GS Ngô Bảo Châu với chủ đề “bản giao hưởng số Pi”

(Dân trí) - Ngày 21/8, hàng trăm học sinh, phụ huynh tại Hà Nội đã cùng tham gia Chương trình “Ngày hội toán học mở” với chủ đề “Bản giao hưởng số ​Pi”. Chương trình do Viện nghiên cứu cao cấp về toán VIASM tổ chức với sự tham gia của nhiều GS, TS hàng đầu như: GS Ngô Bảo Châu, GS Hà Huy Khoái, GS Trần Văn Nhung...

Bố con cùng trải nghiệm

Từ 8h sáng, hàng trăm học sinh đã tụ tập tại Thư viện ĐH Bách khoa Hà Nội để cùng trải nghiệm các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội toán học mở như: Tham gia xưởng trải nghiệm toán học PoMath, đấu trường toán học, triển lãm tương tác “Hexagon: Các khối hình học”, khu giới thiệu sách.

GS Ngô Bảo Châu và bài giảng toán tại Ngày hội toán học mở  (Ảnh: LĐ)
GS Ngô Bảo Châu và bài giảng toán tại "Ngày hội toán học mở " (Ảnh: LĐ)

Ở khu vực dành cho học sinh mầm non, các em say mê với trò xếp hình khối, dán giấy thủ công, xâu hạt… Học sinh bậc phổ thông chăm chú với trò chơi về tư duy thật toán, tổ hợp, số học… Những khuôn mặt rạng rỡ, đâu đó thi thoảng ở một số khu vực, chúng tôi nghe cả tiếng reo hò phấn khích của rất nhiều em học sinh khi tham gia các trò chơi toán học.

Học sinh Đặng Anh Vũ (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, em cùng bố đến đây từ rất sớm. Hai bố con cùng chơi một số trò chơi. Hai bố con cùng mua vài cuốn sách em thích. "Thực ra lâu nay em học toán, phần lớn để biết tính toán. Em rất thú vị khi được hướng dẫn làm các phép tính để từ một hộp giấy, có thể biết ta đóng được mấy thùng hàng với kích thước bao nhiêu. Em đã ngạc nhiên nói với bố: Ôi, toán học thiết thực đấy chứ bố", nam sinh phấn khởi chia sẻ.

Học sinh tham gia trò chơi tại Ngày hội toán học mở
Học sinh tham gia trò chơi tại "Ngày hội toán học mở"

Đặc biệt, đối với các phụ huynh, ngoài trải nghiệm các trò chơi cùng con, các ông bố bà mẹ còn được nghe các bài giảng của nhiều chuyên gia đầu ngành như GS Ngô Bảo Châu, Hà Huy Khoái... về một số vấn đề như: Học toán thế nào; Dạy toán cho trẻ bằng cách nào, có thực sự khó?

"Toán học không dễ nhưng không phải quá xa"

Chiều cùng ngày, trong vòng một tiếng đồng hồ, Giáo sư Ngô Bảo Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao cấp về toán đã có bài giảng đại chúng liên quan đến lịch sử về định lý cuối cùng của Fermat.
Trong phần đầu bài giảng của mình, GS Ngô Bảo Châu đã nêu lịch sử, định nghĩa, quá trình giải phép toán fermat cũng như những ví dụ và tính chất phức tạp của nó trong quá trình giải toán.

Được biết phép toán này đã tốn không biết bao nhiêu công sức của các nhà toán học chuyên nghiệp và nghiệp dư. Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu đã đưa bài giảng đến với người nghe rất gần gũi và dễ hiểu.

Triển lãm tương tác Hexagon
Triển lãm tương tác Hexagon

Chia sẻ về mục đích của "Ngày hội toán học mở" và “Bản giao hưởng số Pi”, GS Châu cho hay: “Toán học không dễ nhưng không phải quá xa, nếu chúng ta biết cách tiếp cận".

Bên cạnh đó, với chủ đề “bản giao hưởng số Pi” cho thấy, số Pi (π) được phát hiện từ thời Cổ đại, cho tới nay số π, cũng giống như bản thân toán học, vẫn là một đối tượng chứa đựng đầy những bất ngờ và bí ẩn. Những cái hay, cái đẹp, cái bí ẩn, cái vô lý, cái có lý… hòa quyện trong nhau tạo nên sự hấp dẫn của toán học và dường như cũng tạo nên bản giao hưởng diệu kỳ.

Học sinh tham gia trò chơi trải nghiệm
Học sinh tham gia trò chơi trải nghiệm

Định lý cuối của Fermat (hay còn gọi là Định lý lớn Fermat) là một trong những định lý nổi tiếng trong lịch sử toán học. Trong gần 4 thế kỷ, với bao công sức của các nhà toán học định lý vẫn chưa được chứng minh cụ thể. Cuối cùng nó được Andrew Wiles chứng minh vào năm 1993 sau gần 8 năm ròng nghiên cứu, phát triển từ chứng minh các giả thiết có liên quan. Năm 1995 Wiles mới hoàn tất, công bố chứng minh trọn vẹn định lý này.

Mỹ Hà