Góc khuất học trò hư

(Dân trí) - Đạo đức học trò ngày nay làm mọi người, đặc biệt là giáo viên trực tiếp dạy dỗ các em nặng lòng. Vậy nhưng phía sau những học trò bị xem là “hư” tồn tại rất nhiều góc khuất mà những hình phạt hay đòn roi sẽ chỉ càng làm các em thêm “hỏng”.

Yêu đương sớm, hỗn hào, bất cần, khó dạy bảo, vô kỷ luật… - bức tranh về nhiều cô cậu học trò ngày nay chẳng chút sáng sủa. Và cũng khó có thể kể hết những tiếng thở dài, than phiền về tác phong, nhân cách, đạo đức của học sinh (HS). Đặc biệt là giáo viên, họ không khỏi buồn lòng khi đạo làm trò đã bị lung lay rất nhiều.

Có điều, sự bất ổn, có thể gọi là “nổi loạn” của HS có những “xuất phát điểm” mà nếu chúng ta chỉ chờ đợi việc sử dụng đến các biện pháp mạnh, hình phạt thì chẳng thể giải quyết được gốc rễ.

Trước hết, phải nói đến tâm lý lứa tuổi. Đối tượng học trò khó dạy bảo thường ở tuổi mới lớn, bắt đầu từ bậc THCS bởi các em cũng đang bước vào giai đoạn khó khăn, nhiều biến động, xáo trộn nhất của cuộc đời - tuổi vị thành niên.

Nhiều bạn trẻ nổi loạn khi nằm ngoài tầm kiểm soát của gia đình, nhà trường (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Nhiều bạn trẻ nổi loạn khi nằm ngoài tầm kiểm soát của gia đình, nhà trường (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Ở độ tuổi này, các chuyên gia tâm lý khẳng định các em có thiên hướng giao lưu với bạn bè, xã hội với những sự tự do, cởi mở nhiều hơn khuôn khổ của gia đình và nhà trường. Đặc biệt, đây là thời điểm các em bắt đầu lập luận, tìm hiểu và đưa ra những giá trị mới. Những giá trị này cực kỳ dễ xung đột với những giá trị của bố mẹ, thầy cô dẫn đến những mâu thuẫn, va chạm.

Chia sẻ tại hội thảo tâm lý vị thành niên, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Câu lạc bộ tâm lý Trăng Non, TPHCM) cho hay, vị thành niên là lứa tuổi, giai đoạn khó chịu nhất của đời người, những khủng hoảng của các em sẽ kéo theo khó khăn cho gia đình và nhà trường.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến chia sẻ về tâm lý phức tạp lứa tuổi vị thành niên (Ảnh: CLB Trăng Non)
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến chia sẻ về tâm lý phức tạp lứa tuổi vị thành niên (Ảnh: CLB Trăng Non)

Thế hệ nào cũng đều trải qua giai đoạn này nhưng các em thời đại này gặp bất ổn nhiều hơn bởi yêu cầu, đòi hỏi đối với vị thành niên trước đây không cao và lắm áp lực như bây giờ. Ngay từ khi mới lọt lòng, các em đang tuổi vị thành niên hiện nay đã chịu áp lực chiều cao, cân nặng trong từng giọt sữa, thìa cháo nạp vào người, sau đó là vô số áp lực về học tập, thành tích, trường chuyên lớp chọn, nghề nghiệp…

Sự khó chịu về tâm lý lứa tuổi dễ dàng bị đổ gãy khi môi trường sống trong gia đình, nhà trường và xã hội ngày càng phức tạp. Phía sau những học trò quậy phá, hút thuốc, đánh nhau… thường là những bất ổn, sang chấn tâm lý.

Phía sau những “thiên thần áo trắng” tung chưởng đánh bạn có thể các em đang sinh sống trong một gia đình bạo lực, chịu sự áp đặt, hà khắc, đòn roi của bố mẹ.

Có thể lắm phía sau những cô cậu học trò buông thả, bất cần trong quan hệ nam nữ mà người lớn hay tránh mắng “nứt mắt đã yêu” bởi các em dễ trở thành nạn nhân của việc xâm hại tình dục.

Chưa kể đến việc có thể các em đang sống trong gia đình ly tán, không toàn vẹn, chịu cách giáo dục sai lệch...

Rồi những áp lực về học tập, dạy học áp đặt một chiều trong và cả sự dối trá trong trường học cũng tác động đến những đến sự buông thả của các em. Nhiều bạn trẻ thiếu nỗ lực trong học tập và rèn luyện bởi các em mất niềm tin vào giáo dục.

Và rất nhiều, rất nhiều cái “có thể” xảy ra phía sau hình ảnh đạo đức học trò đang xuống cấp.

Học sinh ở TPHCM trong chương trình tư vấn về tâm lý lứa tuổi (Ảnh: Hoài Nam)
Học sinh ở TPHCM trong chương trình tư vấn về tâm lý lứa tuổi (Ảnh: Hoài Nam)

Môi trường sống ngày càng phức tạp, trong khi môi trường giáo dục trong gia đình và nhà trường đã không kịp thích ứng để “xử lý” kịp thời. Bác sĩ Tiến nhấn mạnh sự kỳ vọng từ môi trường môi trường bên ngoài vượt quá khả năng của mình sẽ dẫn đến khủng hoảng ở vị thành niên. Hiện nay có khuynh hướng rất rõ ràng là tình trạng trầm cảm ở vị thành niên. Họ có ý định tự sát hoặc tự sát thật sự khi không có khả năng ứng phó, hóa giải những khó khăn mình phải đối mặt.

Sự nổi loạn thể hiện bất mãn, chán chường nhưng cũng là sự thất vọng, cô đơn, bế tắc của các em. Nhiều em nổi loạn, làm những việc khác người còn để lôi kéo sự chú ý, quan tâm, chia sẻ từ người lớn.

Phía sau những hình ảnh học trò làm chướng mắt người lớn là lời cảnh báo nhưng cũng là tiếng kêu cứu của một thế hệ trẻ.

Mà nếu các em chỉ nhận được sự phán xét hay việc giáo dục vẫn kỳ vọng vào những hình phạt, đòn roi để thay đổi các em mà thiếu những giải pháp tích cực thì HS sẽ không chỉ “hư” mà sẽ còn “hỏng”.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)