GS Hồ Ngọc Đại tiếp tục bị loại bản thảo sách giáo khoa từ vòng 2

(Dân trí) - Sau bản thảo sách công nghệ giáo dục môn Toán và tiếng Việt bị loại từ vòng 1, bản thảo sách giáo khoa Đạo đức do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên tiếp tục bị Hội đồng thẩm định quốc gia loại ở vòng 2.

Trong biên bản, hội đồng thẩm định kết luận: Các tác giả bản mẫu sách giáo khoa (SGK) đã nghiên cứu ý kiến góp ý của hội đồng thẩm định vòng 1 và đã sửa chữa bản mẫu SGK. So với vòng 1, bản mẫu SGK vòng 2 đã được chỉnh sửa khá nhiều. 

Tuy nhiên, nhiều nội dung chỉnh sửa chưa đảm bảo đúng, chính xác theo các góp ý sửa chữa của hội đồng thẩm định vòng 1, đặc biệt là các góp ý của hội đồng về bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong SGK, về cấu trúc bài học.

Theo biên bản này, bản mẫu SGK vòng 2 vẫn còn nhiều lỗi cần phải đầu tư nhiều thời gian để điều chỉnh, hoàn thiện.

Hội đồng thẩm định cho rằng, với các ưu điểm đã có của bản mẫu SGK, các tác giả có thể tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện để thẩm định trong thời gian tới. Các tác giả cần bám sát nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình môn đạo đức lớp 1, Thông tư 33 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

GS Hồ Ngọc Đại tiếp tục bị loại bản thảo sách giáo khoa từ vòng 2 - 1

Đến thời điểm này, cả 3 bản thảo sách công nghệ đều trượt vòng thẩm định.

Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Tuyên, tác giả của bản thảo SGK Đạo đức, biên bản đánh giá của hội đồng thẩm định có một số vấn đề chưa hợp lý, còn cứng nhắc, tư duy theo lý thuyết nhiều, căn cứ vào thông tư, quy định... Ví dụ, chủ đề yêu thương gia đình nhưng lại nhận xét là thiếu chủ đề giúp đỡ em nhỏ…

Bà Tuyên cho biết thêm, ngày 5/10, khi tác giả gặp hội đồng thẩm định và có nói rằng sẽ chỉnh sửa lại theo yêu cầu của hội đồng thẩm định và nộp lại đúng hạn theo yêu cầu vào ngày 14/10. Hội đồng thẩm định cho biết, ngày 7/10 là hội đồng phải chốt trong khi theo lịch thì hội đồng thẩm định sẽ gặp tác giả vào ngày 2/10, đến ngày 7/10 thì hội đồng sẽ có biên bản đánh giá, ngày 14/10 tác giả sẽ phải nộp lại bản thảo đã chỉnh sửa ở vòng 2 và sau đó họ mới kết luận.

“Hội đồng thẩm định cho rằng tôi cần làm lại để đề nghị thẩm định lại từ đầu”, bà Tuyên nói.

Như vậy, đến thời điểm này, sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại có 3 bản thảo đều bị loại.

Trước đó, ngày 7/10, với tư cách cá nhân, PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào, nguyên giảng viên cao cấp trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tiếp tục gửi thư kiến nghị tới Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc, bộ SGK Công nghệ Giáo dục do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên bị loại.

Trong thư, PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào không chỉ thể hiện sự bức xúc, lo lắng về việc bộ sách Công nghệ Giáo dục bị Hội đồng thẩm định sách của Bộ GD&ĐT loại.

GS Hồ Ngọc Đại tiếp tục bị loại bản thảo sách giáo khoa từ vòng 2 - 2

Nên xem xét, đánh giá sách “Tiếng Việt 1” và “Toán 1” CNGD của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại theo cơ chế khác hoặc vận dụng Thông tư số 33/2017/TT-BGDDT một cách không xơ cứng.

Ông cho rằng, sách “Tiếng Việt 1” và “Toán 1” CNGD đã được thực nghiệm, được nghiệm thu đánh giá nhiều lần, được nhiều địa phương áp dụng đạt hiệu quả cao. Riêng sách “Tiếng Việt 1” trong hai năm gần đây (2017 và 2018) đã liên tục được Hội đồng thẩm định của Bộ xem xét đánh giá, đã thông qua và đang được áp dụng rộng rãi.

Trên cơ sở đó, ông đề xuất, không nên nhìn nhận bộ sách CNGD do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên như là sách cải cách giáo dục (triển khai từ năm 1981, được điều chỉnh hoàn thiện và phát huy tác dụng từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước); cũng không nên nhìn nhận bộ sách CNGD như sách của Chương trình tiểu học 2000 được triển khai và liên tục giảm tải từ năm học 2002 - 2003 đến nay.

Nên xem xét, đánh giá sách “Tiếng Việt 1” và “Toán 1” CNGD của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại theo cơ chế khác hoặc vận dụng Thông tư số 33/2017/TT-BGDDT một cách không xơ cứng, chi tiết mà căn cứ vào mục tiêu giáo dục, chuẩn đầu ra.

Từ những điều này, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào bày tỏ mong muốn được gặp trực tiếp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để trình bày kĩ hơn, không những về sách công nghệ giáo dục mà còn cả một số vấn đề quan trọng của giáo dục phổ thông.

Mỹ Hà