GS Hoàng Chí Bảo: Muốn nâng chất lượng giáo dục, phải có “tinh thần đại học”

(Dân trí) - “Tinh thần đại học” cũng chính là “chuẩn hóa” giáo dục đại học, là không phổ thông hóa đại học, là một nền giáo dục lành mạnh “nhiều thợ ít thầy”, là môi trường kích thích tự do sáng tạo cho sinh viên, là nơi mà giảng viên đại học phải giảng dạy với tư cách nhà khoa học..."

GS. Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương đã có bài phân tích sâu sắc về “Giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và Hội nhập quốc tế - Những luận đề về triết lý giáo dục đại học”.

Dân trí, xin giới thiệu phần 2 của bài viết.

(Phần 1 bài viết: GS. Hoàng Chí Bảo: Những độc tố làm ảnh hưởng môi trường giáo dục Việt Nam)


GS. Hoàng Chí Bảo

GS. Hoàng Chí Bảo

Phải xây dựng triết lý giáo dục đại học

Để có cơ sở bàn thảo và giải quyết các vấn đề cụ thể, thực tiễn về năng lực hệ thống giáo dục đại học, tài chính đại học, quản lý nhà nước và quản trị đại học… cần phải bắt đầu từ quan niệm chung, nhận rõ bản chất và đặc trưng (hay đặc điểm) của giáo dục đại học, thiết chế, thể chế và chủ thể trực tiếp, cốt yếu của đại học; Đó là trường đại học, luật giáo dục đại học và người thầy giáo bậc đại học, là đối tượng trung tâm của giáo dục đại học - người sinh viên cũng như mục tiêu, chương trình đào tạo, nội dung và phương pháp dạy - học đại học…

Đó là nhóm vấn đề chung chỉ dẫn các hoạt động trong đời sống đại học. Những vấn đề chung nếu không làm rõ, không tạo được sự thống nhất nhận thức và đồng thuận trong hành động thì không có cơ sở để giải quyết các vấn đề cụ thể, riêng biệt vốn phong phú và đa dạng trong hệ thống giáo dục đại học ở nước ta.

Lê nin đã từng chỉ rõ, một khi những vấn đề chung chưa được sáng tỏ mà vội vã đi vào giải quyết nhưng vấn đề riêng thì trên mỗi bước đi lại sẽ vấp phải những vấn đề chung một cách không tự giác, do đó sẽ rất dễ mất phương hướng và thất bại. Chỉ dẫn này của Lênin vẫn rất hữu ích cho việc thực hiện đổi mới giáo dục đại học ở nước ta hiện nay.

Rõ ràng, cần thiết phải xây dựng một triết lý giáo dục đại học làm cơ sở lý luận định hướng việc lựa chọn những giải pháp thực tiễn đổi mới giáo dục đại học.

Có thể hình dung triết lý đó bằng một hệ thống luận đề gợi mở tư duy giáo dục, tìm câu trả lời cho những câu hỏi đặt ra:

- Đại học là gì?

- Người dạy và người học đại học là thế nào?

- Quan hệ giữa dạy và học đại học, giữa dạy học đại học với giáo dục đại học?

- Những giá trị cốt lõi của đại học và giáo dục đại học?

- Những điều kiện tiên quyết để thực hiện.

Muốn nâng cao chất lượng, phải có xây dựng “tinh thần đại học”

Ít nhất cũng có năm vấn đề, năm câu hỏi đặt ra, hợp thành nội dung của triết lý; tạo một nhận thức chung, phổ biến, từ đó giải quyết các vấn đề cụ thể, trong đời sống đại học, phù hợp với những đặc thù từng trường trong lãnh đạo, quản lý, quản trị đại học.

Theo đó, điểm nhấn, bao trùm triết lý giáo dục đại học là: “Tinh thần đại học”. Các cơ sở đào tạo đại học, tức là các trường đại học, dù khác nhau về quy mô, tầm vóc, ngành nghề, loại hình, về mức độ ảnh hưởng… song đã là thực thể đại học, mang sứ mệnh giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế thì đều phải tự biểu hiệntự khẳng định mình theo tinh thần đại học.

“Tinh thần đại học” cũng chính là “chuẩn hóa” giáo dục đại học, dù mới trên phương diện định tính và cũng chỉ dừng ở định tính mà thôi, đúng với tinh thần triết lý, còn định lượng và lượng hóa những chuẩn định tính đó lại thuộc về những thao tác của quản lý nhà nước và quản trị đại học, trên một mức độ nào đó mang tính kỹ thuật và công nghệ giáo dục, nằm ở địa hạt thực hành, ứng dụng triết lý.

Dưới đây là những luận đề về tinh thần đại học

Luận đề 1: Đại học là đào tạo bậc cao, là bậc cao nhất trong hệ thống các bậc học của nền giáo dục quốc dân. Đại học có sứ mệnh đào tạo chuyên gia với nghĩa là người có chuyên môn, tốt nghiệp đại học phải có năng lực làm việc trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Chuyên gia còn là người giỏi, trình độ cao, nhất là những chuyên gia hàng đầu được giới chuyên môn và xã hội thừa nhận, nằm ở tầng lớp tinh hoa.

Những sinh viên ưu tú, có sự phát triển vượt trội so với mặt bằng chung của cộng đồng sinh viên là những người có tư chất để trở thành chuyên gia tương lai, là nguồn trữ năng quan trọng phát triển tầng lớp tinh hoa cho xã hội. Đào tạo đại học phải là đào tạo có chọn lọc từ đầu vào và phải được sàng lọc trong quá trình đạo tạo để đầu ra là sản phẩm thực sự, xứng đáng là người sở hữu văn bằng đại học.

Sinh viên đại học phải được đào tạo và giáo dục sao cho họ là người thực học để có thực lực và trở thành thực tài.

Không thể phổ thông hóa đại học

Luận đề 2: Đại học tiếp nối phổ thông nhưng khác về căn bản so với phổ thông. Đại học phải có sự phát triển mới về chất so với phổ thông, đặc biệt là trình độ và phương pháp tư duy sáng tạo.

Giáo dục đại học, dạy và học ở bậc đại học không phải và không thể là “sự kéo dài phổ thông” với tất cả những biểu hiện từ tổ chức, quản lý đến quan hệ thầy - trò, các quan hệ xã hội trong đời sống đại học, các hoạt động của các chủ thể trong môi trường dạy học và giáo dục đại học, nhất là nội dung và phương pháp dạy học đại học.

Đào tạo đại học không thể đại trà, không thể phổ thông hóa; “Xã hội hóa” giáo dục ứng dụng vào đại học không phải là “phổ thông hóa”, không phải là “địa phương hóa” đại học.

Cho dù không tự giác nhưng những khuynh hướng này đã hạ thấp chất lượng đại học, đã làm suy giảm nghiêm trọng tầm vóc đại học, xa lạ với tinh thần đại học, nhất là đối với các trường đại học về khoa học cơ bản, các trường đại học chuyên biệt, đào tạo năng khiếu nghệ thuật như âm nhạc, hội họa (Học viện Âm nhạc Quốc gia, Đại học Mỹ thuật…).


Thí sinh trong cuộc thi tay nghề cấp quốc gia năm 2018

Thí sinh trong cuộc thi tay nghề cấp quốc gia năm 2018

Một xã hội lành mạnh, một nền giáo dục lành mạnh là “nhiều thợ ít thầy”

Luận đề 3: Đào tạo đại học cũng là đào tạo nghề nhưng là đào tạo cao cấp về nghề, tính chuyên nghiệp phải cao, tính chuyên môn hóa phải sâu. Đòi hỏi này được đặt ra với cả thầy và trò.

Dù là “đại học nghiên cứu” hay “đại học ứng dụng” như chúng ta đang định hướng hiện nay thì xét về thực chất, giáo dục - đào tạo bậc đại học là nhằm cung cấp cho thị trường lao động xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, có nghĩa là sinh viên tốt nghiệp đại học phải đáp ứng, đòi hỏi của nhà tuyển dụng bằng cách hiểu nghềbiết hành nghề để trưởng thành trong thực tiễn họ sẽ giỏi nghề, thạo nghề, có lý tưởng nghề nghiệp. Giáo dục đại học phải kết hợp hài hòa lý luận với thực tiễn.

Đào tạo sinh viên phải gắn liền lý thuyết với thực hành. Môi trường đại học phải là môi trường giáo dục cẩn thận về ý thức nghề nghiệp, chuẩn bị cho sinh viên những tri thức và kỹ năng nghề, truyền cho họ cảm hứng và niềm tin về nghề, từ nghề mà tạo nghiệp (sự nghiệp). Tinh thần đại học theo quan điểm thực tiễn, hữu dụng và toàn dụng lao động phải thấm nhuần thực học để thực nghiệp.

Phân luồng và phân hóa ở bậc phổ thông, nhất là cuối cấp phổ thông trung học phải mang ý nghĩa giáo dục định hướng giá trị, lựa chọn giá trị để học sinh đi vào các trường nghề, học nghề thợ (công nhân) để làm thợ rồi tiếp tục học lên trong suốt cuộc đời, để thực hiện “giáo dục liên tục”, “giáo dục suốt đời” trong một “xã hội học tập” như chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, không xem đại học là cánh cửa duy nhất để vào đời.

Chỉ một tỷ lệ nhất định học sinh phổ thông trung học được xã hội và gia đình chuẩn bị và họ cũng tự chuẩn bị để vào đại học tức là tiếp thụ đào tạo nghề, học nghề ở bậc đại học. Phải thay đổi căn bản nhận thức xã hội, trước hết là tư duy lãnh đạo, quản lý để vượt qua tâm lý coi thường, xem nhẹ học nghề, trường nghề ở bậc trung học, trung cấp, cao đẳng nghề cho rằng, chỉ có lựa chọn đại học mới là sự lựa chọn duy nhất.

Một xã hội lành mạnh, một nền giáo dục lành mạnh phải hình thành cơ cấu “nhiều thợ ít thầy” chứ không phải ngược lại “nhiều thầy ít thợ” như hiện nay. Sự lệch lạc về cơ cấu này do nhiều nguyên nhân tạo ra, trong đó có tâm lý hư danh, trọng bằng cấp một cách hình thức, tạo ra rào cản đối với phát triển hệ thống các trường đào tạo công nhân, thợ lành nghề, không quý trọng những người làm thợ, trong khi trên thực tế, lực lượng này hết sức quan trọng, trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội.

Học vấn và văn hóa nghề mà xã hội phải thống nhất nhận thức, trước hết từ gia đình và nhà trường, từ các bậc cha mẹ đến thanh thiếu niên học sinh là phải thấm nhuần, tôn vinh giá trị lao động của người thợ, nghề thợ, không chạy theo hư danh bằng cấp, khoa cử vốn còn ảnh hưởng rất nặng trong tâm lý xã hội.

Nâng cao tính triển vọng của nghề thợ, của các trường lớp dạy nghề, có chính sách tiền lương hợp lý đối với công nhân và đội ngũ thợ bậc cao (những người có “bàn tay vàng”), phát huy truyền thống các gia đình có nhiều thế hệ làm thợ chẳng những góp phần xây dựng giai cấp công nhân, phát triển lĩnh vực giáo dục - đào tạo nghề, thỏa mãn nhu cầu nhân lực lao động có trình độ thực hành kỹ thuật - công nghệ cao mà còn thay đổi nhận thức và lối sống của mọi người, đồng thời để phát triển hợp lý quy mô đại học, xây dựng chuẩn đại học, không phổ thông hóa, hình thức hóa đại học như tình hình diễn ra bấy lâu nay.


Sinh viên trường ĐH Thành Tây trong phòng thực hành nghiên cứu khoa học

Sinh viên trường ĐH Thành Tây trong phòng thực hành nghiên cứu khoa học

Môi trường đại học là kích thích tự do sáng tạo

Luận đề 4: Môi trường đại học, từng trường đại học đến cả hệ thống đại học phải là môi trường nuôi dưỡng và kích thích tự do sáng tạo, thực sự dân chủ trong giao lưu, tiếp xúc, đối thoại, thảo luận, tranh luận về học thuật, chuyên môn và tư tưởng. Chỉ như vậy, sinh viên mới nhận được sự giáo dục tốt về tư duy khoa học, phát triển năng lực của họ với tư cách chủ thể chứ không chỉ là đối tượng giáo dục.

Giáo dục đại học, đặc biệt là dạy học đại học phải làm cho sinh viên sớm nảy nở nhu cầu tự giáo dục, tự đào tạo. Muốn vậy, giáo dục đại học phải đặc biệt chú trọng giáo dục phương pháp, không lấy việc truyền thụ tri thức làm cứu cánh, dù tri thức rất quan trọng, là cơ sở để phát triển năng lực trí tuệ và nhân cách sinh viên.

Chương trình và nội dung các môn học trong trường đại học phải được thiết kế và chọn lọc sao cho sinh viên thường xuyên có cơ hội trau dồi phương pháp khoa học, sớm có ý thức nghiên cứu khoa học thông qua tác động và ảnh hưởng của những người thầy của họ. Đó là một trong những điểm khác căn bản giữa đại học với phổ thông.

Nắm vững phương pháp, biết vận dụng phương pháp trong học tập một cách chủ động tích cực như một công cụ để tự mình thu thập và xử lý thông tin, củng cố những hiểu biết đã có và mở rộng hiểu biết mới, đó là học tập theo phong cách nghiên cứu mà sinh viên phải làm quen, có kỹ năng và hình thành nhu cầu.

Phương pháp dạy học tích cực mà giảng viên tác động tới sinh viên nhằm làm cho sinh viên đến với học tập như một lao động nghiên cứu khoa học, để hiểu biết và niềm tin của họ có cơ sở khoa học. Ga Loa đã từng nhấn mạnh, giảng dạy phải tạo ra cơ hội cho người học tự mình “đụng chạm” vào chân lý.

Hê ghen nhấn mạnh, toàn bộ tri thức mà nhân loại đạt dược kết tinh trong lịch sử tư tưởng triết học về thực chất là tri thức về phương pháp.

Viện sĩ Lan Đao nhận xét rằng, phương pháp quan trọng hơn phát minh. Nắm vững và làm chủ được phương pháp, con người có thể tạo ra nhiều phát minh mới.

Những luận đề tư tưởng đó rất cần được thấm nhuần trong tinh thần đại học.

Giáo dục phương pháp về thực chất là giáo dục nhân cách, bởi đó không chỉ là giáo dục trí tuệ để phát triển năng lực mà còn là giáo dục ý chí, nghị lực, tình yêu đối với chân lý, phẩm chất trung thực, sáng tạo trong học tập, trong nghiên cứu khoa học.

Môi trường đại học là môi trường của tự do sáng tạo để phát triển tài năng nên tất yếu gắn liền với dân chủ, bình đẳng và công bằng xã hội. Đáp ứng những yêu cầu đó đối với giảng viên và sinh viên phải gắn với kỷ cương, pháp chế, đạo đức và văn hóa.

Hồ Chí Minh đã diễn đạt sâu sắc và tinh tế vấn đề dân chủ của trí thức: trong một xã hội dân chủ ai ai cũng có quyền tự do thảo luận, tranh luận để cùng nhau tìm tòi chân lý. Khi chân lý đã tìm thấy rồi thì quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý.

Ăng ghen cũng từng nói, tự do là nhận thức đúng cái tất yếu và hành động như cái tất yếu đòi hỏi. Tự do của người này không được làm tổn hại tới tự do của người khác.

Sinh viên đại học là những công dân đã trưởng thành và nhân cách của họ đang trong quá trình hoàn thiện. Môi trường giáo dục đại học phải bảo đảm cho sinh viên thể hiện mình như một nhân cách trung thực và sáng tạo bởi các chuẩn mực dân chủ và tự do, công bằng và bình đẳng trong dạy và học, trong ứng xử và đánh giá.

Những chuẩn mực đó nếu không được tôn trọng, không được hướng dẫn thực hành lành mạnh có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực, thụ động, những “giả nhân cách” hay những sự “phân thân”, gây tổn hại đến sự phát triển của họ. Đủ hiểu vì sao phải thay thế lối giáo dục áp đặt, mệnh lệnh, quyền uy sang lối giáo dục dân chủ, thân thiện, cởi mở, hợp tác, thúc đẩy phát triển những cá tính sáng tạo.

Môi trường giáo dục đại học theo đó phải thể hiện là một môi trường văn hóa, thấm nhuần tính khoan dung văn hóa.

Còn nữa…!

GS Hoàng Chí Bảo – Hội đồng Lý luận Trung ương