GS Đào Trọng Thi: “Chúng ta nên mừng nếu du học sinh ở lại mà thành công”!

(Dân trí) - GS Đào Trọng Thi cũng cho rằng, hiện nay du học sinh đi du học phần lớn là tự túc hoặc xin học bổng ngoài ngân sách vì thế họ không có trách nhiệm phải quay trở về. Việc du học sinh dạng này mong muốn được ở lại nước sở tại làm việc để bù lại những khoản đầu tư tốn kém của gia đình là hoàn toàn chính đáng và có thể hiểu được.

Không phải đến bây giờ câu chuyện du học sinh về hay ở mới thu hút sự quan tâm của dư luận. Trước đó chuyện vì sao người giỏi không về nước làm việc được đưa ra trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình Kinh tế - Xã hội 2015.  Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đã day dứt với câu hỏi: “Tại sao 13 học sinh nhận học bổng của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đi du học, 12 cháu ở lại nước ngoài làm việc?”. Hay mới đây câu chuyện này một lần nữa lại được xới xáo lên nhân chuyện một cựu thí sinh của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia ở Cần Thơ tố trường Đại học đối xử bất công rồi tới chia sẻ của Nguyễn Thành Vinh – á quân Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên. Đây chỉ là những ví dụ cho tình trạng bức xúc trong việc thu hút, sử dụng nhân tài.

"Du học sinh không có trách nhiệm phải trở về!"

Trao đổi với PV Dân Trí, GS-TSKH Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm UB Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc Hội thẳng thắn cho rằng vấn đề lớn nhất ở đây là do cơ chế, môi trường làm việc của Việt Nam chưa thích hợp cho người thực tài phát triển. Do đó, dù có thu hút được người giỏi về nước cũng không có “đất” cho họ thi thố tài năng.

“Nền kinh tế của chúng ta phát triển chưa cao, do đó việc sử dụng hiệu quả những nhà khoa học có hàm lượng chất xám cao cũng bị hạn chế. Thứ hai, kể cả chúng ta đưa ra một cơ chế đặc thù để ưu đãi người tài nhưng không sử dụng hết năng lực của họ thì đó không chỉ là sự bất công mà còn làm thui chột tài năng của họ…”.

GS Đào Trọng Thi cũng cho rằng, hiện nay du học sinh đi du học phần lớn là tự túc hoặc xin học bổng ngoài ngân sách vì thế họ không có trách nhiệm phải quay trở về. Việc du học sinh dạng này mong muốn được ở lại nước sở tại làm việc nếu có điều kiện để bù lại những khoản đầu tư tốn kém của gia đình là hoàn toàn chính đáng và có thể hiểu được. Ông Thi phân tích, nếu một người nghiên cứu khoa học, ở lại nước ngoài có môi trường, cơ sở vật chất, tài liệu để tiếp cận trở thành một nhà khoa học nổi tiếng là việc đáng mừng.

Theo GS Đào Trọng Thi, một khi đã là nhà học có tầm của thế giới thì các đề tài khoa học của họ không còn là phạm vi của một quốc gia, nơi nào có điều kiện tốt nhất cho họ phát triển thì họ sẽ ở đó.

 

GS Đào Trọng Thi cho rằng nếu Du học sinh ở lại nước ngoài mà thành công thì nên khuyến khích
GS Đào Trọng Thi cho rằng nếu Du học sinh ở lại nước ngoài mà thành công thì nên khuyến khích

 

Còn với một người chọn con đường kinh doanh, ở những nước tiên tiến, môi trường kinh doanh tốt, là nơi thuận lợi xây dựng các đầu mối kinh tế giúp họ trở thành những nhà kinh doanh thành công thì cũng nên khuyến khích.

Ở đây, cần phải phân biệt khái niệm giữa việc “chưa về” và sẽ “không về”: “Đừng quá nặng nề du học thì phải trở về mới là đóng góp cho đất nước. Nếu ở nước ngoài họ có điều kiện học hành cao hơn, nghiên cứu chuyên sâu hơn, có thu nhập bằng ngoại tệ gửi về cho gia đình, người thân thì đó cũng là cách để chung tay đóng góp, xây dựng đất nước. Vì dù đi đâu, sống ở đất nước nào thì họ vẫn là con người Việt Nam. Trong một thế giới phẳng, việc cống hiến cho đất nước có nhiều con đường…”.

GS Đào Trọng Thi đồng ý với tình trạng “chảy máu chất xám” nhưng ông cho rằng nghĩa của nó có nhiều cách hiểu: “GS Ngô Bảo Châu là trường hợp điển hình, dù về Việt Nam chỉ là bán thời gian, nhưng đó lại là cầu nối quan trọng để có sự giao lưu giữa ngành toán học nước nhà với thế giới. Tôi cho rằng, như thế có thể sẽ tốt hơn là việc về hẳn Việt Nam làm việc”.

Vì sao người tài không về nước?

Trong khi đó, PGS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo day dứt chia sẻ, lẽ ra người tài phải phục vụ đất nước, làm cho đất nước sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong ước. Đằng này, người tài của chúng ta chỉ thích ở nước ngoài. PGS Trần Xuân Nhĩ cũng đặt câu hỏi: “Nếu các học sinh đi du học rồi về phục vụ đất nước thì quá tốt, nhưng vì sao họ không trở về? Có phải họ không yêu nước? Không phải. Đã là người Việt Nam ắt mang dòng máu Việt Nam và tất nhiên phải yêu nước chứ?”.

Lý giải vấn đề này, nguyên thứ trưởng Bộ giáo dục cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là môi trường và điều kiện làm việc trong nước còn quá nhiều bất cập, hạn chế sự phát triển tài năng của tuổi trẻ: “Tôi từng biết nhiều người đi học nước ngoài về, ngoại ngữ tinh thông, có năng lực, có nhiệt huyết muốn cống hiến cho đất nước. Nhưng khi họ vào một cơ quan mà người quản lý có tư duy cũ, thậm chí năng lực còn không bằng họ thì làm sao họ phát huy được. Hay nhiều người than thở với tôi, họ đi học nước ngoài 3 – 4 năm, bằng này bằng kia, khi về nước vẫn phải tính theo bậc từ đầu, tiền lương hàng tháng chỉ đủ tiền ăn sáng”.

Chỉ có tạo một môi trường minh bạch mới thu hút được nhân tài

Trở lại câu chuyện thu hút nguồn nhân lực cho quốc gia, làm thế nào để thu hút nguồn nhân lực? Ông Nhĩ cho rằng, phải xây dựng được một triển lược phát triển nhân lực và khoa học. Chiến lược này phải có từ hệ thống đào tạo đến chuyện sử dụng người tài như thế nào sau khi họ học xong. Cần chú trọng đội ngũ trí thức trong nước ở các viện khoa học, các trường đại học, các tổ chức... 

Đặc biệt, nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, Nhà nước không cần có một chính sách gì quá đặc biệt với trí thức Việt kiều mà hãy tập trung vào những chính sách tốt cho trí thức trong nước.

Để khoa học trở thành hàng hóa và được thụ hưởng những phần làm ra của khoa học, để đi đến những cơ chế đó cần có thời gian, Đảng và Nhà nước cần có những chế độ chính sách để đào tạo, bồi dưỡng các nhà khoa học có thể làm khoa học được.

Ngoài ra, nhà nước cũng cần kêu gọi những nhà khoa học ở nước ngoài trở về nước hợp tác, cộng tác thường xuyên để có sự gắn bó, hợp tác: “Tôi tin nếu có một cơ chế, môi trường minh bạch, rõ ràng thì chỉ 10-15 năm nữa sẽ có nhiều GS, nhà khoa học là Việt kiều sẽ về Việt Nam tìm cơ hội phát triển. Chế độ đãi ngộ chỉ là một phần, còn chừng nào chúng ta còn giữ lối tư duy làm việc kiểu cũ, chừng nào mà nạn tham nhũng, tiêu cực còn phổ biến thì chừng đó còn khó khăn trong việc thu hút, tuyển dụng người tài về nước làm việc”.

Về vấn đề tạo môi trường, cơ chế cho người thực tài phát triển, GS Đào Trọng Thi cho rằng, nhà nước nên tách biệt ra, đối với những nghành đòi hỏi nhân lực chất lượng cao, tạo ra hiệu quả cao thì sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp. Thứ hai, trong việc cử người đi học ở nước ngoài theo ngân sách nhà nước cần phải tính toán, cân nhắc cho phù hợp. Để khi về nước, họ phải được phát huy đúng năng lực, được làm ở vị trí phù hợp, tránh lãng phí.

“Từ trước đến nay, chúng ta có thiếu xót, yếu kém trong việc sử dụng, trọng dụng nhân tài. Quan trọng là chúng ta phải có sự quy hoạch lại ngành nghề, tách bạch những ngành cần nhân lực cao để có những quy chế quy định cụ thể về chế độ đãi ngộ. Nền sản xuất của chúng ta hiện nay chưa phát triển nên chưa đủ sức thu nạp người tài. Trong một vài năm tới, tôi tin rằng khi kinh tế phát triển, môi trường làm việc được cải thiện thì chắc chắn sẽ tạo được sức hút cho người tài làm việc…”.

Hà Trang