Hà Nội tuyển sinh vào lớp 10 như thế nào trong năm 2018?

(Dân trí) - Theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội), năm học 2018, phương án thi vào lớp 10 THPT của Thủ đô sẽ không có môn Ngoại ngữ như dư luận đồn đại.

Chưa tổ chức thi Ngoại Ngữ vào lớp 10 trong năm 2018

Một số thông tin xôn xao trên mạng xã hội, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm tới, ngoài 2 môn truyền thống là Toán, Ngữ Văn, sẽ có thêm môn Ngoại Ngữ.

Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 20/12, ông Ngô Văn Chất cho biết, thông tin đó chỉ là đồn thổi. “Sở GD&ĐT chưa hề công bố thông tin nào về kì tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2018. Nếu có môn Ngoại Ngữ, chắc chắn Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ phải công bố sớm để phụ huynh học sinh có thời gian chuẩn bị. Do đó, năm học 2018 sẽ không có chuyện thi môn Ngoại Ngữ vào lớp 10 THPT”, ông Chất khẳng định.

Được biết, năm học 2014, ngoài 2 môn Ngữ Văn và Toán, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh áp dụng môn Ngoại Ngữ làm môn thi thứ 3 vào lớp 10 THPT.

Ở Hà Nội, năm học 2017 - 2018, toàn TP có 82.934 học sinh xét tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ trung học phổ thông là 69.500 học sinh, trong đó các trường công lập tuyển 56.840 học sinh, các trường ngoài công lập tuyển 12.660 học sinh.

Học sinh thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội (ảnh: Mỹ Hà)
Học sinh thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội (ảnh: Mỹ Hà)

Số học sinh được tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên là 7.000 học sinh. Số học sinh được tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp là 6.443 học sinh.

Đối với lớp 10 THPT không chuyên tuyển sinh theo phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Thành phố tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT với hai môn thi Ngữ Văn và Toán.

Học sinh có nguyện vọng thi vào lớp chuyên của 4 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Sơn Tây thi thêm môn Ngoại ngữ và các môn chuyên vào ngày 10 và 11/6.

Như vậy, môn Ngoại Ngữ vẫn chưa được đưa vào làm môn thi thứ 3 trong kì thi tuyển sinh lớp 10 THPT. Tuy nhiên, trước chủ trương này, một số lãnh đạo nhà trường cũng đồng tình và cho rằng cần có lộ trình thích hợp.

Cần khảo sát năng lực Ngoại Ngữ vùng sâu vùng xa

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cô rất đồng tình nếu được đưa Ngoại Ngữ vào làm môn thi thứ 3, kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội.

Sở dĩ thế vì cô Nhiếp cho rằng, thi môn Ngoại Ngữ là hoàn toàn phù hợp với xu thế. Thứ 2, ngay cả thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT, 3 môn Ngoại Ngữ, Toán, Ngữ Văn, cũng là 3 môn chủ lực. Nếu chúng ta không làm sớm thì sẽ rất khó cập nhật theo xu hướng xã hội.

“Nếu có, phải công bố ít nhất 1 năm. Thời điểm này mà sở công bố năm sau sẽ thi Ngoại Ngữ, chỉ còn 1 học kì thì không công bằng với học sinh. Ví dụ, hiện tại nên có kế hoạch cho năm học 2019- 2020 chẳng hạn thì sẽ thoải mái hơn. Do đó, quyết định năm tới chưa thi môn Ngoại Ngữ của Sở là hoàn toàn xác đáng”, cô Nhiếp nói.

Kì thi vào lớp 10 năm 2018 của Hà Nội sẽ chưa có môn Ngoại Ngữ (ảnh: Mỹ Hà)
Kì thi vào lớp 10 năm 2018 của Hà Nội sẽ chưa có môn Ngoại Ngữ (ảnh: Mỹ Hà)

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng, việc tổ chức thi môn Ngoại Ngữ vào lớp 10 là cần thiết.

Theo ông Bình, hiện nay việc giảng dạy ngoại ngữ ở khu vực nội thành nói chung rất tốt. Tuy nhiên, ở các huyện ngoại thành có sự chênh lệch nhỏ. Do vậy, việc tổ chức thi vào 10, nếu có môn Ngoại Ngữ sẽ không gây xáo trộn hoặc gây khó khăn gì cho việc dạy và học của nhà trường.

Chỉ có một băn khoăn của Hiệu trưởng Bình là cho dù làm gì, cũng nên có kế hoạch trước. Nếu năm nay, tốt nhất nên giữ lại như phương thức cũ. Còn có thay đổi môn thi trong nhà trường thì nên công bố sớm. Đặc biệt, cần có khảo sát, đánh giá việc dạy và học Ngoại Ngữ ở địa phương mình. Nếu việc khảo sát cho thấy, không có chênh lệch quá lớn thì tổ chức thi.

“Nên có cơ sở lý luận và thực tế trước khi áp dụng. Đặc biệt, việc khảo sát thực tế rất quan trọng. Theo quan sát của tôi, năng lực học tập của học sinh cũng như việc dạy học của giáo viên ở Hà Nội không có chênh lệch quá nhiều. Đặc biệt, chúng ta đã thực hiện kế hoạch Ngoại ngữ 2020 từ gần chục năm nay nên nếu triển khai cũng sẽ thuận lợi. Cái chính là cần có kế hoạch triển khai sớm và khoa học”, ông Bình khẳng định.

Mỹ Hà