GS Furuta Motoo: Tôi là sản phẩm đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội

Những người thầy giáo Việt Nam đầu tiên của Giáo sư Furuta Motoo là GS Nguyễn Cao Đàm, GS Phan Huy Lê, GS Trần Quốc Vượng,… chính những người thầy này đã “truyền lửa” tình yêu Việt Nam đến GS Furuta Motoo.

Giáo sư Furuta Motoo vừa được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Đại học Việt Nhật (ĐHVN). Ông là người nước ngoài đầu tiên đảm nhận vị trí lãnh đạo trường Đại học (ĐH) thành viên của ĐHQGHN.


Giáo sư Furuta Motoo

Giáo sư Furuta Motoo

Hiểu Việt Nam từ cuộc chiến tranh Việt Nam

Thưa giáo sư, có lẽ ông là người Nhật Bản đầu tiên làm Hiệu trưởng của một trường ĐH tại Việt Nam, ông có thể cho biết cơ duyên nào đưa ông đến nhiệm vụ này?

Tôi là nhà nghiên cứu lịch sử cận hiện đại Việt Nam, là người Nhật Bản thuộc “thế hệ chiến tranh Việt Nam”. Khi tôi là sinh viên đại học, cuộc Kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt và vấn đề Việt Nam là tiêu điểm trên vũ đài chính trị quốc tế. Tôi cho rằng “Việt Nam là trung tâm thế giới”, nên nếu hiểu được Việt Nam thì chắc có thể hiểu được thế giới một cách dễ dàng hơn và đã chọn Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu của mình.

Trong cuộc đời nghiên cứu Việt Nam, tôi may mắn sớm có mối liên hệ với trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của ĐHQGHN ngày nay. Từ năm 1974 sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội cử giáo viên dạy tiếng Việt sang ĐH Ngoại ngữ Tokyo. Thầy giáo đầu tiên từ Hà Nội sang là thầy Nguyễn Cao Đàm. Tôi không phải là sinh viên của trường ngoại ngữ, nhưng từ năm 1974 đến năm 1976, tôi được thầy Đàm dạy ba năm liền.

Sau đó, tôi đã được học hỏi rất nhiều về lịch sử và xã hội Việt Nam từ các giáo sư uyên bác của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐHQGHN sau này như GS Phan Huy Lê, GS Trần Quốc Vượng... Mặc dù tôi không có kinh nghiệm lưu học tại ĐHQGHN, nhưng có thể nói tôi là “sản phẩm đào tạo của ĐHQGHN”.

Khi ĐHQGHN ra đời năm 1994, GS Phan Huy Lê (thời đó là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nhật) đã dẫn tôi đến gặp GS Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc đầu tiên của ĐHQGHN. Lúc đó tôi mới chỉ là PGS trẻ tuổi, nên cuộc gặp gỡ này đầy xúc động đối với tôi. Trong buổi gặp, GS Nguyễn Văn Đạo đã yêu cầu tôi đóng góp vào việc nâng cao vị thế của ĐHQGHN trên trường quốc tế.

GS nhận mình là “sản phẩm đào tạo” của ĐH Quốc gia Hà Nội. Vậy ông có thể cho biết một số công việc ông đã làm gắn với ĐHQGHN?

Tôi luôn cho rằng yêu cầu của GS Nguyễn Văn Đạo là sứ mệnh thiêng liêng của tôi và có nguyện vọng trở thành chiếc cầu nhỏ nối liền giữa ĐHQGHN và ĐH Tokyo, các trường ĐH khác ở Nhật Bản.

Từ năm 1999 tôi đã tham gia công tác quản lý tại ĐH Tokyo ở các vị trí như Hiệu trưởng trường ĐH Đại Cương, Phó Giám đốc ĐH Tokyo, Giám đốc Thư viện. Điều này đã tạo thuận lợi để tôi đáp ứng yêu cầu của GS Đạo. Từ năm 1999 đến năm 2014, tôi là một trong những người đề xướng và tổ chức Diễn đàn 4 Đại học chủ chốt Đông Á “BESETOHA”.

Đây là một diễn đàn về nền giáo dục đại học giữa 4 Đại học tiêu biểu của Đông Á là ĐH Bắc Kinh, ĐH Seoul, ĐH Tokyo và ĐHQGHN. Diễn đàn này ngừng hoạt động từ năm 2015, nhưng đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao vị thế quốc tế của ĐHQGHN. Qua 4 lần hội thảo ở Hà Nội, gần một trăm giáo sư và phó giáo sư của ĐH Tokyo đã đến Hà Nội và trao đổi với các bạn đồng nghiệp tại ĐHQGHN.

Lực lượng chính của ĐH Tokyo đang xúc tiến dự án Trường ĐHVN là các giáo sư và phó giáo sư đã từng tham gia Hội nghị BESETOHA tại Hà Nội. Có thể khẳng định được rằng BESETOHA đã trở thành nền tảng của dự án Trường ĐHVN.

Hiện nay, tôi có vinh dự lớn là được Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường ĐHVN. Đối với tôi đây là cơ hội để đáp ứng nhiệm vụ thiêng liêng mà cố GS Nguyễn Văn Đạo kính mến đã giao cho tôi. Đối với một một sản phẩm đào tạo của ĐHQGHN, không có vinh dự nào lớn hơn là trở thành Hiệu trưởng của trường ĐH thành viên của ĐHQGHN.

Cấp bách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Là người gắn bó với giáo dục Việt Nam nhiều năm như vậy, GS nhận thấy giáo dục đại học Việt Nam hiện nay như thế nào?

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống ham học và ngày nay Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Riêng lĩnh vực giáo dục đại học, trong thời gian 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là tăng trưởng về quy mô. Hiện nay Việt Nam đang đương đầu với những thử thách mới để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững đang trở thành một yêu cầu cấp bách.

Trong tình hình như vậy nền giáo dục đại học Việt Nam có một số hạn chế nên khắc phục. Ví dụ, nội dung đào tạo tại các cơ sở đại học của Việt Nam vẫn còn mang nặng tính lý thuyết và chưa mạnh về tính thực hành, thực tiễn, đặt nặng trọng tâm vào việc truyền đạt kiến thức mà chưa chú ý đúng mức đến phát triển kỹ năng cá nhân, năng lực sáng tạo của sinh viên. Giáo dục đại học tại Việt Nam vẫn còn chú trọng đào tạo chuyên môn hẹp và chưa đầu tư vào nuôi dưỡng tầm nhìn rộng của sinh viên.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiêm Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ trao Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng trường ĐH Việt Nhật tới Giáo sư Furuta Motoo

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiêm Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ trao Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng trường ĐH Việt Nhật tới Giáo sư Furuta Motoo

Trường Đại học Việt Nhật hướng tới nghiên cứu đạt trình độ quốc tế

Với kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học và am hiểu giáo dục Việt Nam như vậy, ông xây dựng định hướng phát triển trường ĐHVN như thế nào?

Trường ĐHVN là một biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển toàn diện. Có thể nói rằng giữa hai nước chúng ta vào đầu thế kỷ 20 có phong trào Đông Du thì vào thế kỷ 21 có Trường ĐHVN. Chính vì vậy nhiều ĐH hàng đầu của Nhật Bản đang đặc biệt quan tâm và tích cực hợp tác với ĐHQGHN trong việc xây dựng Trường ĐHVN.

Trong bối cảnh ĐHQGHN đặt mục tiêu trở thành một trung tâm đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực có tính hội nhập cao. Là một thành viên của ĐHQGHN, Trường ĐHVN được xây dựng theo mô hình đại học xuất sắc, hướng đến trở thành một trường đại học nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có năng lực thực tiễn đáp ứng nhu cầu của xã hội Việt Nam, góp phần quan trọng vào hiện thực hóa mục tiêu của ĐHQGHN.

Phía Nhật Bản, các ĐH, tổ chức, doanh nghiệp đang muốn thu hút nhiều nhân tài ưu tú quốc tế và Việt Nam là nguồn cung cấp nhân tài đầy hứa hẹn. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, một số doanh nghiệp Nhật Bản đang lên kế hoạch chuyển một số chức năng, hoạt động từ Trụ sở chính (Head quarter) ở Nhật Bản sang công ty con hoặc đối tác ở Việt Nam. Chỉ khi có được nhà lãnh đạo, quản lý người Việt Nam có trình độ chuyên môn cao và tầm nhìn chiến lược rộng, kế hoạch đó mới có thể thực hiện được. Trường ĐHVN sẽ là nguồn cung cấp nhân tài tinh hoa hàng đầu của Việt Nam hướng đến Nhật Bản.

Dù vậy, Trường ĐHVN sẽ không chỉ là một đại học kín của Việt Nam và Nhật Bản, mà còn mở rộng cửa đón sinh viên quốc tế trong khu vực ASEAN, châu Á và cả thế giới. Nhân tài với mọi quốc tịch được đào tạo từ đây sẽ có thể tung cánh tại Việt Nam, Nhật Bản và trên toàn cầu. Chúng tôi mong rằng sẽ xây dựng được Trường ĐHVN thành một trường đại học quốc tế thành công tại một nơi không phải là nước nói tiếng Anh.

Với sự hợp tác của Nhật Bản, Trường ĐHVN sẽ vừa là một trường đại học thành viên thuộc ĐHQGHN, vừa hướng đến một mô hình trường đại học mới chưa có tại Việt Nam, một trường đại học có tính độc lập, tự chủ cao, ông có thể cho biết cụ thể hơn mô hình này?

Trường ĐHVN là một trường ĐH thành viên thuộc ĐHQGHN. Với sự hỗ trợ của nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu và quản lý của ĐHQGHN, Trường ĐHVN có thể đứng vững ngay khi mới ra đời. Sự liên thông, liên kết và phân công rõ ràng với các đơn vị thành viên và trực thuộc của ĐHQGHN là hết sức quan trọng đối với Trường ĐHVN. Tuy nhiên, không hẳn Trường ĐHVN sẽ hoàn toàn giống với các trường đại học thành viên khác của ĐHQGH, đặc biệt việc trường sẽ có nhiều giáo viên tham gia giảng dạy được phía Nhật Bản cử đến.

Với sự hợp tác của Nhật Bản, Trường ĐHVN hướng đến việc tạo ra một trường đại học theo mô hình mới ở Việt Nam. Việc này không chỉ đến từ việc thực hiện nghiên cứu và đào tạo trong những lĩnh vực khoa học tiên tiến các trường đại học của Việt Nam chưa làm, mà còn đến từ phương diện tổ chức giáo dục đại học một cách cơ bản hơn. Ví dụ, trong giáo dục đại học tại Việt Nam, vẫn còn tồn tại khuynh hướng nhấn mạnh đào tạo chuyên môn hẹp với lực lượng chính là các trường đại học đơn ngành. Ở Trường ĐHVN, chúng tôi sẽ chú trọng các lĩnh vực mang tính liên ngành để nuôi dưỡng tầm nhìn rộng cho người học.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn tạo ra một mô hình mới về điều hành trường đại học ở Việt Nam, trong đó có sự kết hợp giữa đào tạo với nghiên cứu, điều hành tài chính một cách độc lập, chú trọng liên kết với doanh nghiệp sản xuất,…

Chú trọng đào tạo tầm nhìn rộng cho sinh viên

Trường ĐHVN đào tạo những lĩnh vực liên ngành gồm cả các ngành tự nhiên và ngành xã hội, tại sao lại có sự kết hợp đào tạo như vậy thưa GS?

Việc hợp tác xây dựng trường đại học ở nước ngoài của Nhật Bản cho đến nay được thực hiện trong lĩnh vực khoa học tự nhiên mà tiêu biểu là trong các ngành kỹ thuật, với mục đích chuyển giao công nghệ trong những ngành kỹ thuật tiên tiến. Với kinh nghiệm đó, tại Trường ĐHVN, các chương trình đào tạo khối khoa học tự nhiên cũng được xây dựng để hướng tới chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến mà Nhật Bản có ưu thế trên thế giới.

Không chỉ dừng lại ở đó, để đáp ứng nhu cầu từ thị trường lao động, Trường ĐHVN còn xây dựng các chương trình đào tạo trong các ngành khối khoa học xã hội và nhân văn mà Nhật Bản có truyền thống và thế mạnh. Các chương trình này giảng dạy những tinh hoa tích lũy trong quá trình hiện đại hóa xã hội Nhật Bản vốn có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam cùng những giá trị văn hóa cộng đồng và phong cách quản trị Nhật Bản.

Xuất phát từ bối cảnh đó, Trường ĐHVN được thiết kế như một trường đại học giảng dạy và nghiên cứu trong cả khối ngành tự nhiên và khối ngành xã hội, công tác đào tạo tại Trường ĐHVN không chỉ tập trung vào chuyên môn sâu mà còn chú trọng việc đào tạo tầm nhìn rộng cho người học. Các chương trình đào tạo thạc sỹ khai giảng vào tháng 9/2016 sẽ bắt đầu từ nhóm ngành "Khoa học bền vững", bao gồm 6 chương trình là Khu vực học, Chính sách công, Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ Nano và Kỹ thuật hạ tầng.

Thưa GS, điểm nổi bật nhất của trường ĐHVN là gì?

Trường ĐHVN là sản phẩm hợp tác chặt chẽ của hai Quốc gia, Nhật Bản và Việt Nam. Tôi cho rằng đây là đặc điểm quan trọng nhất của Trường ĐHVN.

Khi Chính phủ Việt Nam đặt vấn đề về việc xây dựng Trường ĐHVN, tôi có quan điểm cho rằng muốn xây dựng một trường đại học đạt chuẩn quốc tế ở Việt Nam thì cần phải phối hợp với một đại học có uy tín và năng lực ở Việt Nam. Theo đó, tôi đã đề xuất chủ trương chọn ĐHQGHN, một đại học hàng đầu của Việt Nam, có kinh nghiệm phong phú trong hợp tác với các trường đại học Nhật Bản. May mắn chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở cả phía Việt Nam lẫn phía Nhật Bản và đến nay đã trở thành hiện thực.

Quá trình chuẩn bị xây dựng Trường ĐHVN trong thời gian qua đã chứng tỏ rằng lựa chọn này hoàn toàn đúng đắn. Độ tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa các ĐH đối tác ở Nhật Bản và ĐHQGHN đang ngày càng tăng lên.

Tôi nghĩ rằng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau này là nền tảng cơ bản nhất để cho Trường ĐHVN phát triển mạnh. Nhiệm vụ hàng đầu của tôi, với tư cách là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐHVN, là tăng cường mối quan hệ tin cậy giữa hai bên nhằm tạo ra nền tảng vững chắc nhất để phát triển Trường ĐHVN.

Xin trân trọng cám ơn Giáo sư!

PV