GS. Phan Huy Lê là biểu tượng của ngành Xã hội và Nhân văn

(Dân trí) - Tài năng và đức độ của GS. Phan Huy Lê đã trở thành một biểu tượng, một yếu tố để tạo nên thương hiệu, danh tiếng của Khoa Lịch sử - ĐH XH Nhân văn – ĐH QGN và của ngành nghiên cứu Xã hội và Nhân văn.


Cố GS. Phan Huy Lê

Cố GS. Phan Huy Lê

GS. Phan Huy Lê qua đời vào chiều ngày 23/6, hưởng thọ 85 tuổi. GS ra đi để lại một khoảng trống cho ngành sử học Việt Nam và là nỗi mất mát lớn với những người làm sử, với biết bao thế hệ học trò.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhận định: "GS Phan Huy Lê là một trong “Tứ trụ” huyền thoại của Khoa Lịch sử Anh hùng, tròn 30 năm Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, người sáng lập Khoa Đông Phương học, bậc “Khai quốc công thần” của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

GS là nhà sáng lập và Giám đốc đầu tiên của trung tâm Việt Nam học liên ngành và Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Công dân Ưu tú của Thủ đô...

GS Phan Huy Lê là người Thầy mẫu mực có hơn nửa thế kỷ đứng trên bục giảng với những thành công nổi bật trong đào tạo các lớp học trò kế cận; là một học giả lỗi lạc mà đóng góp của ông bao trùm lên nhiều lĩnh vực quan trọng nhất của khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam và có tầm ảnh hưởng quốc tế rộng lớn”.

Việc GS. Phan Huy Lê được Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Académie des Inscriptions et Belles-Letres), bầu làm Viện sĩ thông tấn, một vị trí danh giá của Học viện Pháp quốc – một Viện hàn lâm lâu đời và uy tín nhất trên thế giới là sự kiện lớn ghi nhận tài năng, uy tín và đóng góp nổi bật của Giáo sư cho sự nghiệp khoa học giáo dục, kiến tạo nhịp cầu giao lưu học thuật, văn hóa giữa các dân tộc.

Được biết, vị trí Viện sĩ thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Pháp không đơn thuần là danh hiệu mà còn phải có các hoạt động khoa học thực sự với việc mỗi năm phải có một báo cáo hoạt động khoa học của riêng mình.

GS. Phan Huy Lê từng tâm sự: “Tôi vẫn sẽ nghiên cứu khoa học đến lúc nào còn làm việc được vì trong nghiên cứu không có nghỉ hưu”.

GS.TS Nguyễn Văn Khánh bày tỏ: “Bằng tài năng của mình, GS. Phan Huy Lê đã hoàn thành một khối lượng công trình khoa học đồ sộ với hơn 400 tác phẩm tập trung giải quyết nhiều vấn đề khác nhau về khoa học lịch sử và truyền thống dân tộc. Đây là sự kiện khoa học lớn ghi nhận và khẳng định vai trò của GS đối với ngành khoa học lịch sử nói riêng, ngành khoa học xã hội nhân văn nói chung”.

Với tư cách là học trò vừa là đồng nghiệp, GS. TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ: “Nhiều lúc tôi cũng hân hoan vui mừng về những thành tựu mà Thầy đạt được nhưng đồng thời cũng trĩu nặng lo âu về những điều mà Thầy phải trải qua”.


GS.TS Mai Trọng Nhuận, GS. TSKH Vũ Minh Giang – cùng GS. Phan Huy Lê và phu nhân

GS.TS Mai Trọng Nhuận, GS. TSKH Vũ Minh Giang – cùng GS. Phan Huy Lê và phu nhân

GS.TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐHQGHN đánh giá, GS Phan Huy Lê đã góp phần tạo nên nhiều thế hệ học trò, trong đó không ít người đã trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp giữ những vị trí chủ chốt của các cơ quan Đảng và Nhà nước, những nhà khoa học danh tiếng, đầu đàn của ĐHQGHN. Tài năng và đức độ của GS đã trở thành một biểu tượng, một yếu tố để tạo nên thương hiệu, danh tiếng của Khoa Lịch sử và của ngành nghiên cứu Xã hội và Nhân văn.

“GS. Phan Huy Lê được biết tới như là một trí thức dũng cảm, dấn thân góp phần mở đường cho công cuộc đổi mới và phát triển của nền khoa học và giáo dục nước nhà, nhất là trong ngành KHXH-NV” – GS Nhuận nhận định.

GS. Phan Huy Lê từ trần vào ngày 23 tháng 6 năm 2018 tức ngày 10 tháng 5 năm Mậu Tuất, hưởng thọ 85 tuổi.

Lễ viếng và truy điệu tổ chức từ hồi 7h30 đến 10h00 ngày 27 tháng 6 năm 2018 (tức ngày 14 tháng 5 năm Mậu Tuất) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng tổ chức tại Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội lúc 13h00 cùng ngày.

Tuấn Bùi