Giấy khen… “rớt giá”

(Dân trí) - Có lẽ chưa lúc nào tờ giấy khen dành cho học trò lại “rớt giá” như lúc này. Không phải vì ai cũng được khen mà hơn hết là sự khen ngợi đó có thực chất hay chỉ là hình thức?

Anh Nguyễn Văn Tùng, có con học mầm non ở TPHCM kể, cầm tập giấy khen cuối năm của con học lớp lá mà anh chỉ biết… thở dài. Cô con gái hồn nhiên ở tuổi ăn, tuổi vui chơi của anh được khen với thành tích mà anh nghĩ một lúc mới nhớ ra. Cụm từ được viết là “Đạt thành tích giỏi xuất sắc” mà anh không hiểu là "giỏi xuất sắc" là cái gì. Không chỉ giấy khen của nhà trường, con anh và các cháu cùng lớp còn nhận được giấy khen từ các công ty, đơn vị hợp tác với nhà trường trong các chương trình ngoại khoá.

Con nhận được giấy khen nhưng ông bố này không lấy điều đó làm hãnh diện bởi những lời khen sáo rỗng, không có giá trị.

Giấy khen đang bị rớt giá vì... quá hình thức?
Giấy khen đang bị "rớt giá" vì... quá hình thức?

Con trai 2 tuổi đến trường mầm non tư thục được đúng 4 tuần thì nghỉ hè, vợ chồng anh Quang, ở Gò Vấp, TPHCM cũng hết sức bất ngờ khi… con mình được phát giấy khen với thành tích “Bé khỏe - Bé ngoan năm học 2014 – 2015”.

Tờ giấy khen đầu đời của con, anh Quang bày tỏ, quả thật người làm bố làm mẹ rất vui, như có thêm rất nhiều động lực. Nhưng ông bố cũng thừa nhận, giấy khen kiểu này chỉ dành cho người lớn vui với nhau chứ chưa thật sự đúng ý nghĩa khen trẻ.

Nhiều năm gần đây, tờ giấy khen đã trở nên bình thường ở trường học, đặc biệt là ở bậc mầm non và tiểu học khi HS yếu kém trở thành “của hiếm”. HS giỏi tràn lan, có những trường 99% là HS giỏi hay như ở TPHCM, năm học 2013 - 2014, có 93% trong tổng số hơn nửa triệu HS bậc tiểu học toàn thành phố đạt học lực Khá và Giỏi.

Khi bỏ chấm điểm, không xếp loại HS Giỏi, Khá mà đánh giá trên nhiều mặt thì có những trường… toàn bộ HS được giấy khen. Phải nói giấy khen dùng để phát chứ không còn đúng nghĩa từ trao tặng. Người phát thích khen gì là khen, không nhất thiết phải khen “trúng” đứa trẻ được nhận.

Thật ra, nhiều học trò nhận giấy khen không phải là nguyên nhân của việc giấy khen “rớt giá”. Khoan đã vội cho rằng, HS toàn trường được khen thưởng thì việc con mình được khen không có ý nghĩa. Mỗi em đều có những thế mạnh của riêng mình, việc được khen thưởng phù hợp là điều cần thiêt.

Giấy khen không chỉ là sự động viên, khích lệ mà hơn hết là đánh giá, ghi nhận nỗ lực của mỗi cá nhân trong một quá trình, giai đoạn cụ thể. Nếu tờ giấy khen là kết quả của chính các em thì càng nhiều HS được khen thưởng càng là tín hiệu vui.

Nhưng rồi, dù năm học này, ở bậc tiểu học bỏ chấm điểm học nhưng HS vẫn thi cuối kỳ, cuối năm để lấy điểm. Thực tế không thiếu GV luyện sẵn bài bài tủ, bài mẫu cho HS, đến ngày thi các em chỉ việc sao chép như một chiếc máy. HS đạt kết quả toàn 9, 10 không có gì lạ - chỉ có điều nhiều điểm số không hẳn là năng lực, nỗ lực của các em mà do người lớn “áp” xuống.

Căn bệnh thành tích và hình thức tồn tại từ lâu đang “ăn mòn” rất nhiều giá trị, biến những đứa trẻ trở thành công cụ của người lớn. Đúng, các em rất cần lời khen, cần những tờ giấy khen. Nhưng đó là lời khen chân thành, những giờ giấy khen đạt được bằng chính nỗ lực của các em chứ không phải tờ giấy khen xuất phát từ việc phô trương, hình thức của người lớn.

Theo lời một nhà giáo dục ở TPHCM, mọi sự đánh giá đều có giá trị nhất định không thể phủ nhận. Nhưng quan trọng nhất là việc đánh giá đó có chân thật không hay để đến được kết quả mà chúng ta nhìn thấy là hành trình của những “trò hề”?!

Tờ giấy khen của học trò “rớt giá” không phải vì quá nhiều HS được giấy khen mà bởi vì có lẽ nó phô trương, hình thức và thiếu chân thật.

Hoài Nam