Hai học trò Việt chia sẻ về GS Nhật đoạt giải Nobel Y học 2018

GS. Tạ Thành Văn, PGS. Trần Huy Thịnh là hai học trò Việt Nam của GS. Tasuku Honjo, khoa Y, trường ĐH Kyoto Nhật Bản. Khi biết tin GS. Honjo đạt giải thưởng Nobel về Sinh học hai anh không giấu nổi cảm xúc vui mừng.

Không những thế, công trình mà GS. Honjo được trao giải thưởng Nobel năm nay cũng đang được hai anh ứng dụng để điều trị ung thư tại bệnh viện ĐH Y Hà Nội từ năm 2017.


PGS Trần Huy Thịnh (thứ 2 từ phải sang) và GS Tạ Thành Văn (thứ 2 từ trái sang) cùng GS Honjo (giữa). Ảnh nhân vật cung cấp.

PGS Trần Huy Thịnh (thứ 2 từ phải sang) và GS Tạ Thành Văn (thứ 2 từ trái sang) cùng GS Honjo (giữa). Ảnh nhân vật cung cấp.

Áp lực khủng khiếp trong phòng thí nghiệm

GS. Tạ Thành Văn kể về lý do vì sao cách đây 17 năm, anh từ bỏ Mỹ để trở về Nhật làm sau tiến sĩ. Anh cho biết, sau gần hai năm làm sau tiến sĩ trên đất Mỹ, anh có nguyện vọng hoặc là quay lại Nhật (GS. Văn đã làm tiến sĩ tại Nhật) hoặc là tìm một phòng thí nghiệm nào đó nổi tiến để mình theo đuổi. Biết được GS. Honjo qua rất nhiều công trình đăng trên tạp chí hàng đầu thế giới với những phát minh có tính chất đột phá nên anh đã gửi thư cho GS bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia nhóm nghiên cứu của ông.

Sau nhiều lần trao đổi qua email, GS đã chấp nhận đề nghị, đồng ý để anh về làm việc tại phòng thí nghiệm của ông từ tháng 4/2001. Anh vẫn còn nhớ, trước đó, cuối năm 2000, tại một hội nghị quốc tế về tế bào ở Sanfrancisco, anh đến gian hàng có treo poster của các nhà khoa học Nhật Bản. Trao đổi với các nhà khoa học Nhật Bản, anh bày tỏ mong muốn là sẽ quay lại Nhật Bản và được làm việc tại phòng thí nghiệm của GS. Honjo. Họ tròn mắt ngạc nhiên và hỏi lại liệu anh đã suy nghĩ kỹ chưa?.

“Ngày đó tôi chưa hiểu tại sao các nhà khoa học, đồng nghiệp của GS Honjo ở Nhật Bản lại hỏi như vậy. Sau này, khi làm tại phòng thí nghiệm của giáo sư Honjo tôi mới có được câu trả lời. Đây là một phòng thí nghiệm làm việc rất vất vả, kỷ luật cao, với tinh thần công việc là trên hết” – GS. Tạ Thành Văn tâm sự.

Trong phòng thí nghiệm của GS Honjo ngày đó có khoảng hơn 30 người gồm nghiên cứu sinh và nghiên cứu viên sau tiến sĩ. Mỗi tuần, họp một lần. Từng thành viên trong khoảng hơn 30 người phải báo cáo kết quả nghiên cứu thu được trong 1 tuần đó. Cứ hình dung nếu có một ai đó, một tuần không ra được kết quả mới trong khi mọi người đều có thì áp lực như thế nào. Các anh chạy đua với nhau, chạy đua với các nhóm nghiên cứu khác trên thế giới làm chung một lĩnh vực. Vì chỉ cần công bố muộn, phía bên bạn công bố trước là bỗng nhiên thành tay trắng.

“Tôi nhớ mãi một cô bạn đồng nghiệp làm sau tiến sĩ Nhật Bản, sau 3 tháng cô làm việc ngày đêm quên cả ăn uống nhưng không ra được kết quả mới, cuối cùng do chịu áp lực quá lớn cô đã tự viết đơn xin thôi việc. Bản thân tôi nhiều khi cũng không ra được kết quả mới, đêm cũng đi lang thang dọc bờ sông Kamogawa (sông con Vịt) ở Kyoto với một tâm trạng khó tả. “Chỉ những ai đã từng làm việc ở Nhật thì mới hiểu được tâm trạng đó” – GS. Tạ Thành Văn chia sẻ.

Sau gần ba năm nỗ lực nghiên cứu, cuối cùng GS. Tạ Thành Văn cũng đã có một bài báo đăng trên tạp chí Nature Immunology nổi tiếng thế giới về cơ chế hoạt động của 1 gen mới mã hoá enzym (AID: Activation-Induced cytidine Deaminase)n có vai trò then chốt trong quá trình chuyển dạng kháng thể có ứng dụng quan trọng trong bệnh sinh các bệnh suy giảm miễn dịch và ung thư. Đăng xong bài báo này, GS. Văn xin về nước. Điều này khiến giáo sư Honjo và các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm bất ngờ.

Vì theo thường lệ, anh sẽ có một vị trí tốt ở trung tâm nghiên cứu nào đó hoặc sẽ được các công ty mời chào. Nhưng anh đã ra đi 10 năm, đã đến lúc thấy cần phải trở về. Khi quyết định về nước, GS gọi riêng anh vào phòng và khuyên: Khi về nước nên tham dự các hội nghị khoa học ở Việt Nam với hai mục đích: anh đã đi quá lâu, cần phải biết nhu cầu nghiên cứu ở trong nước thế nào. Thứ hai phải cho giới khoa học trong nước biết anh có thể làm được gì”.

Không những thế, GS. Honjo còn khuyên anh nên thành lập một nhóm nghiên cứu và ông hứa sẽ đào tạo giúp. Ngay sau khi về nước, GS. Văn đã giới thiệu bác sĩ Trần Huy Thịnh đi và anh Thịnh trở thành một trong những học trò xuất sắc của GS. Honjo với 2 bài báo khoa học công bố trên những tạp chí nổi tiếng nhất thế giới, đóng góp một phần nhỏ bé vào công trình đạt giải Nobel của GS Honjo năm nay.

Làm việc 24h không nghỉ

Còn theo PGS. Trần Huy Thịnh, mọi người vẫn có câu nói vui: Nếu đã tồn tại được ở Nhật thì có thể tồn tại được ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Nếu như đã tồn tại được phòng thí nghiệm Honjo thì có thể tồn tại được ở bất cứ phòng nghiên cứu nào trên đất nước Nhật. Bước chân ra khỏi Việt Nam áp lực rất lớn đối với anh. Vì hướng nghiên cứu sinh học phân tử với Việt Nam mới chỉ như bài học vỡ lòng. Sang Nhật lại là phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới nghiên cứu sinh học phân tử về Gene nên càng áp lực. Lúc đi, PGS. Thịnh chỉ mong muốn một điều cố gắng làm hết sức mình để không phụ lòng công sức thầy cô và GS Văn đã tiếp bước cho mình.

Công việc của anh ở phòng thí nghiệm tùy từng thời điểm mà vất vả hay không. Nhưng anh có kỷ lục làm việc 24h không nghỉ. Trong 24h này chỉ có ăn một bát mì vào buổi trưa, buổi chiều ăn vài chiếc bánh gạo trong lúc tranh thủ thời gian nghỉ 1, 2 phút đợi thí nghiệm.

Anh cũng cho biết, ban đầu, làm một chủ đề khác nhưng không thành công. Sau đó chuyển sang chủ đề thứ hai là mức độ đột biến của gene AID (Activation induced-cytidine deaminase) thì kết quả rất khả quan. Sau một số năm vất vả đã đi đến thành quả cuối cùng. Năm 2010, một công trình nghiên cứu về gene AID cũng của tiến sĩ Thịnh đã xuất hiện trên tạp chí danh tiếng Nature Immunology.

Gene AID có vai trò quyết định đối với quá trình siêu đột biến, bởi nó có thể gây nên hiện tượng chuyển đoạn nhiễm sắc thể tích lũy đột biến và gây ung thư hóa tế bào lành. Công trình nghiên cứu thứ hai của anh về gene Programmed cell death-1 (PD-1), còn gọi là gene "quy định sự chết theo chương trình của tế bào", của tiến sỹ Trần Huy Thịnh, được đăng trên tạp chí Science.

Công trình của PGS. Trần Huy Thịnh đã đóng góp một phần nhỏ bé vào công trình được giải Nobel của GS. Honjo. Nói về người thầy của mình, PGS. Thịnh không khỏi xúc động. Vì anh vẫn còn nhớ, ngày đầu mới sang, chính GS là người đã mua cho anh từng cái khăn mặt, bàn chải đánh răng... gói gém cẩn thận trong một chiếc túi để anh xách về ký túc xá.

Theo Nghiêm Huê

Tiền Phong