Hà Nội: Hàng nghìn học sinh hoạt động bảo vệ tài nguyên nước

Gìn giữ và bảo vệ tài nguyên nước đang là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết. Dự án “Mizuiku – Em yêu nước sạch” đã ghi dấu ấn trong hoạt động bảo vệ tài nguyên nước khi giúp trên 1.600 em học sinh tiểu học Hà Nội thay đổi nhận thức về nước chỉ sau một năm thí điểm.

Trên trái đất có khoảng 97% - 98% là nước mặn nhưng chỉ có 2-3% là nước ngọt mà con người có thể sử dụng trong sinh hoạt và hoạt động sản xuất và nguồn nước này không phải là vô hạn. Với tình trạng tăng dân số như hiện nay, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt trong tương lai. Vì vậy, việc bảo vệ và duy trì nguồn nước ngọt tự nhiên là vô cùng cấp bách.

Đây cũng là hướng đi mà Tập đoàn Suntory và Suntory PepsiCo Việt Nam đã chọn khi thí điểm triển khai dự án tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên nước “Mizuiku – Em yêu nước sạch” tại Việt Nam.

Được phát động từ tháng 3/2015, sau 9 tháng thực hiện, dự án đã được thí điểm thành công cho khoảng 1.600 em học sinh thuộc 6 trường tiểu học tại hai huyện Mỹ Đức và Thanh Oai, Hà Nội.

Học sinh trường tiểu học Thanh Mai xây dựng poster truyền thông về chủ đề tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường
Học sinh trường tiểu học Thanh Mai xây dựng poster truyền thông về chủ đề tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường

Theo đánh giá tại Lễ tổng kết dự án vào ngày 17/12/2015, tuy là năm đầu triển khai, dự án “Mizuiku – Em yêu nước sạch” đã thực sự đi vào thực tiễn với kết quả nổi bật nhất là đã giúp trên 1.600 em học sinh tiểu học thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc gìn giữ, bảo vệ và sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước.

Như nhận xét của cô Lê Thị Chính, giáo viên trường tiểu học Lê Thanh B, huyện Mỹ Đức, những chuyến biến tích cực này được thể hiện trong từng hành vi nhỏ nhất của các em như ý thức quý trọng nước uống và giữ gìn nhà vệ sinh chung tại trường lớp... Đặc biệt, phương pháp giáo dục thực hành, “học mà chơi, chơi mà học” của dự án đã giúp các em tự giác học tập và chủ động tham gia xây dựng bài học trên lớp và bổ sung thêm nhiều kỹ năng sư phạm cho các thầy, cô.

Các em học sinh phân loại rác hữu cơ và vô cơ trong ngày hội Hiệp sỹ nước sạch
Các em học sinh phân loại rác hữu cơ và vô cơ trong ngày hội Hiệp sỹ nước sạch

 

Kết quả này có được là nhờ các hoạt động bổ ích, phong phú và đa dạng của dự án Mizuiku như: 60 lớp học tuyên truyền và giáo dục về tài nguyên nước với hơn 120 buổi học trong nhà và thí nghiệm ngoài trời; 6 Ngày hội Hiệp sĩ nước sạch; 12 chuyến tham quan nhà máy SPVB tại Bắc Ninh dành cho 600 em học sinh có thành tích học tập xuất sắc nhất; hàng trăm bài dự thi Cuộc thi Viết, Cuộc thi Vẽ tranh và Sáng tác Báo tường và 1.500 cuốn Nhật ký nước đã đồng hành cùng các em trong suốt kỳ nghỉ hè.

Các em học sinh hào hứng phát biểu trong lớp học của dự án Mizuiku – Em yêu nước sạch
Các em học sinh hào hứng phát biểu trong lớp học của dự án Mizuiku – Em yêu nước sạch

Đáng nói là, không chỉ giúp các em học sinh nâng cao ý thức về bảo vệ tài nguyên nước, dự án Mizuiku còn có những hỗ trợ trợ thiết thực khác về cơ sở vật chất cho 6 trường tham gia thí điểm dự án như: tài trợ 4 bộ máy lọc nước RO công suất 150 lít/giờ, xây mới 2 nhà vệ sinh với vật liệu chất lượng cao, hiện đại, nâng cấp 4 nhà vệ sinh theo mô hình nhà vệ sinh thân thiện.

Với tính thiết thực và tầm ảnh hưởng tích cực, dự án Mizuiku đã nhận được sự khuyến khích nhân rộng từ chính quyền địa phương. Ông Phạm Trung Anh, Phó Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Thanh Oai, Hà Nội – nơi dự án được thực hiện thí điểm trong năm 2015 đánh giá: “Dự án đã thực hiện được cả mục tiêu bền vững – nâng cao nhận thức của các em học sinh và cả mục tiêu trong ngắn hạn – đảm bảo nguồn nước uống sạch cho các em”.

Học sinh trường tiểu học Xuy Xá tham gia xây dựng nhà vệ sinh thân thiện
Học sinh trường tiểu học Xuy Xá tham gia xây dựng nhà vệ sinh thân thiện

Theo thông tin từ Tập đoàn Suntory, những kết quả thí điểm đáng khích lệ của dự án Mizuiku trong năm 2015 sẽ là tiền đề để mở rộng phạm vi triển khai dự án trong thời gian tới. Trong đó, dự kiến năm 2016, dự án sẽ được đưa đến với các trường tiểu học ở khu vực phía Nam.

PV