GS Đào Trọng Thi: Cần bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm

(Dân trí) - GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Chúng tôi ủng hộ việc hủy bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm và cần thay vào đó là cơ chế khác hữu hiệu hơn”.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề có nên bỏ chế độ miễn học phí cho sinh viên sư phạm, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Chúng tôi ủng hộ việc bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm và cần thay nó bằng một cơ chế khác hữu hiệu hơn nhưng vẫn thể hiện được tinh thần tôn trọng của Nhà nước trong việc đào tạo giáo viên.

Đó có thể là cơ chế cho sinh viên sư phạm vay tín dụng để đi học. Nhà nước sẵn sàng xóa nợ, bất kể sinh viên đó là nhà nghèo hay giàu, không phân biệt kinh tế tốt hay không tốt, không phân biệt người đó học khá hay không khá, miễn các em đã vượt qua kì thi tuyển sinh và đủ điểm chuẩn vào trường. Nếu về sau, sinh viên đó phục vụ ngành giáo dục thì sẽ xóa nợ này; còn nếu như không phục vụ trong ngành, đương nhiên các em phải hoàn trả.

GS Đào Trọng Thi: Cần bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm - 1

GS Đào Trọng Thi

Theo ông, liệu cơ chế này có thực sự hữu hiệu khi trước đây, chúng ta từng thất bại với quy định, nếu sinh viên sư phạm không phục vụ trong ngành giáo dục thì phải hoàn học phí?

Trước đây, chúng ta từng có quy định nếu sinh viên đó không phục vụ trong ngành giáo dục thì phải bồi hoàn học phí lại cho nhà nước. Tuy nhiên, lúc đó chúng ta không có cơ chế nào để thu lại.

Thứ hai, nhiều em ra trường, không phải không chấp nhận làm giáo viên, mà vì không bố trí được công việc. Hiện nay, không còn cơ chế nhà trường đi xin việc cho học sinh nữa; thành thử, nếu có cơ chế tín dụng như vậy, người học cứ tự động phải trả ngân hàng nếu không phục vụ ngành giáo dục.

Được biết khoảng năm 2009, Bộ GD&ĐT từng đề xuất không nên tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Vì sao sau đó, Bộ GD&ĐT đã rút đề xuất ấy thưa ông?

Khi sửa đổi Luật Giáo dục vào năm 2009, vấn đề này đã được đưa ra. Lúc đầu, Bộ GD&ĐT cùng Ban soạn thảo đã đưa ra đề xuất không nên tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, một số đại diện của các trường Sư phạm đề nghị vẫn giữ lại quy định này nên cuối cùng, Bộ GD&ĐT rút đề xuất ấy.

Đây là chính sách ưu tiên cho các trường sư phạm nhưng các trường vẫn không có ý kiến thì không thể khăng khăng thay đổi; vì thế tôi nghĩ, trước mắt phải tìm được sự đồng thuận giữa những người trong cuộc mới đưa ra được quy định khác hợp lý hơn để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung.

Quan điểm của ông ra sao khi hiện nay, nhiều trường “trong cuộc” vẫn muốn duy trì cơ chế miễn học phí cho sinh viên sư phạm?

Tôi rất tiếc vào thời điểm khoảng 6-7 năm trước, đại diện một số trường sư phạm đã xin giữ lại quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Đó là tiếng nói của người trong cuộc nên phải tôn trọng.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT lúc đó không kiên trì với ý kiến đề nghị của mình. Cũng có thể họ tôn trọng ý kiến của các trường nên không làm nữa. Về phía Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chúng tôi rất muốn bỏ quy định miễn học phí này nhưng Ban soạn thảo đã rút mất rồi nên chưa đưa vào Dự thảo để trình Quốc hội.

Không đánh đồng giữa học phí và quy hoạch nhân lực

Ông có thấy bất hợp lý khi một số trường hợp báo chí phản ánh, có những suất xin vào công chức giáo dục rất tốn kém. Trong khi đó, sinh viên sư phạm đào tạo ra còn thừa rất nhiều?

Tôi khẳng định lại, không phải vì Nhà nước thiếu sinh viên Sư phạm mà đưa ra chính sách miễn học phí. Đâu phải không có người học sư phạm nên phải đưa chính sách này ra để mời chào, để khuyến khích đầu vào? Nhà nước đưa ra chính sách này, nhằm đặt cao nhiệm vụ đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, điều băn khoăn là mặc dù được ưu tiên đào tạo nhưng sau đó, vì nhiều lý do, họ lại không muốn làm việc trong ngành giáo dục.

Hoặc trên thực tế họ không phục vụ trong ngành giáo dục vì lý do này hoặc lý do khác là điều đáng băn khoăn. Còn nếu trong trường hợp vẫn có nhiều người muốn học ngành giáo dục, Nhà nước vẫn sẵn sàng miễn phí đào tạo nhưng phải đảm bảo người đó phục vụ trong ngành giáo dục.

Tôi nhắc lại, chính sách ưu tiên này nhằm tôn trọng chính sách đào tạo giáo viên chứ không phải là giải pháp khuyến khích người học vì không hấp dẫn. Còn chuyện các em rất muốn vào ngành giáo dục và thậm chí phải mất cả chi phí để được vào lại không liên quan đến cơ chế học phí. Chính sách ưu tiên đầu tư cho nhành giáo dục và việc này khác hẳn nhau nên không thể gán vào với nhau.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục ưu đãi, sinh viên tiếp tục ào ào vào ngành sư phạm. Trong khi đó, nhiều sinh viên sư phạm vẫn đang thất nghiệp?

Tôi đã nói rồi, vấn đề không phải ở chỗ miễn học phí hay không miễn học phí. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đào tạo giáo viên nhưng cái chính là làm thế nào để việc đầu tư của Nhà nước được hiệu quả hơn. Giờ đào tạo giáo viên ra nhưng không có việc cho giáo viên làm, đấy lại là việc khác mà Nhà nước phải khắc phục bằng biện pháp khác. Điều đó thuộc về quy hoạch nguồn nhân lực giáo dục không đúng. Cần bao nhiêu giáo viên, nên đào tạo đúng số lượng đó. Không nên lẫn lộn, đánh đồng giữa chính sách hỗ trợ đào tạo giáo viên với các vấn đề khác của giáo dục.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quốc Huy (thực hiện)

 

NGƯT.GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng: “Chính sách hay nhưng phải lo đầu ra ”

Thực ra, chính sách này ra đời vì thời điểm trước đây, ngành sư phạm không tuyển được học sinh. Vì thế, để khuyến khích các em vào ngành này, để có những con người tâm huyết với ngành này, Nhà nước đã có chế độ miễn học phí để khuyến khích. Vì thế, đứng dưới góc độ một nhà giáo dục, tôi vẫn cảm giác đây là một chính sách hay, giúp làm được những việc lớn cho giáo dục. Tuy nhiên, cùng với đó, chúng ta cần có chính sách tốt cho đầu ra, để đời sống giáo viên được đứng vững hơn, đó mới là đầu tư thật sự.

Việc sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm, lỗi không phải do người học mà do ở tầm vĩ mô, do quy hoạch nhân lực giáo viên các cấp nên dẫn đến khủng hoảng thừa thãi. Tôi nghĩ, chúng ta có thể tính toán được hiện nay đang cần bao nhiêu giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT, CĐ, ĐH... để đào tạo.

Số liệu này hoàn toàn có thể có trong tầm tay thì tại sao không làm được? Vì thế, tôi nghĩ chúng ta cần ngồi lại để có một tính toán tỉ mỉ và hợp lý để đưa ra chỉ tiêu cho mỗi trường là bao nhiêu, không phải giao chỉ tiêu ào ào như bây giờ. Thậm chí, chỉ tiêu này phải thật sát với nhu cầu thì mới giải quyết được khủng hoảng thừa nhân lực sư phạm.

Hoàng Anh (ghi)