GS.TS Nguyễn Thiện Thành: Vị thầy thuốc nhân dân có tầm nhìn xa

(Dân trí)-GS.TS Nguyễn Thiện Thành không chỉ là một thầy thuốc giỏi mà còn là một nhà khoa học chân chính. GS đã để lại cho đời nhiều quyển sách y khoa có ích và đặc biệt là người có tầm nhìn xa khi đặt nền móng của bộ môn bệnh lão khoa từ 4 thập niên trước.

GS.TS Nguyễn Thiện Thành (1919 - 2013), người thầy đáng kính, vị thầy thuốc có tầm nhìn xa
GS.TS Nguyễn Thiện Thành (1919 - 2013), người thầy đáng kính, vị thầy thuốc có tầm nhìn xa. Trong ảnh: Lễ mừng thượng thọ 95 tuổi GS Nguyễn Thiện Thành (thứ hai, bên trái) vào ngày 28/9 vừa qua.

Tấm gương đam mê nghiên cứu khoa học

Vào học trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong TP Hồ Chí Minh), tốt nghiệp tú tài với bằng thuộc loại ưu, được chọn cấp học bổng sang Pháp du học nhưng học sinh Nguyễn Thiện Thành đã khẳng khái từ chối. Thay vào đó, chàng học sinh trẻ khăn gói đáp xe lửa lên đường ra Hà Nội thi vào Trường Đại học Y khoa và trúng tuyển vào chế độ ngoại trú rồi nội trú của trường.

Thời là sinh viên của trường Đại học Y khoa Hà Nội, sinh viên Nguyễn Thiện Thành đã âm thầm liên lạc với cán bộ Việt Minh, mua giúp các loại thuốc rồi gửi lên chiến khu. Cách mạng tháng Tám, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành tích cực tham gia biểu tình giành chính quyền, sau đó ông được bầu vào HĐND Bệnh viện Bạch Mai. Thế nhưng ông tiếp tục xung phong lên đường về Nam chiến đấu. Đến cuối năm 1947, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành được cử làm Vụ Trưởng Quân y khu IX rồi sau đó trở thành Trưởng phòng Quân y Phân Liên khu miền Tây Nam bộ.

Năm 1950, trên đường đi công tác ông không may bị địch bắt. Mặc dù bị giam cầm trong khám nhưng ngọn lửa đam mê với y khoa vẫn không dứt trong người chiến sĩ cộng sản trung kiên này. Ông đã nhờ một người lính viễn chính vốn là một sinh viên Y khoa ngầm mua giúp các tài liệu, bài báo về y để đọc và tìm hiểu. Dù trong cảnh “chim lồng” nhưng ông đã tìm thấy phương pháp Filatov sau khi được đọc một bài báo y khoa của H.Vachon. Với sự nhạy cảm của một nhà khoa học trẻ, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã nghĩ ngay đến triển vọng và khả năng áp dụng phương pháp mới vào điều kiện của chiến trường miền Nam.

Cuối năm 1950, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành được trả tự do và ông bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, đưa phương pháp Filatov vào ứng dụng trong thực tế điều trị. Cuối năm 1951, phương pháp Filatov chính thức được sử dụng trong điều trị tại chiến trường miền Tây Nam bộ đem lại những kết quả hết sức khả quan làm cho người bệnh phấn khởi.

Không ngừng lại, ông tiếp tục dành nhiều thời gian nghiên cứu nhiều kiến thức y học. Năm 1960, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ với đề tài học thuyết Pavlov tại Viện hoạt động thần kinh cao cấp của Liên Xô và tiếp tục dành thời gian nghiên cứu thêm về lâm sàng hoạt động thần kinh cao cấp. Từ chối tiếp tục ở Liên Xô hoàn thành luận án Tiến sĩ, về nước ông lại lao vào chiến trường nghiên cứu bệnh sốt rét đang hoành hành. Từ năm 1967 đến 1968, ông và các đồng nghiệp hoàn chỉnh phương pháp điều trị bệnh sốt rét ác tính thể đái ra huyết sắc tố.

Người thầy thuốc có tầm nhìn xa

Hơn 4 thập niên trước, với sự tinh tế của một nhà khoa học, một thầy thuốc có tâm PTS Nguyễn Thiện Thành đã nhận thức được vấn đề lớn lao trong giới y Việt Nam là chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi. Ông chính là người đặt nền móng cho chuyên ngành tích tuổi học (nay gọi là lão khoa) tại Việt Nam. Đó là vào những năm 1971 -1972, ông cho rằng cần có một chế độ chăm sóc và điều trị đặt biệt với “bệnh của người già”. Ông thường xuyên tìm đến các nước có trình độ phát triển cao về chuyên khoa điều trị và phòng bệnh cho người có tuổi như Liên Xô, CHDC Đức, Nhật Bản... để tìm hiểu và nghiên cứu.

Năm 1975, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, kiêm Giám đốc bệnh viện Thống Nhất. Đây là thời gian ông tích cực “khám phá” một lĩnh vực được xem là mới mẻ với điều kiện y khoa nước ta thời gian đó. Năm 1982, ông nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất hai loại dược phẩm có tác dụng chữa một số bệnh về gan, nhưng cũng góp giữ gìn sức khỏe cho người có tuổi.

Đến năm 1986, bộ môn Tích tuổi học được thành lập tại Trường ĐH Y dược TPHCM, là một chuyên gia đầu ngành cũng như người đầu tiên đặt nền móng cho ngành khoa học này, GS Nguyễn Thiện Thành được làm chủ nhiệm bộ môn. Cùng các đồng sự, ông góp phần chủ yếu xây dựng chương trình, giáo án giảng dạy cho bộ môn đặc biệt này. Đến năm 1989,  trở thành Trung tâm Nghiên cứu điều trị học tuổi cao và tích tuổi học, Bộ Y tế thành lập Trung tâm tích tuổi học tại TPHCM và ông được bầu là giám đốc trung tâm này.

Chỉ tính riêng từ năm 1965 đến 1990, ông đã viết 32 tác phẩm về y học mà chủ yếu về lão khoa.

PGS.TS Nguyễn Văn Trí, chủ nhiệm Bộ môn Lão khoa (trường ĐH Y dược TPHCM) chia sẻ rằng: Thầy Thiện Thành là một người có tầm nhìn xa và còn có cả cái tâm lớn nữa. Chính thầy sáng lập Bộ môn Lão khoa từ 1986 khi lúc đó, dân số mình còn trẻ mà thầy đã nghĩ đến bệnh Lão khoa rồi. Đến nay đã 27 năm, dân số mình đã già hóa rồi mà còn nhiều vị trong ngành y tế vẫn chưa quan tâm thật sự, đúng mức, thậm chí cho rằng chưa cần thiết.

Chỉ bấy nhiêu đó thôi thế mới thấy tầm nhìn xa của thầy. Dù thế giới ngành Lão khoa đã có từ lâu nhưng nếu không có thầy, có lẽ chưa có bộ môn Lão khoa của ngày hôm nay.Vào 27 năm trước, thầy đã viết 2 cuốn sách là Các bệnh thường gặp ở người có tuổi và Cấp cứu những tình huống ưu tiên ở người có tuổi”.
 

Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã sáng tạo phương pháp Filatov khi lấy bánh nhau sản phụ để ứng dụng. Theo nguyên lý, bánh nhau là một tổ chức tế bào sống, nếu bị đặt trong nghịch cảnh, các tế bào nhau sẽ huy động sức tự vệ để chiến đấu, sản xuất ra chất biostimuline. Đem cấy bánh nhau này vào cơ thể hoặc lọc các chất biostimuline để tiêm vào cơ thể sẽ là một phương thuốc tuyệt vời để trị bệnh. Điều trị bằng phương pháp Filatov thì các vết mổ ở bụng dễ lành sẹo hơn, chống được sẹo lồi; bệnh viêm khớp cũng được trị dứt điểm; hoặc trị bệnh eczema hiệu quả…

 
Lê Phương
(Trong nội dung bài có sử dụng một số tư liệu)