Giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi: Vẫn nhiều vướng mắc

(Dân trí) - Sau một năm thí điểm giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi tại 8 quận huyện, năm học mới TPHCM sẽ tiếp tục lộ trình mở rộng đề án ở nhiều địa bàn. Tuy nhiên, vẫn rất nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ được.

Số trẻ gửi còn “heo hút”

Năm học 2014 - 2015, việc thí điểm nhận trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi được thực hiện tại 13 trường thuộc 8 quận huyện ở TPHCM. Thống kê đến cuối năm học của Sở GD-ĐT TPHCM, có 185 trẻ trong độ tuổi trên đang được ở các trường thực hiện thí điểm.

Nhiều trường mở lớp nhận trẻ từ 6 tháng tuổi nhưng thiếu hoặc trắng học trò (Ảnh minh hoạ)
Nhiều trường mở lớp nhận trẻ từ 6 tháng tuổi nhưng thiếu hoặc "trắng" học trò (Ảnh minh hoạ)

Đặc biệt, trẻ 6 – 12 tháng chỉ có 60 trẻ, trong đó ở nhiều trường chỉ có 1 – 2 trẻ, thậm chí như Trường mầm non Phượng Hồng (quận Tân Phú) mở lớp nhưng không có trẻ cho dù đây là địa bàn rất đông công nhân, người lao động nhập cư.

Về việc có lớp mà thiếu trẻ, lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT lý giải, quan trọng nhất là khung giờ gửi trẻ ở trường công lập chưa hợp lý so với nhu cầu của người lao động, công nhân. Họ phải đi làm sớm, về muộn, lại tăng ca nên nếu gửi vào trường công lại phải bố trí thêm việc đưa đón.

Chưa kể, việc thí điểm chỉ mới thực hiện ở một số trường, phụ huynh có nhu cầu nhưng ở xa lại khó bố trí đưa đón để gửi trẻ nên họ lại tìm phương án khác. Và nhóm trẻ gia đình, kể cả những nhóm trẻ không phép vẫn là lựa chọn của nhiều phụ huynh. Ở nhiều quận huyện, số lượng nhóm trẻ hoạt động không phép vẫn rất nhiều như Thủ Đức còn 267 điểm, Bình Tân còn 215 điểm giữ trẻ không phép đang giữ hàng ngàn trẻ.

Vướng đủ thứ

Năm học 2015 – 2016, việc giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi sẽ được mở rộng thêm ở 4 quận, nâng tổng số trường mầm non công lập nhận trẻ từ 6 tháng tuổi từ 13 lên 41. Số lượng trẻ có thể tiếp nhận dự kiến là 926 trẻ (trong đó gần 300 trẻ trong độ tuổi 6 – 12 tháng).

Tuy vậy, từ thực tế một năm thực hiện thí điểm đề án, nhiều ý kiến cho rằng còn không ít vướng mắc cần được tháo gỡ.

Việc giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Việc giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Không nằm trong đề án các quận huyện thí điểm nhưng năm học vừa rồi, quận Gò Vấp vẫn “thử nghiệm” nhận trẻ 6 – 18 tháng tuổi tại 3 trường mầm non.

Bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng Phòng Giáo dục quận Gò Vấp chia sẻ độ tuổi này, 1 GV chỉ chăm 4 - 5 trẻ, lên đến 6 trẻ là không làm nổi. Nếu thu tiền cao thì phụ huynh sẽ không gửi vì chủ yếu những gia đình có nhu cầu gửi con sớm ở diện khó khăn, không có điều kiện trông tại nhà. Còn thu thấp thì không đủ chi phí.

“Với trẻ độ tuổi này, thành phố cần tăng mức ngân sách cấp trên số đầu trẻ để hỗ trợ hoạt động cho các trường”, bà Nguyệt đề xuất.

Một trong những khó khăn chung của các quận huyện khi tổ chức giữ trẻ từ 6 tháng là đội ngũ GV. GV không mặn giữ trẻ nhỏ vì phức tạp, nhiều nguy cơ… Nhất là với thực tế thiếu GV mầm non ở TPHCM thì việc tuyển được GV trông nhóm trẻ này càng nan giải hơn. Chưa kể đến chất lượng chăm trẻ cũng rất nhiều điều để nói khi đội ngũ thiếu kinh nghiệm, tay nghề.

Ông Ngô Văn Tuyền, Trưởng Phòng Giáo dục quận Bình Tân cho hay đến nay các chương trình đào tạo của các trường sư phạm vẫn chưa chú trọng nhiều đến kỹ năng chăm sóc trẻ từ 6 tháng tuổi. Vì thế GV mầm non thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ, việc bố trí GV phụ trách nhóm lớp này rất khó.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM chỉ ra hàng loạt khó khăn đối với việc thực hiện giữ trẻ từ 6 tháng tuổi như về cơ sở vật chất, đòi hỏi các trường phải tạo, sửa chữa cho phù hợp với trẻ nhỏ, cần nhiều GV cho lứa tuổi này nhưng TPHCM lại đang thiếu GV, theo lộ trình việc thực hiện ở mỗi quận chỉ 1 - 2 trường khó đáp ứng được nhu cầu…

TPHCM là nơi đi đầu trong việc thực hiện giữ trẻ từ 6 tháng tuổi. Đây là một đề án nhân văn, phù hợp với thực thực tế chế độ nghỉ thai sản của người mẹ, giải quyết phần nào nhu cầu gửi con của người lao động. Để việc thực hiện đề án đạt hiệu quả cao hơn đòi hỏi các chính sách phải đồng bộ.

Hoài Nam