Hà Nội: Lò luyện thi không còn “rực lửa”

Khác hẳn với mọi năm, thời điểm ra Tết, các sĩ tử ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đổ về các trung tâm, lò luyện thi đại học để ôn thi. Nhưng năm nay, gần hết tháng 3 rồi mà các trung tâm, lò luyện thi ở Hà Nội vắng bóng sĩ tử, ế ẩm, dù các lớp liên tục được mở ra.

Khu vực cạnh trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ còn Trung tâm Đức Phú treo biển chiêu sinh
Khu vực cạnh trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ còn Trung tâm Đức Phú treo biển chiêu sinh.

Lò luyện vắng hoe

Thời điểm ra Tết Nguyên đán là dịp các trung tâm, lò luyện thi đại học ở Hà Nội vào “mùa” làm ăn, chiêu sinh các lớp ôn thi với các biển hiệu lớn có tên các giáo viên có tiếng để hút sĩ tử “lớp 13” hay học sinh đang học lớp 12 tới ôn thi. Tuy nhiên, khác hẳn với mọi năm, tới thời điểm này các trung tâm, lò luyện thi ở Hà Nội thưa thớt sĩ tử tới đăng kí, thậm chí có lò luyện thi còn đóng cửa im ỉm, chưa hoạt động.

Tới con ngõ 336 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), chúng tôi không khỏi bất ngờ về sự trầm lắng ở nơi đây. Những năm trước, con ngõ này thường tấp nập thí sinh từ các tỉnh tới ôn thi đại học bởi thương hiệu của các thầy, cô giáo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tới dạy. Con ngõ dù ngắn nhưng trước đây, hầu như nhà nào mặt ngõ cũng mở trung tâm luyện thi đại học. Tuy nhiên, giờ đây chỉ còn 3 trung tâm hoạt động, nhưng cũng không thấy bóng dáng người của trung tâm, còn lịch học thì để trên bàn, thí sinh tự tới lấy. Nhiều trung tâm khác đã chuyển sang bán rau, bán đồ khô...

Người phụ trách của một trung tâm luyện thi trong ngõ 336 Nguyễn Trãi chia sẻ: “Vào thời điểm này năm ngoái, dù không đông như thời “bùng nổ” luyện thi đại học như cách đây hơn chục năm về trước nhưng trung tâm cũng tổ chức được 3-5 ca/ngày. Giờ thì chỉ còn vỏn vẹn mấy lớp, chủ yếu là học vào buổi tối. Hy vọng là thời điểm sát kỳ thi sẽ đông hơn, nhưng với tình hình thế này cũng chỉ đủ tiền cầm cự, thuê giáo viên thôi. Trung tâm cũng đang chuyển hướng sang mở các lớp ôn thi vào lớp 10 để tồn tại”.

Tương tự, Trung tâm luyện thi Thăng Long (trong ngõ số 4 Chùa Bộc, quận Đống Đa) cũng “vắng như chùa Bà Đanh”. Các giảng đường lớn mọi năm chật kín hơn 600 người ngồi thì nay cửa khóa chặt, từ ngoài nhìn vào thì thấy bàn ghế trong hội trường mốc xanh, mốc đỏ, giấy rác ngổn ngang trên sàn. Phòng bán thẻ và phát lịch học khóa kín, lịch học được để trong túi nilon treo bên ngoài.

Dạo qua khu vực cổng số 2 ĐH Sư phạm Hà Nội, năm trước còn có vài trung tâm luyện thi, nay chỉ còn Trung tâm Đức Phú treo biển chiêu sinh và thông báo lịch học. Trung tâm luyện thi của thầy Thành - cô Thời (ngõ 175 Xuân Thủy) dù treo biển rất to quảng cáo tỷ lệ thí sinh đỗ cao, có cả danh sách những thí sinh đạt điểm cao đã từng ôn ở trung tâm, nhưng cũng không mấy thí sinh tới đăng kí học, trái ngược với cảnh nườm nượp sĩ tử tới ôn thi như cách đây một năm.

“Ế ẩm” do thay đổi thi cử?

Tại các trung tâm luyện thi có uy tín ở Hà Nội dọc phố Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị, Trần Đại Nghĩa, khu vực gần Trường ĐH Y Hà Nội... những ngày này vắng vẻ một cách lạ thường. Các lò luyện thi ở đây đều cửa đóng then cài, dù ngoài cửa vẫn treo biển quảng cáo dày đặc các khóa ôn thi mới. Dù khá ế ẩm, nhưng các trung tâm, lò luyện ở Hà Nội vẫn giữ mức học phí như năm ngoái, thậm chí nhiều nơi còn tăng nhẹ. Phổ biến nhất là từ 40.000 - 50.000 đồng/ca học. Các trung tâm có học sinh tham gia lớp ôn luyện cũng chỉ khoảng 20-30 người/lớp.

Các trung tâm luyện thi trong ngõ 336 Nguyễn Trãi vắng bóng sĩ tử
Các trung tâm luyện thi trong ngõ 336 Nguyễn Trãi vắng bóng sĩ tử.

Theo lí giải của một số trung tâm luyện thi, sở dĩ tình trạng thưa thớt thí sinh đi ôn thi là do năm nay thi cử đã thay đổi so với các năm trước. Kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ đã được gộp làm một nên thí sinh đang học lớp 12 chỉ ôn tập cho một kỳ thi. Một số thí sinh lựa chọn ôn thi tại trung tâm chủ yếu với mục đích cọ xát, tham khảo các dạng đề thi của giáo viên đưa ra.

Năm nay, nhiều thí sinh lựa chọn tự ôn thi theo nhóm, hoặc học thêm tại nhà giáo viên. Lựa chọn hình thức tự học ôn thay vì đến trung tâm luyện thi, Minh Hằng (học sinh lớp 12, Trường THPT Quang Trung) cho biết: “Ở kỳ thi sắp tới, mỗi thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT và dùng kết quả để xét tuyển vào ĐH, CĐ nên thời gian học trên trường là khá quan trọng. Trường tổ chức ôn tập trọng tâm cho các môn thi tốt nghiệp. Em chọn thi khối D nên chủ yếu học kỹ về các môn trong khối này. Ngoài ra, em và các bạn chơi thân tự tổ chức nhóm học tự ôn, tự kiểm tra kiến thức của nhau”.

Thầy giáo Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Mùa Xuân (Hà Nội) cho rằng, kỳ thi tới đã có nhiều sự thay đổi nên học sinh lớp 12 cần tranh thủ thời gian để ôn luyện chứ không nên tin vào điều đặc biệt nào đó có thể thay đổi được kết quả học tập nếu đến các trung tâm luyện thi. Trên thực tế, có nhiều trung tâm uy tín, có chất lượng thực sự, nhưng cũng có trung tâm hoạt động theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, thí sinh cần phải cảnh giác, phân biệt. Không nên chạy theo lời mời chào hấp dẫn mà vội vàng đăng kí ôn thi.

“Thời gian này, để nâng cao hiệu quả ôn tập, các em cần tranh thủ các tiết ôn tập ở trường để hỏi thầy cô, bạn bè trên lớp. Có thể tổ chức nhóm ôn giữa các học sinh với nhau. Không nên căng thẳng quá mà ép mình học nhiều, chạy khắp các trung tâm để ôn luyện. Các em phải hệ thống lại kiến thức, cập nhật thêm kiến thức từ xã hội, thời sự để đáp ứng theo đề “mở” các môn khối C. Các thủ khoa ĐH, CĐ các trường phần lớn là các em học sinh vùng nông thôn, các em ấy đâu có vào lò luyện đâu mà vẫn có kết quả tốt như vậy. Bởi thế, nếu không nắm chắc kiến thức thì không chỗ nào có thể “vá” kiến thức kiểu “cấp tốc” cho các em được”, thầy giáo Đặng Đình Đại đưa ra lời khuyên.

Giảng viên không được tổ chức luyện thi

Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 do Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành, đối với các trường tự chủ tuyển sinh, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, coi thi, chấm thi; xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi.

 

Theo Quang Anh

Gia đình & Xã hội