Gìn giữ tiếng Việt nơi xứ người

Thành lập từ năm 2007, ban đầu chỉ có mỗi một lớp với vài cháu tham gia học tập, sau 5 năm, trường Sao Mai đã thường xuyên duy trì và liên tục mở các lớp chuyên dạy tiếng Việt cho con em người Việt thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên ở CHLB Đức…

Thành lập từ năm 2007, ban đầu chỉ có mỗi một lớp với vài cháu tham gia học tập, sau 5 năm với sự giúp đỡ tận tình của Ban Giám đốc Trung tâm thương mại Thái Bình Dương ở Berlin, cùng sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức và một số hội đoàn, sự tận tâm của các cô giáo, trường Sao Mai đã thường xuyên duy trì và liên tục mở các lớp chuyên dạy tiếng Việt cho con em người Việt thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên ở CHLB Đức.
Gìn giữ tiếng Việt nơi xứ người  - 1
Một tiết dạy tiếng Việt ở Trường Sao Mai tại Berlin (CHLB Đức).

Hiện nay trường có tổng cộng 60 em học sinh, được chia thành 4 lớp, học vào ngày chủ nhật hàng tuần. Người phụ trách toàn bộ công việc nhà trường là cô Nguyễn Thị Hoàng Liên và 2 giáo viên nữa. Lớp có trình độ cao nhất đã học được 4 năm và có lớp mới học được khoảng 1 năm.

Theo lời cô giáo Nguyễn Thanh Tâm, trước đây cô là giáo viên trường cấp 2 Quang Trung tại Hà Nội. Khoảng giữa năm 1992, cô theo chồng sang định cư tại CHLB Đức. Hàng ngày vào buổi sáng cô vẫn đi làm như mọi người nhưng tối về, sau khi xong xuôi công việc nhà, từ 22 giờ đêm trở đi, cô đã dành ra chút thời gian rảnh rỗi còn lại ngồi soạn bài vở để dạy cho các con. Sau này tham gia giảng dạy cô giáo Thanh Tâm hiểu trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Đức luôn mang những nét đặc thù riêng, nên cô luôn đầu tự nhiều thời gian và công sức để soạn giáo án giảng dạy.

Cô Tâm chia sẻ: "Một trong những khó khăn lớn là nhiều gia đình người Việt đang định cư, sinh sống ở CHLB Đức vẫn chưa thật sự nhận thức được tầm quan trọng của việc học tiếng Việt của con em mình, nên khi có công việc bận bịu riêng, họ cũng không sẵn sàng đưa con em tới trường, như thế là các em lại phải nghỉ học. Tôi cho rằng việc dạy học cho các con rất cần sự quan tâm và phối hợp của các bậc phụ huynh. Trước 12 tuổi, các cháu còn dễ uốn nắn và còn chịu học tiếng Việt, sau đó càng ngày sẽ càng rất khó khăn...”.

Ngày 11/9/2011, trường Sao Mai đã tổ chức khai giảng năm học mới 2011-2012. Đây cũng là lần thứ 5 liên tiếp các cô trò của trường đón mừng năm học mới, cũng là điều minh chứng cho sự bền bỉ trong nỗ lực gìn giữ và phổ biến tiếng Việt của Trường Sao Mai. Cô Hoàng Liên, người phụ trách trường Sao Mai cho biết: "Vì chúng tôi chỉ mới tổ chức được có 4 lớp, nên các cháu dù ngồi trong một lớp nhưng đôi khi lứa tuổi khác nhau, trình độ cũng khác nhau, nên việc tiếp thu của từng em cũng khác nhau. Và còn một khó khăn nữa là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất. Mặc dù nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của bà Trịnh Thị Mùi, Giám đốc Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương, nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa sự đầu tư về cơ sở vật chất để đảm bảo cho việc dạy và học”.

Hiện nay, hàng tháng các cô giáo của nhà trường chỉ được nhận được khoản bồi dưỡng ít ỏi do cha mẹ học sinh đóng góp. Nhưng họ cũng chưa bao giờ có lời nào phàn nàn về điều đó, chỉ mong mỗi giáo viên sớm có được một bộ giáo trình biên soạn dành cho người Việt ở nước ngoài... Xem ra một ước muốn tưởng chừng hết sức đơn giản như vậy mà cũng không dễ thực hiện. Bởi hiện nay, Nhà xuất bản Thế giới đã cho xuất bản một bộ giáo trình này, nhưng mới là sách thử nghiệm nên không có bán rộng rãi ngoài thị trường.

Ông Vũ Quốc Nam, Chủ tịch Hội đồng hương Kinh Bắc tại CHLB Đức, cũng không ít hơn một lần khẳng định rằng công tác giảng dạy tiếng Việt của Trường Sao Mai mang ý nghĩa rất quan trọng gìn giữ và duy trì vốn tiếng Việt cho các cháu được sinh ra, lớn lên tại Đức. Bởi theo ý kiến của ông, nếu không gìn giữ tiếng Việt, những thế hệ người Việt tiếp sau của chúng ta sẽ bị "mất gốc” bởi các cháu được sinh ra, lớn lên tại CHLB Đức luôn phải tiếp thu tiếng nói và nền giáo dục của nước sở tại. Trong khi ấy các bậc phụ huynh, không phải ai cũng có điều kiện quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ các cháu tiếng Việt.
 
Theo Như Quỳnh
Đại Đoàn Kết