GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Cơ sở pháp lý của con số hơn 34 nghìn tỷ là gì?

(Dân trí) - Trao đổi với PV <i>Dân trí</i> về kinh phí hơn 34 nghìn tỷ thực hiện Đề án đổi mới chương trình, SGK, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Cần quan tâm là số tiền trên chi vào những việc gì, mức chi có hợp lý không và sẽ đem lại hiệu quả như thế nào?...”.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết  cho rằng, con số gần hơn 34 nghìn tỷ để đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông là con số lớn nhưng để đổi mới giáo dục, một lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu, dù chỉ đổi mới giáo dục phổ thông thôi, thì cũng không phải là không chi được.

Tuy nhiên, GS.TS Thuyết đã đặt ra 3 vấn đề cần làm rõ:

Vấn đề thứ nhất, cần quan tâm là đề án này và con số hơn 34 nghìn tỷ này đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để trình sang Quốc hội chưa. Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ GD-ĐT trình đề án với Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nhưng chính lãnh đạo Bộ GD-ĐT nói rằng con số hơn 34 nghìn tỷ đồng mới chỉ là khái toán của Bộ này, chưa có sự thẩm định của Bộ Tài chính. Như vậy cũng có nghĩa là nó chưa được tập thể Chính phủ thông qua. Vậy, không hiểu Chính phủ ủy quyền cho Bộ GD-ĐT trình đề án sang Quốc hội là dựa trên cơ sở nào.

Còn nhớ cách đây nửa tháng, khi chủ trì cuộc họp bàn về việc Việt Nam đăng cai ASIAD 18, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê bình Bộ Văn hóa TTDL: “Chưa báo cáo Thủ tướng đã đi trình bày ở Quốc hội”. Mong sao lần này sự việc không lặp lại và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không bị “việt vị” vì ngồi bàn một việc của Chính phủ mà tập thể Chính phủ chưa có ý kiến gì.

Vấn đề thứ hai, cần quan tâm là số tiền trên chi vào những việc gì, mức chi có hợp lý không và sẽ đem lại hiệu quả như thế nào. Được biết, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số tiền trên là 26 nghìn tỷ đồng cho trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Thắc mắc của tôi là chương trình chưa viết, SGK cũng chưa soạn, thế thì làm sao đã có danh mục trang thiết bị, đồ dùng dạy học để quy thành 26 nghìn tỷ được?.  Giả sử bỏ qua quy trình ngược này thì Bộ GD-ĐT, theo thiển ý của tôi, sau này cũng chỉ có trách nhiệm lập danh mục, xác định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của trang thiết bị, đồ dùng dạy học; còn sản xuất bao nhiêu, giá cả cạnh tranh thế nào là việc của các doanh nghiệp. Tính giá trang thiết bị, đồ dùng dạy học vào đề án ngay lúc này có lẽ không thật hợp lý.

Vấn đề thứ ba là trong điều kiện nguồn lực tài chính eo hẹp hiện nay, Bộ GD-ĐT cần đánh giá cụ thể xem có nên đặt vấn đề biên soạn lại toàn bộ chương trình, SGK các môn học, các cấp học không. Theo tôi, khối tiểu học tương đối ổn, chỉ cần sửa chữa ít. Đối với các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ thì nên áp dụng chương trình, SGK các nước tiên tiến, chỉ tập trung biên soạn chương trình, SGK các môn khoa học xã hội vì không thể nhờ nước nào biên soạn hộ mình chương trình, SGK văn học, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý Việt Nam. Như vậy vừa giảm được thời gian thử nghiệm vừa giảm được ít nhất 2/3 chi phí.

Hồng Hạnh