Hàng loạt ngôi trường khang trang bỏ không nơi đất nghèo

(Dân trí) - Hàng loạt trường được xây dựng lên nhưng chỉ học được vài năm rồi bỏ không hoặc chuyển đổi sang mục đích khác. Đó là thực trạng đang diễn ra tại huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa (một trong 7 huyện nghèo của tỉnh này).

Trong khi chúng ta đang thực hiện việc tiết kiệm như một phong trào thì việc đầu tư, sử dụng các nguồn vốn không hợp lý cũng như không có hiệu quả lại chính là sự lãng phí cho nơi được đầu tư.

Sở dĩ nói vậy là bởi có không ít công trình được đầu tư bằng nguồn vốn thuộc chương trình 135, dự án hỗ trợ xây trường mầm non của Canada... tại huyện Như Xuân (Thanh Hóa) với mức đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng lại chỉ sử dụng được vài ba năm rồi bỏ không hoặc chuyển đổi sang mục đích khác.

Cách trung tâm huyện không xa, tại xã Bình Lương (huyện Như Xuân) hiện có tới 3 cơ sở trường học được xây dựng lên nhưng học sinh chỉ học được vài năm đã bỏ không.

Cụ thể tại làng Lườn có 1 trường mầm non và một trường tiểu học gồm 3 phòng, tại làng Gió có một trường tiểu học với 3 phòng học. Ngôi trường mầm non tại làng Lườn được dự án của Canada hỗ trợ 45 triệu đồng, còn lại là nhân dân đóng góp còn riêng hai khu trường tiểu học thì được đầu tư với tổng kinh phí khoảng trên 200 triệu/trường. Tất cả các cơ sở trường học này đều được đưa vào sử dụng từ năm 2004 - 2005, tuy nhiên không được bao lâu sau đó, các ngôi trường này không còn sử dụng vào mục đích giáo dục nữa mà để không hoặc chuyển sang mục đích khác.

Những bộ bàn ghế khang trang bỏ không đã nhiều năm.
Những bộ bàn ghế khang trang bỏ không đã nhiều năm.

Những ngôi trường không có học sinh đến học này đã được huyện bàn giao lại cho xã quản lý. Hiện ngôi trường mầm non ở làng Lườn đã được thôn sử dụng làm nhà văn hóa, trường tiểu học thì được xã cho các công chức ở xa đến ở còn khu trường học ở làng Gió hiện được làm nhà kho.

Theo ghi nhận của PV thì hiện những ngôi trường trên vào loại kiên cố và khang trang, những bộ bàn ghế mới tinh không một vệt xước như chưa hề sử dụng nằm “chết yểu” theo tháng năm. Một số phòng học được xếp chồng chất bàn ghế lại để dùng không gian làm nhà kho chứa đồ...

Một số người dân sống cạnh khu trường tiểu học của làng Lườn cho biết: Trước chưa có cán bộ xã đến ở, khu này cỏ mọc um tùm, người ta còn dùng làm nơi để xe tang, nơi thả trâu bò.

Những phòng học kiên cố xây lên rồi để đó.
Những phòng học kiên cố xây lên rồi để đó.

Điều đáng ngạc nhiên là ngôi trường tiểu học làng Lườn cách khu trung tâm chỉ hơn 1km thế nhưng không hiểu vì lý do gì sau khi khảo sát ngôi trường ở điểm lẻ này vẫn được xây dựng lên.

Lý giải cho tình trạng trên, ông Đinh Tấn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Bình Lương cho biết: “Những phản ánh của các anh là đúng thực tế tại địa phương chúng tôi. Việc các trường học tại khu lẻ đang bỏ không là vì không có học sinh học, trước đây khảo sát thấy có nhu cầu nên được đầu tư thế nhưng vài năm sau thì không có học sinh nên xảy ra tình cảnh trên. Sau khi không có học sinh học, huyện đã giao cho xã quản lý và trông coi”.

Trao đổi với PV, ông Lê Nhân Trí - Phó Phòng GD-ĐT huyện Như Xuân phân trần: “Việc những ngôi trường xây theo dự án xong chỉ học được vài năm rồi bỏ vì không có đủ học sinh, những năm gần đây học sinh giảm nên chúng tôi lại cho dồn lại. Thời gian khảo sát cho đến khi xây dựng lên có sự biến động về đường sá, số học sinh thì co lại”.

Khi chúng tôi thắc mắc việc từ làng Lườn ra khu trung tâm chỉ cách hơn 1 km nhưng vẫn được xây trường thì ông Trí cho hay: “Con đường từ làng Lườn ra trung tâm cũng chỉ mới được xây thôi nên mặc dù chỉ hơn 1km thì ở làng Lườn vẫn nằm trong tiêu chuẩn được xây dựng trường”.

“Ngay sau khi không có học sinh đến học, huyện đã bàn giao lại cho xã để xã trông coi, quản lý cho đến khi nào học sinh tăng lên mà cần đến lớp học thì sẽ tiếp tục lấy lại để làm trường học” - ông Trí nói.

Xây trường học bằng nguồn vốn Chính phủ để làm... nhà kho.
Xây trường học bằng nguồn vốn Chính phủ để làm... nhà kho.

Tuy nhiên điều đáng nói là việc bàn giao này giữa huyện và xã thì theo ông Trí lại không hề có một công văn nào. Ông Trí cho rằng có bản cam kết đảm bảo việc bảo vệ tài sản nhưng khi yêu cầu được cung cấp thì ông Trí cũng  “lập lờ” không cung cấp.

Cũng theo ông Trí thì hiện trên địa bàn Như Xuân không chỉ ở xã Bình Lương mà còn một số xã khác cũng xảy ra trường hợp tương tự. Vị Phó Phòng GD này hứa sẽ thống kê con số cụ thể rồi sẽ thông tin một ngày sau đó thế nhưng sau hai ngày, PV đã chủ động liên lạc nhưng vị này không nghe máy.

Một nghịch cảnh khiến chúng ta không khỏi xót xa khi đây lại là những công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn kinh phí của Chính phủ và là mộttrong bảy huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa. Việc đầu tư kinh phí cũng không hề nhỏ. Thế nhưng chúng lại trở nên vô cùng lãng phí. Thực tế này phần nào nói lên tình trạng làm theo kiểu “chạy” theo dự án, chương trình đầu tư của Nhà nước mặc cho nó có hợp lý, hiệu quả hay không.

Nguyễn Thùy