Hà Nội lên phương án chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia

(Dân trí) - Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt một loạt công việc quan trọng nhằm chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia năm 2015. Theo đó, các trường cần xây dựng kế hoạch để đảm bảo hoàn thành chương trình theo đúng thời gian quy định.

Thực hiện dạy đúng, dạy đủ chương trình; bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng, đảm bảo cho học sinh có đủ điều kiện dự thi. Tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo học sinh, học viên có học lực yếu kém, học sinh nước ngoài, thí sinh tự do xin ôn tập.

Về công tác dạy và học, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường hướng dẫn học sinh nắm vững các kiến thức, trách học tủ, học vẹt; học theo hướng hiểu để phân tích, bình luận và dành nhiều thời gian cho việc tự học; Đề thi có câu hỏi mở yêu cầu học sinh biết vận dụng trả lời; đề thi có tính phân hóa.

Phổ biến cho học sinh kỹ năng khi làm bài, đảm bảo cho học sinh có đủ kỹ năng dự thi, đặc biệt là kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan; Thông báo cho cha mẹ học sinh nắm rõ tình hình học tập của học sinh, đặc biệt là những học sinh có học lực yếu, kém có thể không đủ điều kiện dự thi. Phối hợp với cha mẹ học sinh để tạo điều kiện tốt cho việc học, ôn tập của học sinh.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các trường bổ sung đầy đủ hồ sơ cá nhân của học sinh đang học lớp 12 gồm học bạ, giấy khai sinh, bằng tốt nghiệp THCS, giấy chứng nhận ưu tiên, khuyến khích, giấy chứng nhận vào lớp 10... Những trường hợp đi học sớm tuổi phải có giấy cho phép của Sở GD-ĐT theo quy định.

Kiểm tra, rà soát, chỉnh sửa hồ sơ, đảm bảo chính xác các thông tin về họ tên, ngày sinh, nơi sinh, giới tính, dân tộc; thống nhất ở tất cả các loại hồ sơ cá nhân trên và các loại hồ sơ có liên quan như sổ điểm, danh sách. Yêu cầu các trường tổ chức dán giấy khai sinh hợp lệ vào trang 2 bìa học bạ và đóng dấu giáp lai giữa giấy khai sinh và trang bìa học bạ.

Kiểm tra các giấy chứng nhận chế độ ưu tiên (con thương binh, bệnh binh, những người được hưởng chính sách như thương binh, chất độc mầu da cam, con dân tộc thiểu số, người có hộ khẩu vùng cao, vùng sâu, khu kinh tế mới, xã đặc biệt có khăn...), giấy chứng nhận điểm khuyến khích.

Những thí sinh không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực, có nguyện vọng dự thi; nhà trường tổ chức cho học sinh dự kỳ thi kiểm tra cuối năm một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 để tính lại điểm trung bình cả năm theo quy định; cấp giấy xác nhận điểm bảo lưu cho thí sinh đã dự thi năm trước theo quy định.

Hướng dẫn để học sinh được cấp Giấy chứng minh nhân dân chậm nhất cuối tháng 3/2015; Phòng GD-ĐT tạo điều kiện chỉnh sửa nội dụng trên văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở của học sinh (khi có sai sót) theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường tổ chức học tập quy chế thi THPT quốc gia cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh lớp 12 dự thi; các Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường THCS tổ chức học tập quy chế thi cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh lớp 9. Cần nhấn mạnh những điểm mới trong Quy chế thi THPT quốc gia; quán triệt tới các cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia dự thi chấp hành nghiêm túc Quy chế thi để có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
TPHCM: Tăng cường ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia
 
Sau khi có quy chế thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TPHCM vừa ra hướng dẫn các trường về việc tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12.

Đối với học sinh (HS) yếu kém, Sở chỉ đạo lãnh đạo nhà trường tổ chức các lớp phụ đạo theo môn ngay từ đầu học kỳ 2, chọn lọc giáo viên giảng dạy phù hợp và lớp không quá 25 HS.

Sau khi có kết quả kiểm trahọc kỳ 2, nhà trường rà soát lại kết quả của HS để tiếp tục phụ đạo cho đến hết tháng 6 hoặc tham gia các lớp ôn tập phù hợp hơn. Mục đích giúp các em rèn luyện kiến thức cơ bản; tăng cường kỹ năng làm bài đúng, chính xác để có thể đạt được điểm thi trung bình trở lên.

Còn lại, nhà trường tổ chức ôn tập cho HS ngay sau khi kết thúc học kỳ 2 đến cuối tháng 6/2015 với các môn:Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.

Nội dung ôn tập tập trung vào việc vừa ôn tập kiến thức, vừa giúp HS làm quen với cách thức làm bài thi nhằm đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để xét tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ).

Ông Lê Hồng Sơn, GĐ Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh, việc tổ chức lớp ôn tập này được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của HS đối với từng môn học. Mỗi lớp ôn tập không quá 45 em và không tổ chức ôn vào chủ nhật.

Hoài Nam

 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 


Nguyễn Hùng