GS Hoàng Tụy vào bản dịch tiếng Việt đề thi toán Olympic quốc tế 2019

(Dân trí) - Điều đặc biệt nhất trong Kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 60- IMO 2019 tại Anh đối với đoàn học sinh Việt Nam là tên GS Hoàng Tụy được đưa vào bản dịch tiếng Việt của đề thi.

GS Hoàng Tụy vào bản dịch tiếng Việt đề thi toán Olympic quốc tế 2019 - 1

Tên GS Hoàng Tụy được đưa vào đề thi IMO (Ảnh: Lê Anh Vinh)

Vì sao có điều đặc biệt này, chia sẻ trên Facebook, PGS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trưởng đoàn dẫn đội tuyển quốc gia của Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 60- IMO 2019 (đây là năm thứ 4, ông Lê Anh Vinh đảm nhận nhiệm vụ này) viết:

Đang làm đề IMO thì nghe tin thầy Tụy mất. Mình thuộc thế hệ sau, chưa một lần được gặp thầy nên không biết nói gì. Chỉ xin mạo muội được đưa tên thầy vào bản dịch của đề thi IMO năm nay như một nén hương của kẻ hậu bối, tri ân một trong những người đã đặt nền móng cho hệ thống chuyên toán và phong trào IMO của Việt Nam.

Xin kính cẩn vĩnh biệt thầy…”.

Trao đổi với báo chí, PGS Lê Anh Vinh cho biết, trước mỗi buổi thi, nước chủ nhà sẽ chọn ra 28 bài toán, các trưởng đoàn sẽ biểu quyết chọn ra 6 bài, đủ 4 phân môn đại số, hình học, tổ hợp, số học.

Sau đó, các trưởng đoàn sẽ thống nhất đáp án, thang điểm, rồi sẽ dịch ra tiếng nước mình cho học sinh làm bài.

Theo thông lệ thì khi dịch, các trưởng đoàn sẽ bám sát tiếng Anh, tuy nhiên tên người được nhắc đến trong đề bài thì người dịch được phép thay đổi cho phù hợp với văn hóa của từng quốc gia.

GS Hoàng Tụy vào bản dịch tiếng Việt đề thi toán Olympic quốc tế 2019 - 2

Đội tuyển Việt Nam tại kì thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 60- IMO 2019

Được biết, đội tuyển Việt Nam tại kì thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 60- IMO 2019 gồm 6 thành viên:  Vương Tùng Dương (THPT Chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc); Nguyễn Khả Nhật Long (THPT Chuyên KHTN, ĐHKHTN, ĐHQGHN); Nguyễn Thuận Hưng (THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng); Nguyễn Nguyễn (Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHKHTN, ĐHQG TPHCM); Vũ Đức Vinh, (THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An); Phan Minh Đức (THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam).

Em Vũ Đức Vinh là học sinh lớp 11 duy nhất trong đội tuyển. Em Phan Minh Đức lần thứ 2 tham gia đội tuyển sau khi đoạt HCB tại IMO 2018. Vương Tùng Dương là thí sinh có điểm cao nhất tại kì thi chọn đội tuyển diễn ra vào đầu tháng 3/2019.

Việt Nam bắt đầu tham gia IMO từ năm 1974, là nước châu Á đầu tiên tham dự kì thi này và luôn đạt được thành tích cao.  Sau 41 lần tham dự IMO, VIệt Nam đã 3 lần xếp hạng 3 toàn đoàn vào các năm 1999, 2007 và 2017. Thành tích cao nhất xét trên số huy chương là IMO 2004 với 4 huy chương vàng và 2 huy chương bạc.

GS Hoàng Tụy "cha đẻ" của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục 

GS. Hoàng Tụy là một nhà toán học xuất sắc, nổi tiếng thế giới, nhà sư phạm mẫu mực của Việt Nam vừa qua đời tại Hà Nội. Hưởng thọ 92 tuổi.

GS Hoàng Tụy vào bản dịch tiếng Việt đề thi toán Olympic quốc tế 2019 - 3

GS Hoàng Tụy (Ảnh: Hồng Hạnh)

Giáo sư Hoàng Tụy là giáo sư, nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam. Cùng với Giáo sư Lê Văn Thiêm, ông là một trong hai người tiên phong trong việc xây dựng ngành Toán học của Việt Nam.

Hoàng Tụy được coi là cha đẻ của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục (Global Optimization) trong Toán học Ứng dụng. Không chỉ là một nhà Toán học, Hoàng Tụy còn có nhiều đóng góp cho giáo dục Việt Nam.

Ông cũng là sáng lập viên Viện Nghiên cứu Phát triển IDS mà ông là Chủ tịch Hội đồng Viện.

Hiếm có nhà khoa học trong nước và nước ngoài nào ở tuổi 90 vẫn có công bố quốc tế như giáo sư Hoàng Tụy. Kể từ năm 1959, khi công bố những bài báo đầu tiên về lý thuyết hàm thực trong báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, đến năm 2017, giáo sư Hoàng Tụy đã có 171 công trình xuất bản trên các tạp chí toán học hàng đầu như Mathematical Programming, JOGO, Optimization, Math. Operation Research, JOTA, SIAM J. Optim…

Trong lĩnh vực về thuật toán tối ưu, bài báo "Concave programming under linear constraints" đăng trên Soviet Math. 5 (1964), 1437 - 1440 được giới chuyên môn về tối ưu hóa trên thế giới coi là công trình đánh dấu sự ra đời của lý thuyết tối ưu toàn cục tất định, trong đó giáo sư đã đề xuất phương pháp cắt (lát cắt Tụy - Tuy’s cut) để giải bài toán quy hoạch lõm: tìm nghiệm cực tiểu x* của một hàm lõm f trên tập lồi đa diện D.

Theo số liệu từ Mathematical Reviews thì công trình về tối ưu toàn cục của ông đã có 1071 số lần được trích dẫn và 827 số người trích dẫn.

Bên cạnh các bài báo, ông còn có ba chuyên khảo rất cơ bản về lĩnh vực tối ưu hóa do một số nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới như Springer, Kluwer, trong đó “Global Optimization – deterministic approaches” đã trở thành cuốn sách kinh điển và được tái bản nhiều lần.

Theo đánh giá của nhiều nhà toán học, các công trình nghiên cứu của ông chứa đựng nhiều đóng góp khoa học mang giá trị học thuật sâu sắc, có vai trò đặt nền móng hoặc định hướng hay mở đường cho các nghiên cứu tiếp theo, đồng thời có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực tối ưu toàn cục.

Hồng Hạnh